Xã hội

Từ vụ ép đền 400 triệu sau TNGT: Ngăn lối hành xử vô pháp, cách nào?

06/03/2019, 06:37

Việc hàng trăm người bao vây, gây sức ép không cho CSGT giải quyết vụ việc và đòi bồi thường 400 triệu đồng là không thể chấp nhận được.

img
Hàng trăm người kéo ra hiện trường TNGT đòi bồi thường 400 triệu ở Lào Cai

Nhận tin về vụ tai nạn giữa ô tô và xe máy xảy ra vào trưa 1/3 khiến Hạng A Câu (SN 2004) tử vong, hàng trăm người thân, họ hàng, bạn bè của nạn nhân ở Sa Pa, Lào Cai đã kéo đến bao vây hiện trường, yêu cầu phải bồi thường 400 triệu đồng mới cho lực lượng chức năng khám nghiệm. Chỉ đến khi gia đình nhận được 200 triệu đồng, họ mới chấp nhận. Sự việc này khiến dư luận bất bình về lối hành xử bất chấp pháp luật theo kiểu tư duy “xe to phải đền xe bé” vốn đã tồn tại từ lâu trong xã hội.

img
Thượng tá Nguyễn Đắc Long, Trưởng phòng CSGT Lào Cai

Thượng tá Nguyễn Đắc Long (Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Lào Cai):
Lo thành tiền lệ xấu


Khi tai nạn xảy ra, một tổ TTKS của Phòng CSGT Lào Cai phụ trách tuyến đã có mặt làm nhiệm vụ phân luồng giao thông. Lúc đó rất phức tạp, vụ tai nạn xảy ra khoảng 12h nhưng đến gần 18h (6 tiếng đồng hồ), qua công tác vận động với sự hỗ trợ của già làng, trưởng bản, người dân mới chấp nhận khi được đền bù 200 triệu đồng. Do các chiến sỹ làm nhiệm vụ ở vòng ngoài nên không rõ thời điểm các bên thỏa thuận bồi thường diễn ra như thế nào.

Việc gia đình thỏa thuận với lái xe riêng tư hay có sự có mặt của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thì Phòng CSGT chưa nắm được và sẽ đợi báo cáo từ Công an huyện Sa Pa. Hai bên tự thỏa thuận với nhau là vấn đề dân sự nhưng dù vậy, vẫn phải qua cơ quan công an để giải quyết theo quy định. Chỉ trừ những trường hợp va chạm nhẹ thì 2 bên có thể tự thỏa thuận đền bù... Tuy nhiên, cũng nên nhìn sự việc này một cách nhân văn hơn. Nếu lái xe ô tô có điều kiện muốn hỗ trợ nạn nhân thì cơ quan chức năng cũng không ngăn cản.

Tôi nghe kể lại trong câu chuyện của người dân lúc đó có nội dung rằng, tại làng này, khi một người ở làng chết thì cả làng phải đến đóng góp để làm ma. Nhưng nếu lấy được của lái xe thì làng không phải đóng góp nữa. Việc này chưa từng xảy ra nhưng nếu không giải quyết được ngay sẽ trở thành tiền lệ rất xấu.

img
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ

Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ (nguyên cán bộ Phòng CSGT Công an TP Hà Nội):
Cần đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật


Gốc rễ vấn đề vẫn là phải hành xử theo pháp luật, vì việc ngăn cản như vậy ảnh hưởng đến việc điều tra giải quyết tai nạn, phân xử đúng sai. Nói cách khác thì tinh thần thượng tôn pháp luật trong trường hợp này đã không được thực thi.

Dù không ai mong muốn nhưng mỗi khi xảy ra một vụ TNGT nào đó, muốn giải quyết vấn đề gì thì cần phải căn cứ theo quy định của pháp luật. Đối với vụ việc cụ thể ở Sa Pa, Lào Cai, việc bồi thường chỉ được tiến hành sau khi cơ quan công an tiến hành khám nghiệm hiện trường và kết luận nguyên nhân tai nạn. Nếu bồi thường dân sự (nghĩa là không khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can) thì căn cứ vào Luật Dân sự, nếu không thỏa thuận được thì việc này chỉ có toà án mới có quyền quyết định số tiền bồi thường bao nhiêu.

Tôi không có mặt trực tiếp tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn, nhưng nếu tôi là người có trách nhiệm ở đó, tôi sẽ bình tĩnh vận động người dân không quá khích, giải thích rõ theo quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của các bên... Đồng thời, yêu cầu mọi người không cản trở lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, ảnh hưởng đến hiện trường vụ án và cản trở giao thông trong khi chưa xác định được nguyên nhân do bên nào. Nếu tiếp tục bị cản trở, lực lượng chức năng hoàn toàn có đủ thẩm quyền để giải tán đám đông chứ không để xảy ra việc ùn tắc lâu như vậy.

Nếu hiện trường bị xáo trộn, không còn nguyên vẹn, mất hết dấu vết thì sẽ rất rất khó khăn cho công tác điều tra xác định nguyên nhân, giải quyết vụ án được khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

img
Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM):
Phi lý khi chưa rõ đúng sai đã bắt đền


Theo quy định của pháp luật, khi xảy ra TNGT, lực lượng chức năng phải lập tức bảo vệ, khám nghiệm hiện trường để điều tra nguyên nhân, tổ chức phân luồng giao thông. Việc bồi thường đã được quy định trong luật, không thỏa thuận được thì đưa ra tòa án giải quyết.

Việc hàng trăm người bao vây, gây sức ép không cho CSGT giải quyết vụ việc và đòi bồi thường 400 triệu đồng là không thể chấp nhận được. Điều này không những thể hiện nhận thức về pháp luật còn hạn chế, mà còn cho thấy cách xử lý của CSGT, lực lượng chức năng như vậy là chưa quyết liệt theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Đáng ra trong trường hợp này, lực lượng chức năng có quyền áp dụng các biện pháp để giải tán đám đông giúp cơ quan điều tra thực hiện nhiệm vụ của mình.

Có một thực tế ở nước ta là mỗi khi xảy ra TNGT, chưa biết ai đúng ai sai, nhiều người mặc nhiên coi rằng xe to phải đền xe bé, người điều khiển phương tiện phải đền người đi bộ... Đây là điều rất vô lý, vì khi cơ quan chức năng chưa xác định thiệt hại ra sao, lỗi do bên nào thì không ai có quyền đòi bồi thường một số tiền lớn như thế. Để ngăn ngừa những vụ việc tương tự có thể sẽ xảy ra, cần tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật, đồng thời xử lý điểm những vụ nổi cộm để làm gương, răn đe.

img
Luật sư Nguyễn Hữu Toại

Luật sư Nguyễn Hữu Toại (Giám đốc Công ty Luật Hừng Đông, Đoàn Luật sư TP Hà Nội):
Nếu vi phạm luật, nạn nhân mới là người phải đền


Theo quy định, bồi thường thiệt hại dân sự theo thỏa thuận giữa các bên, còn pháp luật không can thiệp. Trường hợp các bên không thống nhất được với nhau về mức bồi thường thì sẽ tiến hành đưa ra tòa giải quyết. Nếu như tính mức cao nhất là 100 tháng lương tối thiểu thì số tiền cũng không lớn đến con số 400 triệu đồng, kể cả cộng tiền mai táng phí cho nạn nhân. Tuy nhiên, trong trường hợp này cơ quan công an vẫn chưa xác định lỗi do ai, mà người thân nạn nhân đưa ra yêu cầu như vậy là vô lý.

Theo luật định, khi xảy ra tai nạn, bên nào có lỗi, bên nào vi phạm pháp luật thì bên đó phải bồi thường chứ không có chuyện xe to phải đền xe bé. Trong trường hợp này, giả thuyết đặt ra là nếu người đi xe máy không có bằng lái, vi phạm nồng độ cồn, chạy lấn làn đường và tự gây tai nạn thì chính nạn nhân là người phải chịu trách nhiệm.

Còn việc người nhà, họ hàng của nạn nhân kéo ra ngăn cản cơ quan chức năng làm nhiệm vụ, gây ùn tắc giao thông là điều không thể chấp nhận được. Bởi hoạt động khám nghiệm hiện trường nhằm xác định sự thật của vụ án. Luật nghiêm cấm tất cả các hành vi cản trở hoạt động điều tra trái pháp luật. Chẳng hạn, khi hàng trăm người cản trở như thế, chỉ cần 1 người làm thay đổi, xê dịch các phương tiện khỏi vị trí ban đầu tại hiện trường thì rất khó để xác định vận tốc của phương tiện tại thời điểm gây tai nạn, có thể làm thay đổi bản chất vụ án... Đáng ra, hành vi này phải được ngăn chặn triệt để.

img
Ông Trần Ngọc Sơn, Chánh VP Ban ATGT Lào Cai

Ông Trần Ngọc Sơn (Chánh VP Ban ATGT tỉnh Lào Cai):
Yêu cầu báo cáo việc để học sinh điều khiển xe máy


Quan điểm của Ban ATGT tỉnh là cơ quan công an sẽ điều tra làm rõ ai đúng, ai sai để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật. Hiện, UBND tỉnh Lào Cai cũng đã yêu Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo việc để học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy tham gia giao thông gây tai nạn.

img
Đại tá Phạm Gia Chiến, Trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Lào Cai

Đại tá Phạm Gia Chiến (Trưởng phòng Tham mưu Công an Lào Cai):
Sẽ sớm điều tra làm rõ


Hiện Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an huyện Sa Pa tiến hành điều tra, làm rõ vụ tai nạn và báo cáo cụ thể trong thời gian sớm nhất.

Có ý kiến cho rằng đòi bồi thường 400 triệu đồng, sau đó nhận 200 triệu đồng là cưỡng đoạt tài sản, theo tôi nếu có dấu hiệu cưỡng đoạt thì mới có thể kết tội được, còn hai bên thỏa thuận tự nguyện thì cũng khó.

Chủ tịch tỉnh chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm

Ngày 5/3, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai có văn bản giao UBND huyện Sa Pa chỉ đạo công an huyện tổ chức điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân vụ TNGT xảy ra ngày 1/3. UBND huyện Sa Pa chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan chuyên môn sử dụng các tài liệu, hình ảnh, chứng cứ thu được tổ chức họp mời UBND các xã liên quan, các tổ chức đoàn thể và các thôn, bản của địa phương để tuyên truyền, đấu tranh, làm rõ về các hành vi vi phạm pháp luật như: Tụ tập đông người gây rối trật tự công cộng, cản trở lực lượng chức năng thực thi công vụ; đòi tiền không đúng quy định (nếu có). Trước đó, khoảng 12h ngày 1/3, tại Km 108+600, QL4D, thuộc thôn Sa Pả, xã Sa Pả, huyện Sa Pa, Hạng A Câu (SN 2004, trú tại xã Sa Pả) điều khiển xe máy đâm trực diện vào ô tô 4 chỗ và tử vong tại chỗ. Ngay sau đó, người nhà nạn nhân và người dân địa phương đã kéo ra hiện trường đòi bồi thường 400 triệu đồng mới cho cơ quan chức năng vào khám nghiệm hiện trường. Đến 18h cùng ngày, lái xe con tạm ứng 200 triệu đồng cho gia đình nạn nhân thì vụ tai nạn mới được giải quyết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.