Điện ảnh

Từ vụ phạt phim “Ròm”: Cách kiểm duyệt phim đang “nghiền nát” nền điện ảnh

15/10/2019, 15:51

Đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng cơ chế kiểm duyệt hiện nay đang "nghiền nát" nền điện ảnh và bộ phim "Ròm" là một ví dụ cần phân tích.

img
Đạo diễn Phan Đăng Di

Cùng với câu chuyện Thanh tra Bộ Văn hóa thể thao và du lịch ra quyết định xử phạt nhà sản xuất phim “Ròm” 40 triệu đồng vì gửi phim đi thi LHP Quốc tế Busan khi chưa được cấp phép phổ biến, đồng thời yêu cầu các biện pháp khắc phục hậu quả là hủy tang vật vi phạm (bản phim gửi tham gia Liên hoan phim và đoạt giải Phim hay nhất), đạo diễn Phan Đăng Di đã có những chia sẻ thẳng thắn với Báo Giao thông về nhìn nhận của mình trong câu chuyện này.

Kiểm duyệt như hiện nay sẽ kìm hãm nền điện ảnh trong trạng thái mơ hồ, sợ hãi

“Tôi thấy chuyện này đang đi quá xa và không ổn! Có thể, chúng ta đang cư xử thái quá với bộ phim của một đạo diễn trẻ. Phải có sự công khai để xem bộ phim có đáng bị đối xử như vậy không. Tôi là người đã xem bản dựng gần cuối của phim và thấy đó không phải phim có vấn đề nghiêm trọng như những lo ngại từ cơ quan kiểm duyệt đang cho rằng: phim ẩn ý không tốt về an ninh xã hội.

Những ý kiến đưa ra từ Hội đồng duyệt mang tính chất áp đặt và không công khai. Rõ ràng, nếu có bằng chứng cụ thể thì sẽ có chế tài cho nhà làm phim. Nhưng ở đây, bằng chứng là gì? Những câu từ nêu trong công văn nhận xét về phim rất mơ hồ, có thể dẫn đến những suy diễn nguy hiểm cho người làm phim.

Theo đánh giá của Cục Điện ảnh, phim Ròm phản ánh mặt trái quá đen tối của những con người mong muốn đổi đời bằng việc trúng "lô, đề". Những tệ nạn xã hội xuyên suốt bộ phim. Phim mô tả một cách "u ám', "thờ ơ" về đời sống của các nhân vật trong phim, kết phim bi quan bế tắc không lối thoát, thiếu nhân văn. Câu chuyện phim diễn ra tại TP.HCM nhưng không có sự quan tâm của chính quyền và các cơ quan chức năng. Phim mang ẩn í và ám chỉ không tốt về chính trị, mang màu sắc phê phán chính trị - xã hội thể hiện cách nhìn tiêu cực về đất nước, văn hóa con người Việt Nam. (Trích công văn số 637 do Q.Cục trưởng Cục Điện ảnh ký gửi Ban Tuyên giáo trung ương).

Tôi chỉ thấy phim đơn giản vẽ nên cuộc sống của những đứa trẻ ngoài vòng xã hội. Chúng phải vật lộn trong môi trường khó khăn, tuyệt vọng. Từ phía một người làm phim như tôi, tôi không thấy phim đó có lo ngại nào về nội dung.

Có lẽ đã đến lúc, chúng ta cần một cơ chế đối thoại rõ ràng, những người sáng tạo được có quyền lên tiếng bảo vệ tác phẩm của mình. Nếu một bộ phim nào đó cảm thấy có vấn đề, thì hãy lấy ý kiến rộng ra từ những nhà chuyên môn.

Thậm chí, phải đối thoại với người làm phim đó. Hội đồng duyệt chỉ là một phần thôi, làm sao một Hội đồng kiểm duyệt có thể quyết định tất cả đường hướng sáng tạo của cả một nền điện ảnh được?

Hệ thống kiểm duyệt của chúng ta so với các nước là quá lạc hậu! Ở Hàn Quốc, họ bỏ kiểm duyệt từ lâu và chỉ hạn chế độ tuổi, nên điện ảnh Hàn Quốc mới phát triển như thế.

Còn chúng ta, cứ lấy kiểm duyệt ra để nghiền nát nền điện ảnh này, đó là điều tôi không chấp nhận được. Giờ là thời đại nào rồi mà còn áp đặt những biện pháp hành chính cho một tác phẩm nghệ thuật mà thiếu sự đối thoại và không có một hướng giải quyết văn minh?

Tình trạng trên phải được chấm dứt! Nếu không sẽ kìm hãm nền điện ảnh này trong trạng thái mơ hồ, sợ hãi. Quan trọng hơn là điện ảnh Việt sẽ không có tiếng nói nào với thế giới và đó là sự thất bại rất lớn.

img
Một cảnh trong bộ phim "Ròm"

Không nên đi ngược lại đánh giá của những LHP quốc tế văn minh

Đạo diễn Phan Đăng Di nhấn mạnh: "Hội đồng duyệt phim cũng có nhiều sức ép, nhưng dư luận luôn nhiều chiều. Với vị thế của một cơ quan quản lý điện ảnh, trước hết anh phải đứng về phía người làm phim, chứ không phải ở thế quay lưng lại những người làm điện ảnh. Bởi mục đích cuối cùng của chúng ta là để nền điện ảnh phát triển với những thông điệp nhân văn. Tuy nhiên hiện tại, rất nhiều thứ cấm đoán, áp dụng những câu chữ mơ hồ để ngăn cản một tác phẩm, khiến người làm phim mất niềm tin, mất đi sức sáng tạo".

Nhận xét về bộ phim này, Hội đồng giám khảo LHP Busan cho biết: "Ròm là một bộ phim tràn đầy năng lượng và có sự kết hợp tuyệt vời của diễn xuất và các cảnh quay. Việc sử dụng khung cảnh thực gây ấn tượng rất tốt với ban giám khảo và cái kết mở khiến chúng tôi hết sức thoả mãn".

Thực tế không chỉ có “Ròm”, rất nhiều bộ phim thương mại gần đây cũng bị sửa nội dung dù đã dán nhãn độ tuổi. Điều đó gây phiền hà rất lớn và chưa bao giờ có một hình thức đối thoại hay một câu trả lời nào thỏa đáng giữa Hội đồng duyệt với giới làm phim.

Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải tiến tới công nhận quyền sáng tạo và tự do biểu đạt, trừ trường hợp đó là những phim nguy hiểm. Nhưng rõ ràng, những phim như thế cũng không bao giờ được chấp nhận ở các LHP Quốc tế uy tín. Các LHP Quốc tế không thể trao giải cho những phim chống lại con người, chống lại Nhà nước. Mà chúng ta không nên đi ngược lại những đánh giá của những LHP quốc tế văn minh như vậy!

Mục đích rốt ráo của quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật là phải làm cho dân tộc có tiếng nói rõ ràng về nghệ thuật. Điều đó thể hiện ở chỗ các tác phẩm nghệ thuật phải được xuất hiện ở những nơi đàng hoàng, được quốc tế công nhận. Nhiều đạo diễn trẻ có tài năng làm phim không lấy một đồng ngân sách của Nhà nước, phim của họ có được tiếng nói tại những LHP Quốc tế uy tín, đó là điều đáng trân trọng và ghi nhận".

Đạo diễn phim 'Ròm' nói gì trước việc 'thi chui' nhưng đoạt giải lớn?

Trả lời phỏng vấn của Báo Phụ nữ TP.HCM, đạo diễn phim "Ròm" Trần Thanh Huy chia sẻ: "Chúng tôi tôn trọng quyết định của Cục Điện ảnh nên đã xin rút khỏi Liên hoan phim quốc tế Busan, nhưng mọi quyết định từ Ban tổ chức hoàn toàn nằm ngoài kiểm soát của chúng tôi. Cá nhân tôi khi làm Ròm và cả những bộ phim sau này nữa, đều không có tham vọng bàn luận hay thể hiện góc nhìn tiêu cực như công văn mà Cục Điện ảnh đánh giá. Tôi là một nhà làm phim và chỉ muốn kể câu chuyện của mình. Lý do tôi đeo đuổi Ròm và quyết tâm thực hiện nó, bởi nó phần nào là câu chuyện của chính gia đình tôi, của những người tôi từng gặp. Nó không ngừng ám ảnh và thôi thúc tôi.

Cuộc sống luôn tồn tại hai mặt, sáng và tối. Có nhà làm phim muốn kể những câu chuyện tươi sáng, nhưng cũng có người muốn mổ xẻ những góc tối. Suy cho cùng, đó đều là nghệ thuật, và nghệ thuật thì cần sự đa dạng. Tôi tin là không khán giả Việt Nam nào xem Parasite (Ký sinh trùng, bộ phim đoạt giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2019) của Hàn Quốc lại nghĩ tiêu cực về đất nước này. Điều quan trọng là, chúng ta có đủ can đảm nhìn vào mặt trái để tốt hơn không mà thôi.

Đạo diễn Phan Đăng Di sinh năm 1976, tốt nghiệp Khoa Biên kịch, Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Anh bắt đầu sự nghiệp đạo diễn bằng hai phim ngắn Sen (2005) và Khi tôi hai mươi (2006) được chọn trình chiếu tại LHP ngắn Clermont Ferrent và LHP Quốc tế Venice 2008.

Bộ phim “Bi, đừng sợ!” (2009) của anh được vinh danh tại Liên hoan phim Cannes năm 2010. Phan Đăng Di cũng là tác giả kịch bản phim Chơi Vơi từng giành giải FIPRESC tại LHP Venice 2009. Với bộ phim “Cha, con và…” (2015), anh là đạo diễn Việt Nam đầu tiên được tranh giải Gấu Vàng tại LHP Berlin. Năm 2018, tập phim “Chàng dâng cá, nàng ăn hoa” do anh đạo diễn được công chiếu tại LHP quốc tế Tokyo.

Phan Đăng Di còn giảng dạy tại các Dự án đào tạo điện ảnh của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội; tổ chức các khóa học ngắn cho các nhà làm phim trẻ trong nước với chương trình “Gặp gỡ mùa thu” được tổ chức thường niên; làm giám khảo Liên hoan phim Bangkok ASEAN…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.