Xã hội

Từ vụ Phương Hằng và Hàn Ni khẩu chiến: Chém gió ảo dễ vướng tù tội thật

01/03/2023, 06:30

Từ vụ Phương Hằng và Hàn Ni bị khởi tố, luật sư khuyến cáo không nên đưa ra những thông tin bịa đặt, vu khống, xúc phạm danh dự người khác.

Vừa là bị hại vừa là bị can

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM đã khởi tố, bắt tạm giam nhà báo Đặng Thị Hàn Ni và luật sư Trần Văn Sỹ về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.

img

Cả bà Phương Hằng (trái) và Hàn Ni đều đã bị tạm giam

Đáng chú ý, trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam, nhà báo Hàn Ni từng được xác định là một trong 9 người bị hại trong vụ án Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam) sử dụng mạng xã hội để livestream xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự.

Như vậy, bà Hàn Ni và bà Nguyễn Phương Hằng vừa là bị can, vừa là bị hại.

Luận bàn về nội dung này, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho biết, Bộ luật Tố tụng hình sự không có quy định cấm về việc này. Tức một người có thể tham gia vụ án với nhiều tư cách tố tụng khác nhau, có thể vừa là bị hại, vừa là bị can

"Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định, dù một người là bị hại, bị cáo hay là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thì quyền lợi của người đó sẽ không bị chồng chéo, vẫn được đảm bảo. Điều quan trọng nhất là khi điều tra, truy tố, xét xử vụ án, cần phải đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng", luật sư Bình nói.

Cùng tội danh có chung mức án?

Theo tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), dù các bị can Nguyễn Phương Hằng và Đặng Thị Hàn Ni bị khởi tố về cùng một tội danh với cùng một khung hình phạt, nhưng mức hình phạt cụ thể đối với từng người có thể sẽ khác nhau.

img

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường

Bởi theo quy định của Bộ luật Hình sự, việc quyết định hình phạt sẽ căn cứ trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.

Với tội danh "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự, có bị can phải chịu mức hình phạt cao nhất đến 7 năm tù, có bị can chỉ chịu hình phạt 2 năm tù, thậm chí còn được hưởng án treo.

"Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của các bị can thể hiện qua các chứng cứ, nạn nhân bị xâm phạm là tổ chức, cá nhân, hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước hay lợi ích của tổ chức, cá nhân", luật sư Cường phân tích.

Theo ông Cường, hành vi vi phạm pháp luật được công khai trên không gian mạng nên việc thu thập chứng cứ để chứng minh tội phạm không khó. Vấn đề là đánh giá chứng cứ để xác định tính chất, mức độ hành vi phạm tội, đánh giá hậu quả đã gây ra đối với nạn nhân và xã hội để xử lý.

Tiếng chuông cảnh tỉnh cho người tham gia mạng xã hội

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, trong các cuộc "khẩu chiến" trên mạng xã hội thời gian qua, quyền tự do ngôn luận đã đi quá giới hạn ở một số người, nên hậu quả pháp lý là khó tránh khỏi.

"Do đó, việc cơ quan điều tra khởi tố một số đối tượng về tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật Hình sự là cần thiết để đảm bảo an ninh an toàn mạng, bảo vệ quyền tự do dân chủ của công dân", luật sư Cường nhận định.

Theo luật sư Cường, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam ghi nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền tự do dân chủ của mọi công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận, quyền được bảo vệ về danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền về hình ảnh của công dân.

Pháp luật cho phép mọi công dân đều có quyền bày tỏ quan điểm, thái độ của mình về các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, quyền tự do ngôn luận của chủ thể này sẽ bị giới hạn bởi quyền tự do ngôn luận và các quyền tự do dân chủ khác của chủ thể khác.

Pháp luật nghiêm cấm việc lợi dụng quyền tự do dân chủ để xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, xâm phạm đến bí mật Nhà nước, bí mật đời tư cá nhân hoặc sử dụng trái phép thông tin, hình ảnh của người khác.

"Người nào lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp để có những phát ngôn bịa đặt, sai sự thật, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, tố cáo người khác không có căn cứ hoặc sử dụng các thông tin, hình ảnh bí mật đời tư của người khác mà không được phép thì sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra", luật sư Cường phân tích.

Trong khoảng 2 năm qua, rất nhiều người đã lạm dụng tính năng phát trực tiếp của mạng xã hội để đưa ra những thông tin bịa đặt, sai sự thật, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác.

Đơn cử như việc bà Phương Hằng tố cáo người khác ăn chặn từ thiện thiếu căn cứ dẫn đến náo loạn mạng xã hội, tạo ra những hội nhóm không ngừng thu thập trái phép thông tin của người khác rồi bịa đặt, vu khống, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến môi trường mạng.

"Vụ án này sẽ là bài học cho những ai coi thường pháp luật, thích nổi tiếng trên mạng xã hội bằng cách lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", luật sư Cường nhìn nhận.

Năm 2021, bà Đặng Thị Hàn Ni thường xuyên bị bà Nguyễn Phương Hằng "gọi tên" trong các livestream triệu view.

Công an TP.HCM tiếp nhận, thụ lý xác minh tố giác của ông Huỳnh Uy Dũng và bà Phương Hằng tố cáo bà Hàn Ni và một số cá nhân đã đăng tải các đoạn ghi hình với nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm của ông Dũng, bà Hằng, xâm phạm lợi ích hợp pháp của Công ty CP Đại Nam và Quỹ từ thiện Hằng Hữu.

Quá trình điều tra, Công an TP.HCM xác định: Hàn Ni đã cố ý đăng tải nhiều đoạn ghi hình trên kênh YouTube, với các nội dung chưa được kiểm chứng, những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư. Các nội dung đăng tải trên đã thu hút hàng trăm ngàn lượt xem và bình luận; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự.

Sau đó, bà Hàn Ni làm đơn tố giác bà Phương Hằng vu khống, làm nhục và lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của bà.

Ngày 24/3/2022, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam bà Phương Hằng về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trong vụ án này, bà Hàn Ni được xác định là bị hại.

Tới ngày 24/2/2023, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam bà Hàn Ni cùng về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trong vụ án này, bà Phương Hằng được xác định là bị hại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.