Vận tải

Từ “xe tù” đến… “hàng không mặt đất”

31/08/2021, 08:08

Với sự xuất hiện của những DN vận tải uy tín, có thương hiệu, vấn nạn “xe tù”, “cơm tù” ám ảnh người dân trong một thời gian dài đã bị loại bỏ.

Với sự xuất hiện của những doanh nghiệp vận tải uy tín, có thương hiệu, vấn nạn “xe tù”, “cơm tù” ám ảnh người dân ở các tỉnh khu vực phía Nam trong một thời gian dài đã bị loại bỏ.

Để cạnh tranh, các doanh nghiệp không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ và khách đi xe ngày nay thực sự không khác gì “thượng đế”.

img

Xe giường nằm của Phương Trang

Nhớ thời xe khách chạy bằng than

Trong ký ức của anh Nguyễn Văn Tùng (Quảng Trị), vẫn chưa quên những tháng năm từ quê nhà vào TP.HCM học đại học trên những chiếc “xe tù” một thời kinh hoàng.

Năm 2000, anh Tùng vào TP.HCM để theo học đại học. Lúc đó phương tiện đi lại rẻ nhất là ô tô, khoảng 50.000 đồng/lượt.

Thế nhưng, khi lên xe, nhà xe nhồi nhét gần gấp đôi số lượng hành khách theo thiết kế. Mỗi băng ghế 2 người nhét thành 3 người, lối đi lại ở giữa nhét hàng chục khách nằm, ngồi la liệt. Tối đến, phụ xe còn... treo võng đung đưa giữa xe để ngủ.

Cùng với “xe tù” là nạn “cơm tù” để “chém chặt” hành khách mỗi khi đến giờ ăn cơm.

Sau khi báo chí vào cuộc phanh phui, các cơ quan chức năng mạnh tay xử lý, chấm dứt được nạn “xe tù, cơm tù” ám ảnh đó. “Giờ nhớ lại những ngày tháng đi xe đò ấy vẫn còn rùng mình. Bây giờ có thể thoải mái đi lại bất cứ đâu với những chiếc xe đời mới máy lạnh mát rượi, wifi miễn phí, thậm chí cả buồng riêng trên xe”, anh Tùng chia sẻ.

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, từng là một người làm công tác quản lý hoạt động vận tải nên chứng kiến thay đổi từng ngày của vận tải.

Ông Tính kể, sau ngày 30/4/1975, xe chạy từ TP.HCM về Quy Nhơn và ngược lại chỉ có loại xe đò thương hiệu Phi Long, Tiến lực… với các hiệu xe Renault khoảng 20 chỗ, băng ghế nhỏ hơn 40x60cm, không mấy tiện lợi…

Từ năm 1975 - 1980 là giai đoạn khó khăn nhất khi thực hiện công tác cải tạo công thương nghiệp năm 1978, toàn bộ phương tiện vận tải thuộc sở hữu tư nhân đã được gom vào hợp tác xã, xí nghiệp, công ty hợp doanh, quốc doanh.

“Năm 1979, giá xăng, dầu thế giới lên cao dẫn đến tình trạng xăng, dầu khan hiếm. Lần đầu tiên trong lịch sử ngành ô tô ở phía Nam, có xe ô tô chạy bằng nhiên liệu than xuất hiện”, ông Tính kể và cho biết, khi Nhà nước thực hiện cơ chế mở cửa, áp dụng kế hoạch 2, tức xăng, dầu không do Nhà nước cấp, giá cước không do Nhà nước ấn định mà do doanh nghiệp, hợp tác xã tự thỏa thuận với khách hàng, tiến tới những chính sách đổi mới đã đưa đến kết quả nghành vận tải có được như ngày hôm nay.

Với sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, mô hình công ty TNHH, Công ty cổ phần, thậm chí là hộ kinh doanh cá thể cũng sử dụng loại xe giường nằm thoải mái. Hành khách đi xe có được nhiều chọn lựa.

Luồng tuyến xe hoạt động cũng được mở rộng, thậm chí xe chạy về đến các trung tâm huyện, xã, phục vụ người dân tận ngõ. Ở những tuyến có cự ly trung bình như: TP.HCM - Đà Lạt, TP.HCM - Cần Thơ… các hãng còn sử dụng loại xe limousine cao cấp, được mệnh danh là “hàng không mặt đất”.

Tiếp tục đổi mới để phát triển

img

Công ty Xe khách Phương Trang dù ra đời sau so với những thương hiệu khác, nhưng với phương châm "Chất lượng là danh dự" đã nhanh chóng thu hút được khách hàng. Hãng xe này đã đầu tư phương tiện hiện đại, có những dòng xe giường nằm cao cấp được ví như "hàng không mặt đất", trên xe có wifi miễn phí, máy lạnh mát rượi, hệ thống camera, giám sát hành trình trang bị đầy đủ để phục vụ hành khách ngày càng tốt hơn.

TP.HCM được xem là nơi khai phá phát triển ngành vận tải ô tô sau đổi mới. Những chính sách được thành phố đề xuất đến nay đã áp dụng rộng rãi trên cả nước, nhưng thời điểm đó cũng thật gian nan.

Ông Lê Trung Tính nhớ lại, thời điểm TP.HCM đề xuất Nhà nước không trực tiếp quản lý giá cước vận tải mà để doanh nghiệp tự quyết định thông qua cơ chế cung cầu. Mặc dù lúc đó đã được đưa vào áp dụng và phát huy hiệu quả, nhưng sau đó thành phố cũng bị Bộ Tài chính nhiều lần kiểm tra.

Hay như chính sách cho phép các doanh nghiệp, hợp tác xã được phụ thu tối đa 60% cho lượt xe chạy rỗng, cũng huy động được phương tiện để giải tỏa khách vào các dịp lễ, Tết.

Theo các chuyên gia, ngành vận tải ô tô ở Việt Nam hiện nay chỉ xếp ở tầm hạng 6/10 trong các nước thuộc khối Asean và mục tiêu phấn đấu của chúng ta trong 5 - 10 năm tới là đạt mức xếp hạng 4/10.

Ngành vận tải ô tô chỉ có thể phát triển nếu chúng ta tiếp tục tham gia hội nhập vào thị trường chung của khối, đồng thời mạnh dạn cải cách thể chế để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã có được lợi thế cạnh tranh với các doanh nghiệp các nước bạn.

Sớm đưa khái niệm “kinh tế chia sẻ”, “xe tự lái” vào Luật

Theo ông Lê Trung Tính, để vận tải ô tô phát triển, cần sớm nghiên cứu đưa vào dự thảo Luật GTĐB với các khái niệm thuộc nền kinh tế chia sẻ, loại hình xe tự lái…

Luật GTĐB (sửa đổi) vừa qua và luật pháp hiện hành vẫn chưa cho phép mô hình này, trong khi thực tế nó đã len lỏi vào đời sống hàng ngày.

Ở các lĩnh vực khác cũng phát triển mô hình kinh tế chia sẻ như ngân hàng với các loại hình cho vay, khách sạn với các loại hình homestay, vì vậy ngành GTVT cũng cần có hành lang pháp lý để phát triển mô hình này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.