Đời sống

Tục “thui trâu tế thần” ở làng Chiền

11/02/2021, 07:32

Tục lệ “thui trâu tế thần” của làng Chiền (Bắc Giang) là một trong những nghi lễ cổ xưa mà đến nay vẫn được duy trì.

img

Đình làng Chiền nơi diễn ra nghi lễ tế trâu (ảnh lớn). Lễ rước kiệu trong Ngày hội đón nhận Bằng công nhận DTLSVH đình Chiền năm 2010 (ảnh nhỏ)

“Con trâu là đầu cơ nghiệp”, từ bao đời nay, con trâu không chỉ gần gũi với đời sống thực tại của người dân Việt, mà còn xuất hiện trong lễ hội dân gian với vai trò là vật tế lễ linh thiêng. Tục lệ “thui trâu tế thần” của làng Chiền (xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) là một trong những nghi lễ cổ xưa mà đến nay vẫn được duy trì.

Trang trọng lễ tế bằng trâu

Cụ Dương Văn Chuyên (86 tuổi), Chi hội trưởng Hội người Cao tuổi thôn Chiền cho biết, con trâu biểu tượng cho sức mạnh, cần cù chịu khó nên từ thuở xa xưa dân làng đã chọn con trâu để làm lễ, đây cũng là cách thể hiện lòng thành kính đối với thành hoàng làng.

“Những suất đinh (con trai) trong làng, kể cả những người đi làm ăn xa sẽ góp tiền mua trâu. Và cứ ngày 10/8 Âm lịch, người dân làng Chiền có đi làm cũng nhớ về dự lễ “thui trâu tế thần”, thưởng thức món trâu thui từ lộc tế thần ở đình”, cụ Chuyên nói.

Theo cụ Chuyên, công việc chọn trâu để làm lễ vật cũng là một công đoạn công phu, tỉ mỉ. Trâu được dùng để tế, phải là giống đực, hình dáng to khỏe, béo tốt, khoang khoáy phải đều, lông và da óng mượt, cặp sừng phải đen tuyền và sắc nhọn. Đặc biệt, bộ phận cổ của con trâu phải lành lặn, không được thương tật, vì phần cổ sẽ dùng để làm lễ vật chính trong mâm cỗ tế thần hoàng làng.

Khi trâu được mua về thì phải được nhốt ở làng hai, ba ngày để kiểm tra xem trâu có bị ốm, bị bệnh không rồi mới dùng để tế lễ lên đình. Vì nếu dùng con trâu không khỏe để tế lễ là điều rất kiêng kị.

Từ trước ngày khánh lễ, ban khánh tiết gồm những người đàn ông của làng sẽ lau dọn đình làng sạch sẽ. Sáng hôm sau, con trâu được tắm rửa sạch rồi làm thịt. Thịt trâu sau khi cạo lông được thui trên ngọn lửa hồng đốt từ cây ràng ràng (hay còn gọi là dương xỉ trên núi) phơi khô.

“Việc dùng cây ràng ràng để thui sẽ tạo ra lớp da vàng, lửa của cây ràng ràng cho nhiệt lớn nên da trâu có dày đến mấy cũng sẽ mềm, dễ ăn khi chế biến. Điều đặc biệt hơn cả là thịt trâu được thui trên lửa cây ràng ràng sẽ tạo ra mùi thơm đặc trưng, không giống như thui bằng rơm hay bằng củi thường”, cụ Chuyên cho hay.

Cổ, máu và lông của con trâu sẽ là phần để dùng làm vật phẩm đưa lên tế thần. Các phần còn lại của con trâu sẽ được chia đều cho tất cả các hộ trong làng.

“Cổ là phần cứng nhất, bộ phận này của con trâu tiếp xúc với vai cày, vai bừa nên săn chắc và rắn rỏi. Việc dùng cổ để tế sẽ thể hiện sự thành kính, tôn nghiêm đối với thần. Lông và máu trâu sẽ được để vào chung một đĩa, sau đó cho dầu hoặc cồn vào để đốt trong thời gian tế. Việc làm này nhằm xua đi những điều xấu, không tốt lành”, cụ Chuyên lý giải.

Ngày đoàn tụ cháu con

Ông Thân Quang Huy, Trưởng thôn Chiền cho biết, tục “thui trâu tế thần” từ bao đời nay đã trở thành ngày đoàn tụ, sum vầy của các gia đình trong làng Chiền. Cũng giống như ngày Tết cổ truyền, ngày hội làng này, rất nhiều nhà làm cỗ to 5 đến 10 mâm mời bạn bè cùng cơ quan, nơi làm việc về quê ăn lệ làng.

“Những vị khách ở Hà Nội về dự lệ làng rất thích ăn món da trâu thui của làng tôi. Dạ trâu khi được thui sẽ vàng và mềm có thể chế biến nhiều món, như món nộm, món xào tỏi ớt và đặc biệt là luộc với gừng sau đó chấm với tương thì hết ý. Ai nấy đều tấm tắc khen ngon vì món này có vị rất đặc trưng, không ở đâu có”, anh Thân Văn Đức, người làng Chiền hiện đang làm việc ở Hà Nội cho biết.

Hiện nay, kinh tế phát triển, đời sống được nâng lên nên mỗi khi có lệ “thui trâu tế đình”, làng Chiền không chỉ thịt một mà thịt 2 - 3 con trâu để người dân thiết đãi bạn bè gần xa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.