Y tế

Tuổi trung niên, cẩn trọng trụy tim khi gắng sức chơi thể thao

27/03/2019, 09:09

Gần đây, ghi nhận nhiều ca bệnh vốn khỏe mạnh nhưng đột ngột nhập viện cấp cứu khi gắng sức chơi thể thao…

img
Một bệnh nhân đột quỵ khi chơi thể thao may mắn nhập viện và được điều trị kịp thời

Khi cơn đau tim đột ngột xuất hiện

Mới đây, BV Thống Nhất TP.HCM vừa cấp cứu một bệnh nhân nam tên N.V. T. (56 tuổi, quận 3, TP.HCM) với chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp. Theo người nhà bệnh nhân, ông T. thường xuyên chơi cầu lông mỗi chiều. Bất ngờ, trong một lần chơi, ông T. cảm thấy mệt, tiếp sau đó xuất hiện dồn dập cơn đau ngực. Nhập viện cấp cứu, kết quả chụp động mạch vành cho thấy, ông bị tắc hoàn toàn một nhánh mạch vành bên phải nên buộc phải can thiệp cấp cứu. Đáng nói, trong những lần khám định kỳ, bệnh nhân chưa từng được cảnh báo về bệnh tim mạch.

Cũng tại BV Thống Nhất, trước đó ít ngày, các bác sĩ cũng đã cấp cứu cho ông Đ.V.C. (59 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP HCM) khi ông có cơn đau dữ dội ở ngực trái, khó thở. Các dấu hiệu này đã xuất hiện khi ông C. đang chơi tennis. Tại BV Thống Nhất, qua các xét nghiệm, chiếu chụp, ông C. được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp do bị tắc nhánh động mạch vành vì đọng huyết khối. Sau khi hội chẩn và tiến hành đặt stent kịp thời. Ông C. cũng chia sẻ: “Kỳ khám sức khỏe mới đây, các bác sĩ chẩn đoán tim mạch vẫn bình thường, ai dè lại ra nông nỗi này”.

Cách đây không lâu, BV ĐH Y dược TP HCM cũng ghi nhận một trường hợp người đàn ông lớn tuổi có sở thích dậy sớm chạy bộ. Trong lúc chạy bộ, người này đột ngột bị hôn mê bất tỉnh, người đi đường đưa vào bệnh viện cấp cứu với chẩn đoán đột quỵ do nhồi máu cơ tim cấp. Dù được cứu sống nhưng vẫn bị liệt nửa người.

Hay như hồi đầu năm 2019, cộng đồng mạng thương tiếc về sự ra đi đột ngột của chàng trai trẻ Võ Văn Th. (quê Bình Thuận) khi chưa kịp kết thúc đường chạy HCMC Marathon 2019. Dù được cấp cứu hồi sức tại hiện trường và đưa về bệnh viện cứu chữa nhưng chàng trai không qua khỏi. BS. Trịnh Văn Hải, Trưởng khoa Cấp cứu BV FV, người trực tiếp cấp cứu tại hiện trường cho biết Th. không có tiền sử bệnh tim mạch. Khi tiếp cận tại hiện trường, bệnh nhân đã trong tình trạng ngưng tim. Nguyên nhân tử vong có khả năng do vận động viên hoạt động quá sức chịu đựng của tim dẫn đến trụy tim.

Làm sao phát hiện sớm bệnh lý tim mạch?

Theo cảnh báo của BS. Nguyễn Đức Thành, việc xuất hiện các cơn đau vùng ngực đột xuất, có thể dẫn đến đột tử còn diễn ra ở người trẻ khoảng 20 - 30 tuổi. Nguyên nhân do bệnh cơ tim phì đại, hoặc dị dạng mạch máu não hoặc dị dạng mạch máu lớn trong lồng ngực; hay một số bệnh lý tim khác như: Cơ tim giãn nở, bệnh lý mạch vành, dị tật bẩm sinh… và bình thường không phát hiện vì không có bất kỳ dấu hiệu đặc trưng nào, chỉ đến khi bệnh nhân gắng sức quá mức thì đột ngột phát bệnh.

Theo TS. BS. Nguyễn Văn Tân, Phó khoa Tim mạch cấp cứu và can thiệp, BV Thống Nhất, TP HCM, độ tuổi 40 - 60 tuổi thường nguy cơ cao về bệnh lý tim mạch mà khám sức khỏe định kỳ như siêu âm tim bình thường rất khó phát hiện. Chỉ khi bệnh nhân gắng sức làm việc hoặc chơi thể thao, biểu hiện bệnh mới xuất hiện rõ ràng.

“Từ 40 tuổi trở lên, trước khi lựa chọn chơi một môn thể thao gắng sức, nên đi tầm soát chuyên sâu để đánh giá chức năng tim mạch trước. Với nhóm bệnh nhân nguy cơ cao như gia đình có người mắc bệnh lý tim mạch, đái tháo đường,tăng lipid máu… cần đặc biệt lưu ý tầm soát chuyên sâu. Bởi, bệnh nhân có bệnh lý tim mạch tiềm ẩn nếu chơi môn thể thao gắng sức vượt quá khả năng chịu đựng của tim rất dễ rơi vào bệnh cảnh nhồi máu cơ tim, đột tử do nhồi máu cơ tim cấp”, BS. Tân khuyến cáo.

Để tầm soát những yếu tố nguy cơ, ngoài xét nghiệm thông thường ra cần làm các xét nghiệm chuyên sâu như điện tâm đồ và siêu âm tim gắng sức. Bên cạnh đó, chụp CT động mạch vành để phát hiện mức độ hẹp động mạch vành và tổn thương động mạch vành nếu có. Khi có kết quả tầm soát chuyên sâu, bác sĩ sẽ tư vấn giúp người bệnh lựa chọn môn thể thao phù hợp, tránh hậu quả đáng tiếc.

Cũng theo khuyến cáo của ThS. BS. Nguyễn Đức Thành, Trưởng khoa Phục hồi chức năng BV ĐH Y dược TP HCM, ở độ tuổi trung niên trở đi, sức bền mạch máu kém, bắt đầu xơ vữa nên khi hoạt động mạnh có thể làm vỡ mạch máu gây co thắt động mạch vành dẫn đến nhồi máu cơ tim, hoặc mảng xơ vữa gây tắc mạch não. Ngoài thực hiện các biện pháp tầm soát chuyên sâu trước khi lựa chọn một môn thể thao gắng sức, mọi người cần lưu ý một chế động ăn uống, sinh hoạt khoa học. Luôn lưu tâm, kiểm soát tốt các chỉ số mỡ máu, huyết áp và đường huyết; không hút thuốc lá, hạn chế đồ uống có chứa chất kích thích như bia, rượu, cà phê; ăn hạn chế chất béo, ưu tiên rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thịt gà bỏ da, cá và các thực phẩm dễ tiêu. Đồng thời, luyện tập đều đặn và lắng nghe cơ thể mình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.