Xã hội

Tướng công an kể quá trình điều tra, bắt 8 người môi giới vụ 39 người chết

04/11/2019, 17:05

Tướng Nguyễn Hữu Cầu chia sẻ thông tin ban đầu quá trình điều tra vụ án đưa người ra nước ngoài trái phép, liên quan vụ 39 người chết ở Anh.

img
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An trao đổi bên hành lang Quốc hội chiều 4/11

Người Việt Nam chỉ là môi giới

Chiều 4/11, trao đổi bên hành lang Quốc hội, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đã chia sẻ thông tin về quá trình điều tra ban đầu vụ đưa người trái phép ra nước ngoài, liên quan đến vụ 39 người tử vong trong container ở Anh.

Theo ông Cầu, ngày 23/10, khi nhận được thông tin 39 người tử vong trong container ở Anh, ngày 24/10, Công an tỉnh Nghệ An đã nắm bắt, khai thác thông tin trên các mạng xã hội, đặc biệt của bà con Việt kiều ở nước ngoài về nghi vấn có người Việt Nam.

Đến ngày 27/10, Công an tỉnh Nghệ An đã lập chuyên án trinh sát để đấu tranh. Đến 2/11, Công an tỉnh Nghệ An nghe lại toàn bộ tình hình và thấy cần khởi tố vụ án để ngăn chặn các đối tượng này bỏ trốn.

“Chúng tôi lập danh sách 8-9 đối tượng nằm trong các đối tượng nghi vấn, soát xét xem các đối tượng này đưa ai đi, từ đó khởi tố vụ án. Và trong chiều thứ 7 (ngày 2/11), Công an tỉnh Nghệ An đã bắt giữ đối tượng đầu tiên, sáng chủ nhật (ngày 3/11), đúng 5h30 phút, bắt tiếp 7 đối tượng. Hiện các đối tượng cơ bản thừa nhận hành vi tham gia đưa người sang Anh trái phép”, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An thông tin.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu cũng chia sẻ thêm, trong 8 đối tượng bị bắt giữ, có người có con em, người thân làm việc bên Anh, thấy làm ăn được nên từ bên Anh họ móc nối về Việt Nam, tổ chức cho những ai muốn sang Anh thì họ đón. Có người nộp đến 49.000 USD, tức là gần 1 tỷ, có người nộp 600-700 triệu. Trong quá trình điều tra, cơ quan công an sẽ phân loại, thấy đối tượng nào có vai trò thứ yếu có thể loại ra, nhưng đồng thời cũng có thể mở rộng thêm đối tượng khác.

"Người ở Việt Nam là người môi giới, người bên Anh mới là người trực tiếp cho người ở lại trái phép. Chắc chắn sẽ còn phát sinh các đối tượng khác, trong quá trình điều tra sẽ mở rộng, những đối tượng liên quan ở Việt Nam và đối tượng Việt Nam ở Anh cũng phải bị xử lý nếu cấu thành tội tổ chức cho người ở lại nước ngoài trái phép”, tướng Cầu khẳng định.

Có phải là đường dây chuyên nghiệp?

Khẳng định đây không phải là đường dây buôn người, mà là tội tổ chức hoặc môi giới cho người khác ra nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, ông Nguyễn Hữu Cầu nhìn nhận, có thể đây không phải đường dây chuyên nghiệp nhưng cũng có người đưa đi trót lọt rồi.

“Năm 2017, 2018 cũng có. Gần đây đã có 3 vụ rồi, có những vụ có đến 400 người liên quan. Vừa rồi, Công an tỉnh Nghệ An khởi tố vụ 3 bị can, đón bắt đối tượng từ nước ngoài về ngay tại sân bay” Thiếu tướng công an nói và thông tin thêm: Những vụ việc tương tự, Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố tương đối nhiều chứ không phải giờ mới làm. Nếu nói công an chạy theo vụ việc thì hoàn toàn không phải.

Ông Cầu cũng cho biết, sở dĩ người Việt tìm đường sang Anh vì ở Anh có những công việc có thu nhập như làm nail hoặc phục vụ trong các nhà hàng, khách sạn, những công việc người bản địa không làm.

“Nhiều người cho rằng cứ sang là trồng cỏ, trồng cần sa, điều này có thể đúng. Nhưng những người ở nhà không biết thông tin này. Họ bị lôi vào luồng dư luận, cứ nghĩ đi về là có tài sản nên cũng muốn đổi đời bằng hình thức này”, ông Cầu cho hay.

img

Xe tải có 39 người chết không giấy tờ nguồn gốc, khai chở bánh quy

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.