Bóng đá

Tượng đài của bóng đá Việt Nam sắp trở lại

23/09/2022, 11:55

CLB Viettel nhiều khả năng sẽ đổi tên thành Thể Công - Viettel từ mùa giải 2023.

Theo nguồn tin của Báo Giao thông, Bộ Quốc phòng và Tập đoàn Viettel đang tổ chức các buổi hội thảo về kế hoạch đổi tên là Thể Công - Viettel trong mùa giải 2023.

Nguồn tin trên cũng cho hay, việc đổi tên chắc chắn sẽ diễn ra nhưng các bên vẫn đang bàn thảo và sẽ công bố chính thức trong thời gian tới.

img

CLB Viettel sắp có phiên hiệu mới. Ảnh VPF

Thể Công vốn là tượng đài của bóng đá Việt Nam trước thời kỳ tiến lên chuyên nghiệp với nhiều thành tích lẫy lừng và tới nay vẫn ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người hâm mộ.

Chính bởi vậy, thông tin trên khiến rất nhiều CĐV cảm thấy hào hứng và chờ đón

Thể Công là tên viết tắt của cụm từ "Thể dục thể thao công tác đội" - đoàn công tác Thể dục Thể thao Quân đội, được thành lập ngày 23/9/1954 theo chỉ định của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh.

Cầu thủ Thể Công trong thời chiến còn là những chiến sĩ trên mặt trận tuyên truyền, dân vận. Những trận bóng của Thể Công lúc bấy giờ là món ăn tinh thần không thể thiếu của người hâm mộ cả nước mỗi dịp cuối tuần.

Giai đoạn 1955 -1979, Thể Công đã 13 lần vô địch giải hạng A Việt Nam. Giai đoạn 1981-1998 Thể Công 5 lần vô địch giải A1 toàn quốc.

Trên trường quốc tế, đội bóng đại diện Việt Nam trở thành niềm tự hào với những chiến thắng vẻ vang.

Chiến thắng 4-1 trước Bát Nhất (đội bóng mạnh nhất Trung Quốc lúc đó) trên sân Công Nhân Trung Quốc vào 24/8/1974 trước 100 nghìn người xem Bắc Kinh được coi là trận đấu hay nhất lịch sử Thể Công.

Trong những giai thoại về Thể Công, có thể nói chiến thắng 3-2 trước đội Cuba trên sân Hàng Đẫy năm 1970 dưới sự chứng kiến của hàng vạn khán giả và Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những kỷ niệm oanh liệt nhất.

Trong quá khứ, cái tên Thể Công Viettel từng được sử dụng ở mùa giải 2005 khi đội bóng này phải xuống chơi ở giải hạng Nhất. Sau khi giành vé lên chơi V.League 2006, đội lấy lại tên Thể Công.

Tuy vậy, đến ngày 22/9/2009, Bộ Quốc phòng đã quyết định đổi Thể Công thành Viettel. Tới tháng 11 năm đó, Bộ Quốc phòng ký quyết định thu hồi phiên hiệu Thể Công của đội bóng, đồng thời giao cho Tổng công ty viễn thông Viettel quản lý thay vì Tổng cục Chính trị.

Không lâu sau đó, đội một và đội trẻ Viettel lần lượt được bàn giao cho Thanh Hóa và Hà Nội T&T. Một đội bóng kế thừa được Trung tâm thể thao Viettel gây dựng lại từ đầu. Cũng bởi thế mà lâu nay CLB Viettel được gọi với danh xưng “Hậu duệ Thể Công”.

Năm 2018, khi Viettel lên chơi ở V-League, việc đổi tên thành Thể Công đã được nhắc tới nhưng chưa thực hiện. Dù vậy, theo bình luận viên Vũ Quang Huy, ông có cảm giác dòng máu Thể Công vẫn đang chảy tại Viettel.

“Mỗi khi bình luận trận đấu của Viettel FC tôi đều có những cảm xúc đặc biệt. Một phần trong đó là những xúc cảm từ thời Thể Công.

Viettel FC ngày nay vẫn là những hình hài rất rõ của Thể Công khi xưa và những danh thủ như anh Đỗ Mạnh Dũng, Hải Biên… là những người giữ sợi dây kết nối đó.

Viettel FC được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp. Các em được kế thừa dòng máu Thể Công từ tinh thần đến lối chơi và hãy phát huy điều đó”, ông Huy nói.

Ông Huy cũng đánh giá cao cách làm bóng đá Viettel đang theo đuổi: “Tôi nhìn thấy sự nỗ lực của Viettel FC trong cách CLB đào tạo và sử dụng cầu thủ trẻ của mình.

Tôi tin rằng có những vị trí Viettel còn đang thiếu, họ hoàn toàn có thể đưa cầu thủ từ nơi khác về nhưng họ vẫn kiên trì và bền bỉ thúc đẩy sự phát triển của các cầu thủ mình đào tạo, các cầu thủ mang gen Thể Công.

Bóng đá quốc tế đứng vững bởi họ có sức mạnh truyền thống. Tôi mong rằng Viettel hay có thể là Thể Công - Viettel sau này sẽ phát huy được sức mạnh truyền thống đó”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.