Thi viết về GTVT

Tướng Đồng Sỹ Nguyên và dấu ấn làm cầu Chương Dương

10/04/2019, 06:30

Là “tư lệnh” GTVT giai đoạn 1982 - 1986, những dấu ấn với ngành của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên rất sâu đậm.

img
Ngày 17/2/1985, Bộ trưởng Bộ GTVT Đồng Sỹ Nguyên cùng các đại biểu làm lễ nối liền dầm cầu Chương Dương. Thời gian đó, ông là người kiên quyết bảo vệ phương án phải xây dựng cầu Chương Dương khi chúng ta định chỉ làm duy nhất cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng trên địa bàn Thủ đô - Ảnh: Bảo Hanh/TTXVN

Nhiều công trình giao thông lịch sử ghi đậm dấu ấn của ông được xây dựng trong khoảng thời gian này.

Người lãnh đạo sát sao, quyết đoán

Nhớ về người lãnh đạo đức độ, đáng kính, ông Ngô Thịnh Đức, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT kể, lần đầu được gặp và làm việc trực tiếp với Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên vào năm 1984 khi ông đi kiểm tra các công trình giao thông tại khu vực phía Nam. Lúc đó, ông Đức đang đảm nhiệm vai trò Giám đốc Xí nghiệp Quản lý đường bộ 71 thuộc Liên hiệp Giao thông 7, đóng tại Cần Thơ.

Thời điểm ấy, tuyến QL1 tại một số tỉnh miền Tây vẫn chưa được mở rộng, mặt đường chật hẹp, xuống cấp nghiêm trọng. Ngay khi kiểm tra thực trạng tuyến và nghe anh em báo cáo, Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên đã yêu cầu ngay các đơn vị bố trí vốn, điều động nhựa từ Cục Vật tư tại Bộ GTVT từ Hà Nội vào để gấp rút sửa chữa đoạn tuyến QL1 qua Vĩnh Long, đảm bảo cho bà con đi lại an toàn.

Kỷ niệm không thể quên của ông Ngô Thịnh Đức với vị tướng tư lệnh ngành GTVT là tinh thần làm việc quyết liệt, dứt khoát. Đó là một ngày giữa năm 2006, ông Đức đang đi công tác tại Bình Thuận, bất ngờ nhận được điện thoại của cấp trên triệu tập gấp để làm việc với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên khi đó đang là cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về cầu Chương Dương, bởi khi ấy, trong dư luận xã hội có một số ý kiến dẫn lời đánh giá của cán bộ Viện Khoa học Công nghệ GTVT về việc cầu Chương Dương đang bị hư hỏng, có thể bị sập.

Ngay khi về đến Hà Nội, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có hỏi về hiện trạng cây cầu này, ông Đức báo cáo ngay: “Không có chuyện cầu Chương Dương có khả năng bị sập. Nghe xong, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên yêu cầu tổ chức ngay một cuộc họp báo để thông tin đến các phương tiện truyền thông và người dân, tránh hiểu lầm, gây hoang mang dư luận. Cuộc họp báo do trực tiếp Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và ông Đức chủ trì, trả lời cặn kẽ từng câu hỏi của các phóng viên. Ông Đức nhớ rõ, tại cuộc họp báo Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nói: “Báo chí cách mạng, các đồng chí phải làm cách mạng. Thứ trưởng Bộ GTVT đã khẳng định cây cầu này hoàn toàn bình thường chứ không có chuyện có thể bị sập như một số tin đồn. Cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm về cây cầu đã kiểm định và đưa ra kết luận chính thức, từ nay các nhà báo đừng đưa tin về vụ việc này nữa”.

img
Bộ trưởng Bộ GTVT Đồng Sỹ Nguyên xiết bulông tượng trưng tại Lễ nối liền dầm cầu Chương Dương (Hà Nội), ngày 17/2/1985 - Ảnh: Bảo Hanh/TTXVN

Cây cầu lịch sử mang đậm dấu ấn vị tướng ngành giao thông

Cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng là cây cầu đầu tiên do người Việt Nam làm chủ hoàn toàn từ thiết kế đến thi công. Đây cũng là công trình gắn liền với tên tuổi và những quyết định đúng đắn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Đã hơn 30 năm trôi qua, nhưng ông Hà Đình Cẩn, nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), nguyên Giám đốc Công ty Cầu 12 vẫn nhớ rõ từng chi tiết liên quan đến quá trình xây dựng cây cầu lịch sử này.

Theo ông Cẩn, những năm 80 của thế kỷ XX, Hà Nội chỉ có duy nhất cầu Long Biên bắc qua sông Hồng. Nằm ở vị trí độc đạo nhưng cầu Long Biên lại quá nhỏ, chật hẹp, cộng thêm phải đi chung với đường sắt nên ách tắc thường xuyên. Trước tình thế cấp bách, năm 1983, Bộ trưởng Bộ GTVT Đồng Sỹ Nguyên đã chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu xây dựng một cây cầu vượt sông Hồng tại bến Chương Dương.

Ban đầu, cầu Chương Dương được xây dựng trên ý tưởng thiết kế là cầu treo với 3 nhịp chính vượt sông. Để làm được cầu này, điều quan trọng nhất là phải đóng được cọc của các trụ nhịp chính xuống sông Hồng ở độ sâu khoảng 60m vì địa chất sông Hồng rất yếu.

“Lúc đó, chúng ta không có búa lớn có đủ năng lực xung kích để đóng cọc xuống cao độ yêu cầu. Khi mang búa loại 3,5 tấn ở công trường cầu Thăng Long sang đóng thử chỉ thấy toét đầu cọc mà cọc lại không xuống”, ông Cẩn nhớ lại và cho biết, yếu tố quan trọng nữa khi xây dựng cầu treo là cáp chủ để thi công từ bờ Nam sang bờ Bắc. Khi Bộ GTVT rà soát và kiểm tra thực tế ở các kho: Mai Pha (Lạng Sơn), Vĩnh Yên, Bắc Hồng Chèm… thì số lượng cáp chủ phi 57 gần như không có gì.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên đã triệu tập một cuộc họp và ông quyết định chuyển phương án làm cầu Chương Dương từ cầu treo thành cầu cứng (cầu Chương Dương hiện tại). “Đây là quyết định táo bạo và rất sáng suốt của người đứng đầu ngành GTVT lúc bấy giờ”, ông Cẩn nói và cho biết, để chuẩn bị vật liệu xây dựng cầu, lúc đó, Bộ GTVT tổ chức đi kiểm kê thép, dầm thép do Trung Quốc viện trợ để đảm bảo ATGT đường sắt và rà soát dầm thép còn dư của dự án cầu Thăng Long đang xây dựng.

Đến nay, đã gần 40 năm, nhưng ông Cẩn vẫn nhớ như in hình ảnh những kiện tướng đóng cọc suốt đêm xuống sông Hồng. “Trời rét như cắt da cắt thịt, bụng thì đói nhưng những người thợ cầu không thiết ăn uống, làm việc quên mình, tiếng cọc đóng xuống lòng sông rung chuyển cả Hà Nội. Lúc đó, ai cũng muốn được về Chương Dương, trực tiếp góp công góp sức tham gia xây dựng cầu”, ông Cẩn bồi hồi.

Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ với Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên tại dự án cầu Chương Dương, giọng ông Cẩn như nghẹn lại. “Lúc đó, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Bộ GTVT dù bận trăm công nghìn việc, nhưng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với dự án cầu Chương Dương. Tôi vẫn nhớ rõ, gần như tối nào, cứ ngoài 22h đêm, Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên cũng đi kiểm tra tình hình thi công dự án từ bờ Bắc ngược sang bờ Nam. Đi đến đâu, ông cũng đốc quân, đốc chiến ghi nhận, động viên những việc anh em làm được, việc gì còn vướng mắc là ngay ngày hôm sau ông triệu tập cuộc họp ban chỉ đạo cầu Chương Dương để kiểm điểm, tìm giải pháp tháo gỡ…”, ông Cẩn nói và cho biết, đến năm 1984, tiến độ xây dựng các mố trụ cầu đã vượt tiến độ trước một năm.

Ngày 30/6/1985, là ngày không thể nào quên đối với lịch sử ngành cầu Việt Nam khi Chương Dương chính thức được thông xe trước sự chứng kiến của nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và đông đảo nhân dân Thủ đô, người dân cả nước.
“Chưa khi nào lễ thông xe một cây cầu lại thu hút được một lượng người lớn đến như vậy. Người người ken kín mặt cầu và cả nhiều tuyến đường lân cận biến Thủ đô thành một lễ hội với rất nhiều cảm xúc. Cầu Chương Dương được đưa vào khai thác không chỉ xóa cảnh kẹt xe và ùn tắc liên miên của cầu Long Biên mà nó còn là biểu tượng của tinh thần, tự lực, tự cường và ý chí của người Việt. Đây cũng là cầy cầu mãi khắc ghi dấu ấn, cùng những quyết định táo bạo và sáng suốt của một vị tướng ngành GTVT, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên”, ông Cẩn chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.