Sản phẩm mới

Tương lai máy bay điện đang đến rất gần

10/10/2018, 07:52

Trong tương lai, không chỉ có ô tô, tàu mà cả máy bay cũng có thể chạy bằng năng lượng điện...

26

Máy bay ZA10 của Zunum

Trình làng máy bay lai điện 12 chỗ đầu tiên vào năm 2022

Bức tranh chung về một thế giới ở đó máy bay chạy bằng nhiên liệu sạch đã được nhắc đến từ lâu nhưng gần đây những “nét vẽ” cụ thể đã trở nên rõ nét hơn khi một trong những nhà sản xuất động cơ máy bay lớn nhất thế giới Safran (của Pháp) công bố kế hoạch sản xuất thiết bị động lực cho Zunum Aero - công ty khởi nghiệp máy bay lai điện đang được Boeing cùng Hãng hàng không JetBlue Airways hậu thuẫn.

Đây là bước ngoặt quan trọng đối với Zunum Aero vì động cơ là một trong những phần công nghệ khó khăn nhất mà công ty này cần vượt qua nếu muốn sản xuất máy bay chạy bằng năng lượng sạch. “Nếu không có động cơ, máy bay điện có lẽ chỉ mãi nằm trên bản phác thảo và không thể trở thành hiện thực”, ông Richard Aboulafia, Phó chủ tịch Công ty Nghiên cứu không gian vũ trụ Teal Group nhận định.

Theo đó, Safran đang tiến hành nâng cấp một loại động cơ trực thăng để sử dụng cho máy bay Zunum 12 chỗ được biết đến với cái tên ZA10. Phương tiện này có khả năng chạy bằng cả pin và xăng truyền thống (máy bay lai). Với sự hỗ trợ của công ty động cơ Pháp, Zunum sẽ ra mắt lô máy bay 12 chỗ đầu tiên vào năm 2022.

Công ty khởi nghiệp này đã thực hiện các cuộc thử nghiệm trên mặt đất trong năm nay tại khu vực gần Chicago và dự kiến thử nghiệm bay vào năm 2019. Hãng hàng không JetBlue, một trong những đơn vị hậu thuẫn Zunum hy vọng chiếc phi cơ này có thể sử dụng cho các chuyến bay dưới 1.600km.

Người sáng lập Zunum Matt Knapp nhận định, với hệ thống hybrid, máy bay của công ty này chỉ cần tiêu thụ một nửa nhiên liệu so với phương tiện thông thường. Sau khi thành công với động cơ lai điện (hybrid), Zunum sẽ chuyển sang phát triển máy bay chạy hoàn toàn bằng điện.

Công ty khởi nghiệp 4 năm tuổi này khá tự tin với lộ trình phát triển máy bay bởi Zunum được hai ông lớn là JetBlue và Boeing hậu thuẫn. Bản thân Giám đốc điều hành Zunum Ashish Kumar từng khẳng định: “Chúng tôi rất may mắn khi có những đối tác dày dặn kinh nghiệm như JetBlue và Boeing. Cả hai công ty này đã cùng đồng hành với Zunum trong suốt 4 năm từ những ngày đầu thành lập”, ông Kumar nói.

“Với lợi thế là một hãng hàng không, JetBlue rất quan trọng trong  việc khai thác đầu ra của sản phẩm cũng như hỗ trợ kết nối với các hãng hàng không khác”, ông Kumar nói thêm.

Hãng hàng không này đã góp phần đưa công ty cho thuê máy bay tư nhân JetSuite trở thành khách hàng đầu tiên của ZA10. Tháng 10/2017, JetSuite đã đặt khoảng 100 máy bay cho hãng hàng không khu vực JetSuiteX.

Trong khi đó, với Boeing, ông lớn trong ngành sản xuất máy bay có trụ sở tại Chicago này đã hậu thuẫn Zunum phát triển máy bay trên nhiều mặt như cấu trúc khung hợp kim, hệ thống động cơ cùng chương trình thiết kế tổng thể máy bay. Ngoài ra, Boeing cũng giúp Zunum thu hút người tài, thuê và xây dựng đội ngũ sáng tạo, phát triển ý tưởng.

Xu hướng tương lai

Thực chất, Zunum Aero là một trong những công ty đang dẫn đầu trên đường đua nghiên cứu sản xuất máy bay điện. Hiện tại đã có một số công ty như: Airbus, Rolls-Royce đang đầu tư vào loại phương tiện này.

Trong đó, Airbus đang phối hợp với Rolls-Royce cùng Siemens phát triển máy bay điện mang tên E Fan X, dự định thay thế 1 trong 4 động cơ turbin khí trên máy bay chặng ngắn bằng động cơ chạy điện kết hợp và bay thử nghiệm vào năm 2020.

Một ví dụ khác là Công ty Eviation của Israel mới “trình làng” mẫu máy bay Alice Commuter tại Triển lãm Hàng không Paris năm ngoái với động cơ sử dụng hoàn toàn điện, được đánh giá như “Tesla” của hàng không...

Sở dĩ, máy bay điện được nhận định là phương tiện của tương lai vì về cơ bản, nó có tất cả các lợi ích giống như ô tô điện nhưng êm hơn, hiệu quả hơn xe chạy bằng xăng, đặc biệt là sử dụng nhiên liệu hoàn toàn có thể tái tạo, giảm khí thải, thân thiện với môi trường. Hiện tại, ngành Hàng không toàn cầu chiếm 2,5% lượng khí thải carbon và tỉ lệ này dự kiến tăng với tốc độ chóng mặt khi nhu cầu hành khách sử dụng máy bay tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Do đó, để hạn chế tác động, ngành Hàng không thế giới đang chật vật giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.