Giao thông

Tường minh nhiều câu hỏi “nóng” về BOT giao thông

29/09/2017, 06:22

Các dự án BOT giao thông và việc rà soát để giảm giá vé, thời gian thu giá tiếp tục là vấn đề “nóng”...

3

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông trả lời các câu hỏi của PV, chiều 28/9

Các dự án BOT giao thông và việc rà soát để giảm giá vé, thời gian thu giá tiếp tục là vấn đề “nóng” được nhiều PV đặt câu hỏi tại buổi họp báo quý III của Bộ GTVT diễn ra chiều qua (28/9).

Tổng rà soát, xử lý bất cập các trạm thu giá BOT

Trả lời câu hỏi của PV báo Tuổi trẻ, Dân trí, Pháp luật TP.HCM về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện cho biết, hiện tổng cục đang thực hiện kế hoạch rà soát 54 trạm thu giá. Đã có 10 trạm được Bộ chấp thuận giảm giá. Thêm 3 trạm đã thống nhất với nhà đầu tư, đang báo cáo Bộ xem xét quyết định. “Tổng cục Đường bộ VN đã đàm phán công khai với nhà đầu tư dựa trên nguyên tắc lưu lượng, thời gian và theo số liệu quyết toán”, ông Huyện nói và cho biết, với các trạm còn lại, tổng cục đã lên kế hoạch đàm phán, cơ bản đến ngày 30/10 sẽ báo cáo Bộ GTVT xử lý.

Thông tin thêm, Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư Nguyễn Danh Huy cho biết, việc rà soát phải liên quan đến việc xem xét bất cập tại từng trạm một. “Chúng tôi rà soát toàn bộ vị trí 88 trạm thu giá, trong đó có 73 trạm do Bộ quản lý. Trong số này có 3 trạm vị trí nằm ngoài phạm vi xây dựng dự án (Tào Xuyên, Cầu Rác và Bắc Thăng Long - Nội Bài); Có 6 dự án đặt trạm thu giá trên tuyến chính, nâng cấp cải tạo tuyến chính và đặt trạm trên tuyến tránh tương tự như trạm Cai Lậy”, ông Huy cho biết.

Trình Quốc hội đồng bộ cả vốn và cơ chế cho dự án cao tốc Bắc - Nam

Trả lời câu hỏi của PV liên quan đến nhận định mới đây của Bộ Tài chính rằng, tính khả thi của dự án cao tốc Bắc - Nam thấp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói: “Thực ra, những vấn đề này đã được phân tích đầy đủ trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về dự án”.

“Đúng là trong bối cảnh hiện nay, không dễ để lựa chọn nhà đầu tư. Ngoài ra, nếu tổ chức đấu thầu mà cơ chế không được thông qua đồng bộ với việc bố trí vốn thì dự án cũng không thể thực hiện. Do đó, Chính phủ đã trình Quốc hội đồng bộ cả vốn và cơ chế cho dự án”, Thứ trưởng nói thêm.

Cũng theo ông Huy, hợp đồng BOT là hợp đồng ký giữa 2 bên là Bộ GTVT (cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) và nhà đầu tư nhưng đồng thời cũng liên quan đến hợp đồng vay tín dụng với các tổ chức tín dụng nên khi đàm phán phải đạt được sự đồng thuận của cả 3 bên.

Đối với chi phí giảm do chi phí xây dựng giảm sau quyết toán, ông Huy cho biết, Bộ GTVT chỉ đạo theo hướng ưu tiên giảm giá vé. Sau khi giảm phí cho người dân quanh trạm xong, vẫn còn dư địa thì tiếp tục giảm giá phí.

Liên quan đến câu hỏi của PV báo Pháp luật TP.HCM về việc có di dời vị trí trạm thu giá Cai Lậy không, ông Huy nhấn mạnh: Về vấn đề này, phải làm rõ trạm thu giá Cai Lậy đặt đúng hay sai? “Theo quy định Thông tư 159, trạm này đặt trong phạm vi dự án. Ngoài ra, tại thời điểm đó đã nghiên cứu các phương án gồm: Mở rộng toàn bộ QL1 và không xây dựng tuyến tránh; đặt trạm thu giá trên tuyến tránh và phương án đặt trạm thu giá trên tuyến chính, nâng cấp cải tạo tuyến chính và xây dựng tuyến chính. Trong đó, phương án thứ 3 là phương án ưu việt nhất”, ông Huy thông tin.

Với câu hỏi có mua lại trạm không, ông Huy đặt câu hỏi ngược lại: “Tại sao phải làm BOT. Ngân sách đang hết sức khó khăn, không cân đối được thì mới phải làm BOT. Vậy lấy tiền đâu để mua lại trạm?”.

Cũng về các dự án BOT, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông thông tin thêm, bên cạnh những lợi ích và hiệu quả mang lại cho xã hội và người dân, qua thực tiễn, Bộ GTVT cũng đã nhìn nhận rõ một số bất cập nhất định của các dự án BOT, nhất là các dự án làm trên đường hiện hữu, hình thức thu phí hở trên quốc lộ chưa tạo công bằng cho người dân khu vực sinh sống gần trạm BOT…

Để khắc phục, Bộ GTVT đã dừng triển khai các dự án BOT trên những tuyến đường hiện có và chỉ kêu gọi đầu tư đối với các tuyến đường mới, đảm bảo người dân và chủ phương tiện có sự lựa chọn. Trường hợp dự án cấp bách, Nhà nước không thu xếp được nguồn vốn, kêu gọi đầu tư BOT các dự án hiện hữu, độc đạo phải tham vấn rộng rãi ý kiến của địa phương qua các cơ quan đại diện là HĐND, Đoàn ĐBQH, các hiệp hội vận tải, các cơ quan chức năng.

Chậm giải ngân, kế hoạch chạy thử đường sắt Cát Linh - Hà Đông “lỡ hẹn”

Trước câu hỏi của PV Dân trí về kế hoạch chạy thử tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thừa nhận “không thể đúng hẹn”.

“Trước đây, chúng tôi dự kiến tháng 10 chạy thử. Nhưng đến thời điểm này, có thể khẳng định là không thể đạt được đúng kế hoạch. Thực tế, khối lượng thi công Dự án Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành xây lắp được 95%, nhưng vướng mắc còn lại đều liên quan đến phần thiết bị. Chúng tôi sẽ rà soát và làm việc lại với tổng thầu để báo cáo Chính phủ”, Thứ trưởng nói và lý giải thêm: Nguyên nhân chậm trễ do nguồn vốn giải ngân chậm, trong khi nhu cầu về nguồn vốn để giải ngân cho các hạng mục còn lại rất lớn. Đây là vấn đề quyết định đến tiến độ dự án trong giai đoạn hiện nay.

Được biết, dự án sử dụng nguồn vốn vay của Trung Quốc gồm: Vay tín dụng ưu đãi Chính phủ 1,2 tỷ nhân dân tệ, vay tín dụng ưu đãi bên mua 250 triệu USD và vay tín dụng ưu đãi Chính phủ (bổ sung) 250,62 triệu USD. Trong đó, nguồn vốn vay bổ sung 250,62 triệu USD vẫn đang được xem xét và chưa thể hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan để giải ngân.

Cũng liên quan đến dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, về thông tin một toa tàu màu vàng mang biểu tượng đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã chạy dọc đường ray trên cao của dự án trong sáng nay (28/9), Thứ trưởng cho biết, đây thực chất là chạy thông trên đường ray để kiểm tra đường chứ không phải chạy thử. Sau khi thông đường ray còn phải thông đường điện và thiết bị thông tin…Khi đảm bảo các yếu tố mới tiến hành chạy thử tàu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.