Điều tra

Tướng Tô Ân Xô: "Đánh mạnh vào thủ đoạn lập "sân sau" trong đấu thầu"

01/11/2021, 09:29

Hàng loạt vụ án nâng khống giá thiết bị, lập công ty "sân sau" để "thông thầu" bị Bộ Công an triệt xóa thời gian qua.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, sai phạm liên quan đến hoạt động đấu thầu không chỉ xảy ra ở các dự án trong lĩnh vực giao thông, xây dựng, mà ở cả lĩnh vực nhạy cảm, mang tính nhân văn cao như y tế, giáo dục, văn hóa...

Những sai phạm này gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội và bức xúc trong quần chúng nhân dân.

img

Trung tướng Tô Ân Xô

Cụ thể, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, thời gian qua Bộ Công an đã chỉ đạo các cơ quan chức năng quán triệt tốt quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là phát hiện một vụ, cảnh tỉnh cả vùng; xử lý một người để cứu muôn người.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ Công an đã tăng cường nắm tình hình, nhận diện vi phạm, lựa chọn khâu đột phá để kiên quyết đấu tranh, xử lý triệt để các hành vi vi phạm, từ đó có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe các vi phạm trong cả lĩnh vực, điển hình như: Vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội; Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh, TP Cần Thơ; Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Điện Biên...

Trung tướng Tô Ân Xô cho hay, qua các vụ án kinh tế, tham nhũng mà Cơ quan điều tra của Bộ Công an phát hiện trong thời gian qua cho thấy, các sai phạm trong hoạt động đấu thầu diễn ra rất phức tạp ở hầu hết các lĩnh vực.

Điều đáng nói, sai phạm không chỉ xảy ra ở các dự án trong lĩnh vực giao thông, xây dựng, thông tin, truyền thông...mà ở cả lĩnh vực nhạy cảm, mang tính nhân văn cao như y tế, giáo dục, văn hóa... Các sai phạm này gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội và bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Cụ thể, hành vi thông thầu với nhà thầu có mối quan hệ "sân sau", không dựa trên uy tín và năng lực thực sự của nhà thầu, hành vi gian lận giá thầu, câu kết nâng giá trị sản phẩm hàng hóa để trục lợi, chung chi "hoa hồng" của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thẩm định thầu, đơn vị kiểm tra, giám sát dẫn đến các dự án chậm tiến độ, chất lượng hàng hóa kém, hiệu quả kinh tế - xã hội thấp, gây thất thoát, thiệt hại nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Nếu để việc phân biệt, đối xử "bất bình đẳng" trong đấu thầu kéo dài, sai phạm trở nên phổ biến ở các bộ, ngành, địa phương sẽ dẫn đến không đảm bảo tính công bằng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động đầu tư, làm thui chột động lực phát triển kinh tế, suy giảm lòng tin của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Nghiêm trọng hơn, còn làm méo mó chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; không phát huy hết được vai trò của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Gian lận thầu, nâng khống giá thầu thường có sự thông đồng, liên kết chặt chẽ của nhiều cá nhân, từ những người có chức vụ, quyền hạn chỉ đạo đến cán bộ thực hiện, từ khâu xác lập, phê duyệt, thẩm định đến khâu kiểm tra, giám sát thầu, thậm chí can thiệp cả vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để giành đặc quyền, đặc lợi, phục vụ cho việc trục lợi cá nhân, gia đình, nhóm lợi ích của mình một cách hợp lý hơn, kín đáo hơn, không quan tâm đến hiệu quả, cũng như tài sản thiệt hại, thất thoát của Nhà nước.

Trung tướng Tô Ân Xô cho rằng, quy trình, thủ tục đấu thầu theo Luật Đấu thầu năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay vẫn còn những bất cập, kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng để vi phạm hoạt động đấu thầu, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Qua các vụ án này, Bộ Công an đã kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan nhiều giải pháp để khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm tương tự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.