Xã hội

Tướng Tô Ân Xô: Nguyễn Đức Chung chiếm đoạt tài liệu bí mật vụ Nhật Cường

04/09/2020, 19:05

Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết, ông Nguyễn Đức Chung làm lộ bí mật liên quan đến vụ Nhật Cường.

img
Quang cảnh buổi họp báo

Chiều nay (4/9), tại Hà Nội đã diễn ra phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020.

Trước một số câu hỏi liên quan đến việc bắt ông Nguyễn Đức Chung, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an đã có những câu trả lời.

Cụ thể, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết, ngày 28/8, cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng với ông Chung để điều tra hành vi Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước. Trước đó, Bộ Công an cũng thông tin ông Chung liên quan 3 vụ án.

Về vụ chiếm đoạt tài liệu bí mật của Nhà nước thì trong quá trình điều tra, ông Chung có liên quan vụ án này, trong đó có số tài liệu liên quan đến vụ Nhật Cường.

Về vụ Nhật Cường, Bộ Công an đã khởi tố 28 bị can với 4 tội danh. Trong đó, Bùi Quang Huy bị khởi tố về cả 4 tội danh nhưng đã bỏ trốn, hiện Bộ Công an đang truy bắt. Bùi Quang Huy sử dụng tư cách pháp nhân của Nhật Cường để buôn lậu thiết bị điện thoại, lập sổ sách kế toán che giấu hành vi phạm tội nhằm trốn thuế. Qua điều tra, cơ quan điều tra làm rõ hành vi đấu thầu số hóa thiết bị của Công ty Nhật Cường làm thiệt hại hàng tỷ đồng, vụ việc này có trách nhiệm của ông Nguyễn Đức Chung.

Về vụ vi phạm quy định gây thất thoát xảy ra tại TP Hà Nội, ông Xô cho biết quá trình triển khai và thực hiện xử lý ô nhiễm nước hồ bằng chế phẩm Redoxy 3C, một công ty của Đức sản xuất chế phẩm đó, Hà Nội đã làm rồi. Nếu ký trực tiếp với công ty này thì rất bình thường nhưng lại ký qua một đại lý khác nên gây thất thoát cho Nhà nước khoảng 44 tỷ đồng. Với vai trò là Chủ tịch Hà Nội, ông Chung có một phần trách nhiệm ở đây.

“Đây là sự việc thu hút sự quan tâm nhưng đề nghị không suy diễn, quy kết, làm ảnh hưởng đến những người thân, bạn bè trong gia đình ông Chung. Án tại hồ sơ, trọng chứng hơn trọng lời khai nên trong các vụ việc tránh suy diễn”, ông Xô nói.

Ngày 28/8/2020, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam (4 tháng), lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Nguyễn Đức Chung (SN 1967, trú tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội) về hành vi “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Ngày 11/8/2020, Thủ tướng quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung để điều tra vai trò liên quan đến 3 vụ án.

Cùng ngày, Bộ Chính trị đình chỉ sinh hoạt đảng và chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đối với ông Nguyễn Đức Chung.

Ba vụ án ông Nguyễn Đức Chung liên quan gồm: Vụ Nhật Cường; Vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước và vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Liên quan đến vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước mà ông Nguyễn Đức Chung vừa bị khởi tố, bắt giam, trước đó cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt giam 3 bị can, gồm một cán bộ Cục cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế (C03)- Bộ Công an, 1 thư ký biên tập Tổ giúp việc Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và lái xe riêng của ông Nguyễn Đức Chung.

Liên quan đến vụ Nhật Cường, đây là vụ án nhập lậu thiết bị điện tử quy mô lớn, giấu doanh thu hàng nghìn tỷ đồng. Từ khi vụ án được khởi tố vào tháng 5/2019, đã có 28 người bị khởi tố, trong đó có ông Nguyễn Văn Tứ, Chánh Văn phòng Thành ủy; bà Phạm Thị Thu Hường, Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Tiến Học, cựu phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội. Đối tượng chủ mưu trong vụ án này là Bùi Quang Huy hiện vẫn đang bỏ trốn và bị phát lệnh truy nã đỏ.

Liên quan đến vụ án gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước, ngày 20/8 vừa qua, Bộ Công an đã tạm giam ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội với cáo buộc liên quan sai phạm mua độc quyền chế phẩm Redoxy-3C làm sạch sông, hồ.

Nâng khống giá thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai: Người bệnh thiệt hại trên 10 tỷ đồng

Liên quan đến việc liên kết, nâng khống giá trị thiết bị y tế tại bệnh viện Bạch Mai, tại họp báo, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho hay, kết quả điều tra bước đầu, Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định một số cá nhân ở Công ty CP Công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) và Công ty CP Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (Công ty VFS) có hành vi câu kết nâng khống giá trị hệ thống thiết bị y tế, chiếm đoạt tiền của người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai.

Cụ thể, theo tờ khai hải quan ghi nhận nhập khẩu hệ thống robot hỗ trợ thần kinh có giá trị khoảng 7,4 tỷ đồng, gồm cả VAT. Tuy nhiên, các đối tượng này đã câu kết với nhau nâng giá của hệ thống lên 39 tỷ đồng. Giá của hệ thống robot là 7,4 tỷ đồng, chi phí khấu hao máy 1 ca bệnh là hơn 4 triệu đồng. Tuy nhiên, với giá họ khống 39 tỷ đồng, người bệnh phải chi trả chi phí khấu hao máy là 23 triệu đồng/ca.

Trong các năm từ 2017-2019, Bệnh viện Bạch Mai đã thanh toán 550 ca, số tiền chênh lệch được các đối tượng hưởng lợi là trên 10 tỷ đồng. Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty BMS và các đơn vị có liên quan và tiếp tục điều tra, làm rõ các sai phạm.

Về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, sau khi vụ việc xảy ra, Bộ Y tế đã có chỉ đạo các đơn vị, trong đó có Bệnh viện Bạch Mai, rà soát lại các hợp đồng liên doanh, liên kết, giảm giá dịch vụ trên các máy đầu tư… điều chỉnh 18 dịch vụ xuống bằng mức giá thanh toán với các cơ quan bảo hiểm y tế. Bệnh viện cũng đã đàm phán, thương thảo với các đơn vị liên kết để điều chỉnh giá một số dịch vụ. Riêng với máy giảm tới 5 triệu đồng thì giảm xuống còn 4,3 triệu đồng/ca. Giảm giá 28 triệu đồng xuống còn 24 triệu đồng/ca.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.