Thông tin doanh nghiệp

Tuyến đường xuyên vùng cát trắng và dấu ấn Trường Thịnh tuổi 21

02/06/2015, 07:33

Sau hơn 400 ngày lội cát mở đường, 33 km đường QL1 tránh ngập qua hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy...

157
 uyến đường xuyên vùng cát trắng và dấu ấn Trường Thịnh tuổi 21

Sau hơn 400 ngày lội cát mở đường, 33 km đường QL1 tránh ngập qua hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã được Tập đoàn Trường Thịnh hoàn thành, về đích trước hai tháng. Dự án rồi đây sẽ nối mạch tiếp đoạn Hà Tĩnh đến Quảng Bình. Công trình một lần nữa ghi dấu ấn Tập đoàn Trường Thịnh trên mảnh đất đã sinh ra vị tướng tài của dân tộc và thế giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…

12 tháng hoàn thành 33 km đường quốc lộ

Những ngày cuối tháng 5, trời Quảng Bình nắng như đổ lửa, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến hơn 500C. Thế nhưng, giữa mênh mông những đồi cát trắng, những công nhân Trường Thịnh vẫn miệt mài hoàn thiện những hạng mục cuối. Theo ghi nhận của Báo Giao thông, đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 125 của Bác, trên tuyến đường, hệ thống cọc tiêu, biển báo, sơn vạch kẻ đường đã được các nhà thầu lắp đặt đầy đủ. Riêng 100 m cuối tuyến, nơi bàn giao mặt bằng muộn nhất, cũng đã thi công tới phần thảm bê tông nhựa lớp 2 và sơn kẻ vạch phân làn, hoàn thành vào 25/5.

Nhìn lại chặng đường 16 tháng “vượt nắng, thắng mưa, lội cát” làm đường, kỹ sư Lê Bình Minh, Trưởng ban QLDA Công ty TNHH BOT Trường Thịnh cho biết: Tháng 6/2013, Bộ GTVT cho phép tiến hành khởi công dự án, thế nhưng do chưa có mặt bằng nên 4 tháng sau, đơn vị mới đưa thiết bị vào. Tuy nhiên, thời điểm này, Quảng Bình bước vào mùa mưa, đáng lưu ý là cơn bão số 10 lịch sử, dẫn đến việc thi công cũng vì thế mà bị gián đoạn. Tháng 1/2014, những người thợ của Trường Thịnh mới chính thức bắt nhịp và triển khai thi công đồng loạt, tính ra, tổng thời gian thi công của dự án chỉ chưa đầy 12 tháng.

Chân trần lội cát, mở đường

“Ngày đầu tiên đi khảo sát, cứ nghĩ cũng giống như lội ruộng, đi rừng ai ngờ đi trên cát khó đến thế. Cát như níu chân người, đặt chân xuống cát là ngập ngang mắt cá. Nhấc chân này thì chân kia tụt xuống, cứ như vậy, người nào khoẻ nhất thì lội cát cả buổi sáng cũng chỉ được vẻn vẹn... 3 km. Đến trưa hết nước, không thức ăn, đói, mệt, quay ra thì không đủ sức. Vậy là cả đoàn phải dừng lại tìm bụi cây tránh nắng, sau đó cử người còn khỏe đi ngược ra ngoài mang đồ tiếp tế.

Những ngày sau đó, cùng với các thiết bị chuyên dụng phục vụ khảo sát tuyến, thì những bình nước, gói lương khô luôn là hành trang không thể thiếu trên vai mỗi người. Thậm chí, anh em còn phải bổ sung thêm một số nhân sự chỉ phục vụ việc gùi nước và đồ ăn sẵn để đủ cho cả ngày làm việc”, kỹ sư Lê Bình Minh, Trưởng ban QLDA Công ty TNHH BOT Trường Thịnh

Trong hơn 400 ngày, đêm, Tập đoàn Trường Thịnh đã dốc toàn lực vào dự án. Theo kỹ sư Minh, trên chiều dài 33 km, hai đơn vị chủ lực của Tập đoàn là Công ty CP Trường Thịnh 4 và Công ty CP Đầu tư Thương mại Trường Thịnh tổ chức tới 6 mũi thi công đồng thời, bố trí liên tục ba ca làm việc. Lúc cao điểm, hai đơn vị huy động tới 500 kỹ sư, công nhân, vận hành trên 200 đầu thiết bị, cùng hàng trăm lượt phương tiện chuyên chở vật liệu hoạt động suốt ngày đêm.

Chia sẻ những khó khăn khi triển khai thi công dự án đặc biệt này, Tổng giám đốc Tập đoàn, ông Võ Minh Hoài cho biết: Đây là tuyến đường mới, độc đạo, đi qua vùng rừng phòng hộ ven biển không có dân cư sinh sống. Cả 33 km chỉ có ba đường ngang có thể tận dụng làm đường vận chuyển vật liệu. Các đoạn tuyến còn lại, đơn vị phải dùng đường chính tuyến làm đường công vụ. Biện pháp thi công duy nhất có thể triển khai là vừa làm, vừa lấn tuyến nên việc tăng nhân công thiết bị để kéo giảm thời gian thi công gần như là không thể.

Một vấn đề nữa là khối lượng đào đắp lên đến 700 nghìn m3 cát và đắp vào số lượng đất đá tương đương: “Trên tuyến có tới 20 điểm đào xuyên đồi cát, 15 điểm phải múc sâu đến 20 - 30m. Có những triền cát dài từ 300 - 500 m, cao hàng chục mét “trấn” giữa tim đường buộc đơn vị phải đưa máy xúc, máy ủi vào san phẳng để mở đường” , ông Hoài ví dụ về sự khó khăn của dự án.

Tại mỗi gói thầu, Tập đoàn Trường Thịnh đều đặt một Ban điều hành hiện trường, một phòng thí nghiệm hiện trường, để trực tiếp kiểm nghiệm chất lượng vật liệu trước, trong và sau quá trình thi công. Toàn bộ vật liệu từ đất đắp cho đến đá dăm đều được Tập đoàn tự khai thác, sản xuất nên có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng vật liệu đầu vào. Trong giai đoạn thi công thảm bê tông nhựa, chủ động xây dựng riêng hai trạm trộn với công suất 120 tấn/h để đáp ứng nhu cầu của các dây chuyền thảm. 100% nhân công, thiết bị phục vụ thảm đều được chọn lựa từ những đội thi công tinh nhuệ nhất của Tập đoàn, từng mẻ bê tông nhựa ra lò đều được lấy mẫu, thí nghiệm kiểm định kỹ lưỡng về các chỉ số như: cường độ, khả năng chịu lực, độ rỗng, khả năng chống hằn lún…

158
Tuyến QL1 đầu tiên đi xuyên vùng cát trắng Quảng Bình do Trường Thịnh thi công đã hoàn thành sau 16 tháng thi công

Vượt thử thách làm đường trên... cát

Trong quá trình thi công dự án này, có nhiều câu chuyện trở thành kỷ niệm không bao giờ quên với những kỹ sư, công nhân trên công trường. Trưởng ban QLDA, kỹ sư Lê Bình Minh nhớ lại: Lúc ấy, tháng 4/2013, dự án vừa được Bộ phê duyệt, Tập đoàn liền cử chúng tôi cùng với các Tư vấn thiết kế của TEDI đi khảo sát dọc tuyến và lên phương án thi công cho từng đoạn. 30 ngày đầu tiên đó, toàn bộ kỹ sư của Ban QLDA được giao một nhiệm vụ duy nhất là… lội cát định vị hướng tuyến.

Còn đối với kỹ sư Nguyễn Xuân Tình, người đã gắn bó với Trường Thịnh từ những ngày đầu tiên và từng tham gia thi công rất nhiều dự án xây dựng đường giao thông, nhưng làm đường đi hoàn toàn trên cát thì đây là dự án đầu tiên. Theo kỹ sư Tình, việc thi công trên cát có nhiều điểm khác biệt so với làm đường trên các loại địa chất khác, quá trình thi công, ngoài việc phải xúc sâu, đào rộng chống cát trượt thì việc giữ cho nền đường đạt đủ cường độ là rất khó.

“Cát là cát khô rời rạc, lu chỗ này, cát lại trồi sang chỗ khác. Muốn lu được thì phải đưa nước vào tưới đẫm cát, rồi phải đổ đất nền ngay nếu không nước bốc hơi hết thì ca lu đó trở thành vô nghĩa. Ngoài ra, trước mỗi lần đổ đất đắp đều phải đưa máy xuống đo độ chặt, độ ổn định của nền cát”, kỹ sư Tình chia sẻ.

Dấu ấn tuổi 21

Khó khăn chồng chất, nhưng bằng những sáng kiến, cách tổ chức thi công linh hoạt, suốt quá trình thi công, đơn vị thi công luôn đảm bảo cả về tiến độ, chất lượng dự án, được Bộ GTVT đánh giá cao. Riêng đối với Tập đoàn Trường Thịnh, dự án này là công trình đặc biệt quan trọng: “Năm 2013, anh em có 80 giờ để hoàn thành hơn 2km đường phục vụ tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đó được coi là một kỳ tích và kỷ niệm đáng nhớ cho mỗi cán bộ, công nhân viên tham gia thi công dự án thần tốc đường vào Vũng Chùa - Đảo Yến. Giờ đây ở tuổi 21, Trường Thịnh lại hoàn thành Dự án nâng cấp, mở rộng QL1, công trình mang ý nghĩa trọng điểm Quốc gia”, Tổng giám đốc Võ Minh Hoài chia sẻ.

Còn đối với tỉnh Quảng Bình, việc mở tuyến mới khiến cho 208 hộ dân bị ảnh hưởng, nhưng theo đánh giá, tuyến đường đã mang lại cho địa phương này nhiều lợi ích cả về kinh tế xã hội và du lịch. Từ khi có dự án này, tỉnh Quảng Bình đã khảo sát quy hoạch phát triển khu dân cư xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh. Nhiều nhà đầu tư tìm đến xin đầu tư vào khu công nghiệp Cam Liên, huyện Lệ Thủy. Cùng đó, tuyến đường đi qua khu vực bờ biển với khoảng cách xa nhất gần 3km, gần nhất hai cây số, trong tương lai gần sẽ mở ra khả năng hình thành các khu du lịch, nghỉ dưỡng và bãi tắm cho địa phương. Tuyến đường cũng sẽ giúp cho dân cư các vùng lân cận thuận lợi hơn trong việc vận chuyển giao thương hàng hóa từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế của cả một vùng đất trũng phía Nam tỉnh Quảng Bình. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.