Bạn cần biết

Tuyển sinh 2018: Đầu vào giảm, thí sinh còn “cửa” vào ĐH top trên

07/08/2018, 07:25

Đa phần điểm đầu vào của các trường ĐH top trên đều thấp hơn năm trước từ 2-5 điểm...

15

Thí sinh xem số báo danh trước kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Hà Nội - Ảnh: Phong Sơn

Đến tối 6/8, toàn bộ các trường ĐH-CĐ đã đồng loạt công bố điểm chuẩn. Đa phần điểm đầu vào của các trường top trên đều thấp hơn năm trước từ 2-5 điểm và bất ngờ nhất là việc Học viện Quân y giảm gần 9 điểm.

Điểm chuẩn các trường top trên giảm, ngoài công lập tăng

Trong ngày 6/8, tất cả các trường ĐH-CĐ đều chốt điểm chuẩn đầu vào xét tuyển đợt 1 kỳ thi ĐH-CĐ năm 2018. Theo đó, khối các trường quân đội dẫn đầu về điểm đầu vào. Mức cao nhất là 27,75 điểm không nhân hệ số cho tổ hợp Toán - Lý - Anh của Học viện Biên phòng, hạ hơn so với điểm cao nhất của năm trước là 28,5. Đặc biệt, điểm chuẩn của Học viện Quân y theo khối A00 giảm đến 8,95 điểm so với năm ngoái, xuống còn 20,05 điểm đối với thí sinh nam miền Bắc; giảm đến 6,65 so với năm ngoái đối với thí sinh nam miền Nam. Tiếp sau khối trường quân đội, khối trường công an cũng có đầu vào rất cao. Học viện Cảnh sát nhân dân có điểm chuẩn cao nhất 27,15 đối với thí sinh nam cho tổ hợp Toán - Lý - Anh. Năm ngoái, điểm chuẩn cao nhất của trường là 29,5. Học viện An ninh nhân dân là 26,1 cho tổ hợp Toán - Văn - Anh, trong khi mức trần năm ngoái là 30,5.

Với khối trường dân sự, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) có điểm chuẩn cao, đứng đầu là Khoa Đông Phương học 27,25 với tổ hợp Văn - Sử - Địa, giảm 1,25 điểm so với năm ngoái. Các ngành Báo chí, Đông Nam Á, Quốc tế học cùng lấy 25 điểm cho tổ hợp Văn - Sử - Địa.

Thí sinh Hòa Bình, Lạng Sơn, Sơn La đạt điểm cao nhất vào Học viện An ninh nhân dân

Theo danh sách trúng tuyển tại Học viện An ninh Nhân dân, các thí sinh đạt điểm cao nhất ở tất cả các tổ hợp đều là thí sinh thuộc tỉnh: Hòa Bình, Lạng Sơn, Sơn La. Cụ thể, trong 10 thí sinh có điểm xét tuyển cao nhất, có tới 4 thí sinh của Hòa Bình, 2 thí sinh của Lạng Sơn, 1 thí sinh của Sơn La, 2 thí sinh của Bắc Kạn và 1 thí sinh của Lai Châu. Tỉ lệ này vượt xa các tỉnh có truyền thống về học tập và có đông thí sinh như: Hà Nội, Nghệ An, Nam Định...

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng lấy điểm chuẩn từ 18 - 25,35 điểm. Năm nay, điểm chuẩn thấp nhất vào ĐH Giao thông vận tải chỉ ở mức 14. Năm 2018, trường không có ngành nào lấy điểm trúng tuyển trên 20.

Điểm chuẩn cao nhất của Học viện Tài chính là 21,55 điểm, thuộc về ngành Kế toán tổ hợp D01.

Với ĐH Sư phạm Hà Nội, ngành có điểm chuẩn cao nhất là Sư phạm Toán: 23,35. Một số ngành có điểm chuẩn 16. Điểm trúng tuyển của ĐH Y Hà Nội năm nay dao động từ 18,1 - 24,75, giảm 4,5-5,7 điểm so với năm trước. Ngành Y đa khoa tiếp tục dẫn đầu mức trúng tuyển với 24,75 điểm và Y học Công cộng có điểm trúng tuyển thấp nhất là 18,1.

Nhìn chung, tại hầu hết các trường top, lượng thí sinh tuyển sinh với nguyện vọng đã tương đối phủ kín.

Theo TS. Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM, các trường xét tuyển điểm chuẩn cao các năm trước giảm nhiều hơn so với các trường top giữa. Nhiều trường y, dược giảm đến 4 điểm. Có một số bất ngờ là điểm chuẩn một số trường ĐH ngoài công lập cao hơn so với năm ngoái. Chẳng hạn nhóm ngành Tiếng Anh của ĐH Đại Nam có điểm chuẩn là 18, cao hơn 2,5 điểm so với năm 2017. Tương tự, ngành Kinh doanh thương mại của ĐH Văn Lang cũng nâng mức điểm chuẩn lên 20, trong khi năm 2017 là 17 điểm...

Trượt nguyện vọng 1 thí sinh phải làm gì?

Theo quy chế, thí sinh trượt nguyện vọng 1 có thể sẽ tìm được cơ hội ở nguyện vọng thứ 2, 3… sau khi kết thúc đợt 1 tuyển sinh ngày 12/8.

Với thống kê hàng năm, tính về số lượng, sau đợt xét tuyển đầu tiên, có khoảng 70% chỉ tiêu các trường đã được xét. Các trường top trên, các ngành hấp dẫn gần như xét được 100% chỉ tiêu. 30% chỉ tiêu còn lại tập trung ở các trường địa phương, tư thục hoặc các ngành không hấp dẫn. “Đến thời điểm này, các trường ĐH lớn, ngành hấp dẫn chắc chắn không còn chỉ tiêu cho đợt bổ sung. Nhưng vẫn có một số trường không đủ chỉ tiêu, sẽ tiếp tục xét tuyển. Có lẽ không cần chờ đến 12/8, nhiều trường sẽ thông báo xét bổ sung ngay trước đó. Nhưng tình hình rất thuận tiện cho các trường xét tuyển đợt tiếp theo”, ông Nghĩa nhận định.

Còn theo ThS. Hồ Thanh Tình, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, quan trọng không phải các em trúng tuyển trường nào mà là đúng ngành các em mong muốn. Với các em chưa trúng tuyển, cần xem kỹ ngành nào còn thiếu chỉ tiêu để xét vào ngành mình mong muốn.

Ông Tình cũng lưu ý: “Với đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh có thể đăng ký online hoặc trực tiếp. Tuy nhiên, các em cần lưu ý, thời gian, phương thức xét tuyển đợt bổ sung tùy thuộc từng trường và thường rút ngắn, có thể chỉ kéo dài trong 5 ngày... Do vậy, các thí sinh phải cập nhật trang thông tin của trường mình có nguyện vọng, tránh mất đi cơ hội cuối. Đồng thời, đừng để mất phiếu điểm gốc vì các trường không chấp nhận bản photo”.

Đánh giá về tỷ lệ thí sinh ảo trong năm nay, ông Nghĩa cho rằng: “Cần phải chờ sau ngày 12/8 mới biết mức độ ảo năm 2018 thế nào. Nếu năm 2017, tỷ lệ ảo đợt 1 lên đến 30% thì năm 2018 nguy cơ ảo vẫn còn. Nhiều trường cũng có nhiều nguồn tuyển, từ học bạ, từ kỳ thi đánh giá năng lực…, chưa kể số lượng học sinh du học hiện nay rất đông. Chắc chắn tỷ lệ ảo vẫn có nên khả năng rất lớn một số trường top trên vẫn xét tuyển bổ sung”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.