Chính trị

Tuyên thệ thể hiện ý chí, tinh thần, đạo đức

30/03/2016, 12:13

Chúng ta đừng nghĩ tuyên thệ là một chỉ tiêu đánh giá mà tuyên thệ thể hiện ý chí, tinh thần, đạo đức.

dai-bieu-duong-trung-quoc
ĐBQH Dương Trung Quốc trao đổi về sự "khác thường" trong quy trình bầu các chức danh lãnh đạo Nhà nước tại nhiệm kỳ Quốc hội này

Đó là điều lưu ý đầu tiên mà ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đưa ra trong cuộc trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 30/3 về quy trình miễn nhiệm, bầu các chức danh lãnh đạo Nhà nước.

Từ nhiệm trước nhiệm kỳ cũng là sự hy sinh

Sau khi miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, quy trình bầu chọn nhân sự sẽ diễn ra như thế nào, thưa ông?

Trước hết phải nói có sự khác thường trong lần bầu những chức danh nhà nước cao cấp trong nhiệm kỳ Quốc hội này. Thông thường các chức danh này được bầu trong một nhiệm kỳ mới của Quốc hội mới. Lần này, kết quả của Đại hội 12 đã tạo ra tình huống có thể nói là lần đầu tiên 3 chức danh quan trọng nhất (ta hay gọi là trong “tứ trụ") sau Đại hội không tham gia BCH T.Ư và không tham gia Bộ Chính trị.

Để kéo dài tình trạng những chức danh cao cấp ấy không có cương vị trong Đảng thì không phù hợp với thiết chế chính trị của ta. Vì thế lần này chúng ta phải làm một lúc 3 chức danh quan trọng. Đây là tình huống phù hợp với đòi hỏi để làm cho bộ máy sớm đi vào hoạt động một cách có hiệu quả trong công tác đối nội và đối ngoại.

Hơn thế nữa, trong chừng mực nào đó, những người từ nhiệm trước nhiệm kỳ cũng là sự hy sinh. Vì thế thủ tục như đã thông báo có động tác từ nhiệm, rời chức vụ để có cơ sở bầu những người mới. Việc bầu như mọi quy trình khác, bảo đảm sự giám sát của Quốc hội trong việc đánh giá các nhân sự tương xứng với những chức năng được Hiến pháp quy định cũng như những chuẩn mực tiêu chuẩn. 

Vậy các ĐBQH thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình như thế nào trong việc này, thưa ông?

Trước hết phải thực hiện đúng luật, không coi đây là vấn đề hình thức. Chúng ta hoàn toàn có quyền giám sát tính chân thật, tính chính xác của những dữ liệu liên quan đến nhân vật ấy và căn cứ vào tiêu chuẩn, kể cả sự tín nhiệm mà chúng ta cảm nhận được trong xã hội, trong quá trình những vị ấy hoạt động. Tuy nhiên, lần này có thể nói là lần đầu tiên nhiều gương mặt mới được đặt vào vị trí mới, làm cho mọi người hy vọng.

Chúng ta đã trải qua công tác tổng kết, kể cả trách nhiệm cá nhân lẫn tổ chức trong bộ máy nhà nước. Tôi nghĩ rằng để lại nhiều bài học, nhiều di sản, kể cả tích cực lẫn không tích cực, đòi hỏi người kế nhiệm phải gách vác nó. Tôi nghĩ đây chính là cơ hội để các vị đặt vào vị trí mới thể hiện năng lực của mình.  Năng lực ấy có cả yếu tố đổi mới, khác trước.

Tính trách nhiệm cá nhân chưa được thể hiện rõ

Trong báo cáo nhiệm kỳ của Quốc hội, các ĐBQH đã góp ý nhiều hạn chế, tồn tại. Theo ông, nhân sự trong nhiệm kỳ mới cần có sự chuẩn bị như thế nào để tiếp thu bài học và lãnh đạo tốt?

Có 2 yếu tố: cơ chế và con người. Đối với tồn tại cần khắc phục, nếu ta phân tích cho cùng nguyên nhân của nó, thì tôi cho rằng một trong những nguyên nhân căn bản là tính trách nhiệm cá nhân chưa được thể hiện rõ kể cả trong cơ chế và con người. Mong nhiệm kỳ tới sẽ hoàn thiện hơn cơ chế về mặt pháp lý, trách nhiệm cá nhân.

Mỗi vị cán bộ ở cương vị của mình, đặc biệt cương vị cao cấp cần thể hiện trách nhiệm cá nhân. Trách nhiệm ấy thể hiện anh thực hiện hết quyền năng của mình được Luật quy định. Ví dụ yêu cầu cách chức người không xứng đáng. Hiện nay tình trạng luật pháp không đi vào đời sống bởi vì cơ quan hành pháp, thực thi pháp luật không làm hết trách nhiệm của mình, không bị xử lý. Bản thân các vị quan chức cao cấp cũng phải nghĩ đến văn hoá từ chức nếu mình không thực thi được.

Ngay việc hiện nay một số vị từ nhiệm trước nhiệm kỳ, thể hiện văn hoá của mình, tự rời bỏ chức vụ vì trách nhiệm chung. Đó là từ chức, được người dân chia sẻ, tôn vinh.

Ông nghĩ thế nào về vấn đề bỏ phiếu kín để miễn nhiệm và bầu các chức danh lãnh đạo trong nhiệm kỳ này?

Bỏ phiếu lần này chúng ta phải làm nghiêm túc, được giám sát. Chắc chắn là bỏ phiếu kín, làm theo đúng thủ tục, quy trình chúng ta đã làm nhiều lần. 

Tỷ lệ bầu sau đó nên công khai cho mọi người biết, nhắc nhở công việc tiếp theo của các vị trúng cử. Những yếu tố ấy rất quan trọng, làm mọi người nhận thức về mình đầy đủ hơn, biết mình biết người, thể hiện thái độ ý chí của Quốc hội, là tiền đề để các vị ấy hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn.

Dấu ấn đầu tiên từ vị trí Chủ tịch Quốc hội

Đây là lần đầu tiên chúng ta giới thiệu một ứng của viên nữ vào vị trí Chủ tịch Quốc hội. Đây liệu có phải là bước ngoặt?

Đây là dấu ấn đầu tiên, còn là bước ngoặt hay không thì phải để thời gian trả lời. Có thể là tiền lệ tích cực, nhưng tiền lệ này rất đáng mừng. Nhưng tôi lưu ý rằng, nhìn ra thế giới thì có trường hợp nữ làm thủ tướng, Tổng thống, Bộ trưởng bộ Quốc phòng… từ lâu rồi. Vui mừng có yếu tố mới, nhưng đừng coi là gì đó quá đặc biệt.

Ông kỳ vọng thế nào vào lời tuyên thệ của các chức danh lãnh đạo mới sẽ được bầu tới đây?

Về việc tuyên thệ, tôi là một trong những người sớm phát biểu trước Quốc hội. Từ lịch sử xa xưa trong truyền thuyết các vua Hùng cũng đã có tuyên thệ. Gần hơn, trước khi kết thúc Đại hội Tân Trào, Quốc hội đầu tiên, Chính phủ đầu tiên cũng có tuyên thệ. Thế giới đã quá phổ biến thì sao mình không tuyên thệ? Hơn nữa, Đảng viên tuyên thệ được thì sao các quan chức không tuyên thệ được? Lần này đưa quy định tuyên thệ vào Hiến pháp là điều rất đáng mừng. Chúng ta tin rằng, một người đã tuyên thệ thì chắc chắn ý chí thực hiện lời thề của mình cao hơn khi không tuyên thệ.

Nhưng thực tế đã có nhiều lời hứa của các lãnh đạo không thực hiện được?

Chúng ta đừng nghĩ tuyên thệ là một chỉ tiêu đánh giá mà tuyên thệ thể hiện ý chí, tinh thần, đạo đức. Có rất nhiều yếu tố để lời hứa ấy trở thành hiện thực nếu chúng ta chỉ coi đó là những chỉ tiêu phấn đấu. Điều đó tôi nghĩ dân vẫn đủ sáng suốt để nhận ra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.