World Cup 2022

Tuyển Việt Nam cần làm gì để lấy điểm trước Oman?

11/10/2021, 08:00

Đội tuyển Việt Nam cần siết lại hệ thống phòng ngự trước khi nghĩ về việc có điểm trước Oman.

Sau ba trận toàn thua, đội tuyển Việt Nam rất khao khát có điểm trước Oman. Tuy nhiên, nhiệm vụ này chắc chắn không dễ dàng, nhất là khi thày trò HLV Park Hang-seo đang không có tinh thần và thể trạng tốt nhất.

img

Đội tuyển Việt Nam cần chú trọng hơn ở khâu phòng ngự. Ảnh: VFF

Trước tiên cần siết lại khâu phòng ngự

23h ngày 12/10, đội tuyển Việt Nam sẽ bước vào trận đấu thứ 4 tại Vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, gặp đội tuyển Oman. Sau ba trận toàn thua, đội bóng áo đỏ đang rất khao khát giành điểm.

Tuy nhiên, nhiệm vụ này không hề dễ dàng, nhất là khi nhà vô địch AFF Cup 2018 đang bộc lộ nhiều vấn đề, đặc biệt ở khu vực trước khung thành.

Cả ba bàn thua trước Trung Quốc hôm 7/10 đều có lỗi của hệ thống phòng ngự. Thanh Bình là cầu thủ được nhắc tên nhiều nhất khi kém nhạy cảm vị trí, không theo kèm chặt Wu Lei để tiền đạo đang chơi ở La Liga chọc thủng lưới Tấn Trường tới hai lần.

Đàn anh của Thanh Bình tại CLB Viettel - Tiến Dũng cũng mắc lỗi dẫn tới bàn thua đầu tiên khi anh dâng lên quá cao để lộ khoảng trống mênh mông bên cánh trái.

Nhưng nếu chỉ trách hai cái tên này thì không công bằng. Cần phải nhấn mạnh, hệ thống phòng ngự của đội tuyển Việt Nam chơi kém hiệu quả ở cuộc đọ sức với Trung Quốc.

Sơ đồ 5-4-1, biến thể thành 5-3-2 mà tuyển Việt Nam sử dụng luôn có hai cầu thủ chơi hậu vệ biên. Hồng Duy đảm nhận cánh trái nhưng trong ba bàn thua của tuyển Việt Nam, không ai thấy anh bó vào trong bọc lót cho vị trí trung vệ lệch trái.

Hai bàn thắng của Wu Lei diễn ra cùng một kịch bản, bóng được đưa vào từ cánh phải để cầu thủ sáng giá nhất tuyển Trung Quốc chạy chỗ dứt điểm. Đáng chú ý, không tiền vệ nào của chúng ta có động tác áp sát, ngăn cản đối phương tạt bóng.

Tuyến trên đánh chặn không hiệu quả, tuyến dưới mắc sai lầm, đường vào khung thành Tấn Trường trấn giữ bị mở toang. Dưới thời ông Park, chưa khi nào tuyển Việt Nam phòng ngự thụ động và mong manh như thế.

Điều này không quá khó hiểu bởi nhà cầm quân Hàn Quốc đang mất hai hậu vệ cánh ưng ý nhất là Trọng Hoàng và Văn Hậu. Chính bởi vậy, ở trận gặp Oman, phòng ngự chắc chắn là khâu để lại nhiều nỗi lo hơn cả.

Tuyển Oman chắc chắn đã nghiên cứu điểm yếu của đội tuyển Việt Nam để tập trung khai thác. Càng đáng ngại hơn khi Oman rất mạnh ở những tình huống thọc sâu xuống đáy biên rồi trả bóng ngược ra và dứt điểm tuyến hai.

Bên cạnh đó, khả năng pressing ở tốc độ cao của Oman tốt hơn nhiều so với Trung Quốc. Nếu HLV Park Hang-seo không kịp thời điều chỉnh hệ thống phòng ngự, đoàn quân áo đỏ rất khó đứng vững chứ chưa nói tới hi vọng có điểm.

Bình luận viên Ngô Quang Tùng cũng đồng ý với nhận định trên. Theo ông Tùng, sau trận thua Trung Quốc, tinh thần của đội tuyển Việt Nam chắc chắn đi xuống, thể lực cũng giảm sút đáng kể. Bởi vậy, nghĩ về việc giành điểm trên sân Oman sẽ có phần khiên cưỡng.

Có nên mạnh dạn tấn công?

Đội tuyển Oman không được đánh giá quá cao tại bảng B nhưng HLV Ivankovic cùng học trò đã gây bất ngờ khi hạ Nhật Bản 1-0 trong ngày ra quân.

Tiếp đó, họ để thua Ả Rập Xê Út sát nút 0-1 và thua Australia 1-3. Ở cả hai trận này, tuy trắng tay nhưng Oman đều khiến đối thủ gặp nhiều khó khăn. Nói vậy để hình dung, đội bóng Tây Á rất có thực lực.

Ông Park phải siết lại hệ thống phòng ngự, kéo các vị trí lại gần nhau hơn, hạn chế tối đa khoảng trống ở phần sân nhà. Còn việc gây sức ép, tôi cho rằng cần thiết nhưng nên chọn thời điểm phù hợp. Ở nửa cuối hiệp 2 như thói quen của tuyển Việt Nam là gợi ý hay nhưng trước đó nếu xuất hiện cơ hội thì ông Park cũng nên mạnh dạn để học trò bung sức.
BLV Ngô Quang Tùng


Tuy nhiên, Oman cũng tồn tại những điểm yếu nơi hàng thủ. Ba bàn thua mà đội bóng này phải nhận ở trận gặp Australia phần nào cho thấy các hậu vệ Oman tuy thể hình tốt nhưng khả năng xoay xở trong phạm vi hẹp không linh hoạt, thường bị đối phương đưa quả bóng vào kiểu vặn sườn.

Ngoài ra, hàng thủ Oman cũng rất lúng túng khi Australia chơi bóng tầm thấp, chuyền sệt vào khu vực 16m50.

Trong khi đó, tuyển Việt Nam chơi tấn công không hề tệ ở khoảng 30 phút cuối trận thua Trung Quốc.

Sự linh hoạt của Quang Hải, Tiến Linh, Công Phượng, Văn Toàn trở thành chìa khóa giúp thày trò ông Park gây sức ép, đem về hai bàn thắng. Vậy trước Oman, nhà vô địch AFF Cup 2018 có nên mạnh dạn chơi tấn công?

Theo bình luận viên Quang Tùng, đặt vấn đề như vậy ở trận trước thì hợp lý còn trận này, khi tinh thần cầu thủ không được tốt, sức ép đè nặng hơn, chúng ta càng cần chơi chặt chẽ. Đây là yếu tố sống còn bởi dù có ghi được bàn nhưng hàng thủ liên tục mắc lỗi sẽ chẳng nghĩa lý gì.

Trong khi đó, HLV Phan Thanh Hùng nhấn mạnh, điểm mấu chốt không phải là tấn công mà là đội tuyển Việt Nam cần kiểm soát bóng tốt.

“Trước Trung Quốc, tuyến giữa chúng ta cầm bóng hiệu quả khiến đối thủ về cơ bản không gây ra được nhiều sức ép lên khung thành Tấn Trường. Ở trận tới, tuyển Việt Nam cần phát huy điều này, mạnh dạn kiểm soát bóng, phối hợp nhóm. Nếu làm được như vậy sẽ giảm tải phần nào gánh nặng cho hàng thủ. Ngoài ra, kiểm soát bóng tốt cũng đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ có thêm cơ hội tấn công”, ông Hùng phân tích.

Về mặt trận tấn công, ông Hùng cho rằng, ở cả ba trận đấu đã qua, tuy thua nhưng đội tuyển Việt Nam vẫn có những tình huống phối hợp tấn công sắc nét, ghi được bàn thắng.

“Những pha phối hợp nhỏ dựa trên sự ăn ý của các cầu thủ trên hàng công nên được phát huy ở thời điểm phù hợp”, ông Hùng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.