Hồ sơ tài liệu

Tỷ lệ tự sát tăng vọt vì Covid-19 ở Thái Lan

18/10/2021, 07:54

Các chuyên gia lo ngại, tỷ lệ này sẽ còn tiếp tục tăng do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19.

Theo dữ liệu mới nhất từ Cục Sức khoẻ Tâm thần Thái Lan (DMH), tỉ lệ người tử vong vì tự sát tại nước này trong năm 2020 đã tăng lên 727 trường hợp, đánh dấu mức kỷ lục - 10,08 người tự sát trên 100.000 dân.

Các chuyên gia lo ngại, tỷ lệ này sẽ còn tiếp tục tăng do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19.

img

Cần nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan tới tâm thần thay vì xem nhẹ hoặc không dám chia sẻ như hiện nay. Ảnh: iStock/Artfully79

Tác động của Covid-19 với sức khoẻ tâm thần

Hãng thông tấn Channel New Asia dẫn lời Tiến sĩ Amporn Benjaponpithak, Cục trưởng Cục Sức khoẻ Tâm thần Thái Lan cho biết: “Mọi cuộc khủng hoảng đều tác động tới sức khoẻ tâm thần. Những người không thể điều chỉnh tâm lý kịp thời hoặc có hạn chế về sức khoẻ tâm thần sẽ bị ảnh hưởng mạnh. Hậu quả nghiêm trọng và khiến chúng tôi lo lắng nhất chính là tự sát”.

Kết quả khảo sát về sức khoẻ tâm thần do DMH thực hiện với 183.974 thanh niên tại Thái Lan trong thời gian 18 tháng khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành (từ tháng 1/2020 - 30/9/2021) cho thấy, 28% người có mức độ căng thẳng cao, 32% có nguy cơ trầm cảm, 22% có nguy cơ tự sát.

Một khảo sát khác do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thực hiện năm 2020 chỉ ra, sức khoẻ tâm thần của 7 trong 10 trẻ em/thanh niên trở nên yếu hơn vì đời sống bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Hầu hết những người tham gia khảo sát đều lo lắng về thu nhập gia đình, việc học hành, tương lai và nghề nghiệp. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đánh giá, tự sát là nguyên nhân đứng thứ 2 gây ra tử vong cho nhóm người từ 15-29 tuổi.

“Đại dịch Covid-19 ập đến, đột ngột gây ra mất mát về người, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội. Một số người bị mất người thân, số khác thất nghiệp hoặc nợ nần. Mọi việc bất ngờ đảo lộn, nhiều người không thể điều chỉnh để thích ứng với những mất mát lớn như vậy, dẫn đến tổn thương về tâm lý, gây hậu quả nghiêm trọng”, bà Benjaponpithak nói.

Còn theo bà Sriaroon Thanarattikannon, Giám đốc Trung tâm Samaritans of Thailand, ngoài nguyên nhân thất nghiệp, những người phải làm việc tại nhà, không được ra ngoài vì dịch Covid-19 cũng bị ảnh hưởng không kém.

“Khi phải ở nhà cả ngày nhưng mối quan hệ trong gia đình không êm ấm, kéo theo mức độ khó chịu, bực dọc và căng thẳng giữa các thành viên càng cao hơn”, bà Thanarattikannon nói và cho hay, số lượng người tìm đến tư vấn thông qua đường dây hỗ trợ, các nền tảng mạng xã hội đã tăng gấp đôi kể từ khi đại dịch bùng phát. Nếu như trước dịch, tổ chức này chỉ hỗ trợ khoảng 700 người/tháng thì nay, con số là 1.500 người.

Vấn đề tâm thần - tâm lý đang bị xem nhẹ

WHO chỉ ra, nhiều vấn đề về sức khoẻ tinh thần có thể được điều trị hiệu quả, với chi phí tương đối thấp nhưng người cần chăm sóc lại rất khó có thể tiếp cận những người có năng lực đánh giá tình trạng và tư vấn hướng điều trị.

Tình trạng ngày càng nhiều trẻ em, thanh niên tại Thái Lan nói riêng và trên thế giới nói chung bị rối loạn, gặp phải nhiều vấn đề về sức khoẻ tâm thần chỉ là đỉnh của “tảng băng nổi”.
Sức khoẻ tâm thần yếu có thể gây ra những tác động rất lớn cho nhóm đối tượng trẻ/thanh thiếu niên, nhiều hậu quả kéo dài cả đời. Song, vấn đề này không được quan tâm thậm chí xem nhẹ, nhiều người còn che giấu vì xấu hổ, sợ bị kỳ thị.
Đây chính là vấn đề tất cả chúng ta phải cùng giải quyết, ngăn chặn kỳ thị xã hội về các vấn đề liên quan tới sức khoẻ tâm thần, khuyến khích người dân trò chuyện về tình trạng của mình, mở ra nhiều dịch vụ, giúp người cần dễ dàng được hỗ trợ.
Ông Kyungsun Kim, Đại diện UNICEF tại Thái Lan


Tại Thái Lan, DMH đang tổ chức nhiều kênh khác nhau để hỗ trợ sức khoẻ tâm thần cho người dân.

DMH cung cấp đường dây hỗ trợ 24h, trao đổi qua tin nhắn Facebook hoặc ứng dụng tin nhắn Line.

Tổ chức này cũng cung cấp một trang web “Kiểm tra Sức khoẻ Tinh thần” để người dân dễ dàng đánh giá sức khoẻ của mình và người khác.

Người dùng có thể nhận kết quả rất nhanh và được tư vấn để điều chỉnh, nếu cần.

Kể từ tháng 1/2021, đã có hơn 2,4 triệu người tham gia đánh giá qua trang web này.

Kết quả chính thức cho thấy, 240.226 người có nguy cơ trầm cảm; 205.005 người bị căng thẳng quá mức và 132.931 người có nguy cơ tự sát.

Tuy nhiên, hạ tầng và cách thức hỗ trợ này chưa đủ rộng và sâu. Chẳng hạn, Thái Lan có 66 triệu dân nhưng kênh tư vấn qua điện thoại chính của DMH chỉ vận hành 20 đường dây.

Nữ Cục trưởng thừa nhận, nhiều đường dây có thể bận vì bị hạn chế số lượng cuộc gọi, đặc biệt vào tối, đêm.

“Nếu dịch bệnh còn tiếp tục kéo dài, chúng tôi có thể phải đánh giá lại cách hỗ trợ, tăng mức độ tiếp cận cộng đồng để cải thiện sức khoẻ tâm thần của người dân theo nhiều cách khác nhau”, bà Benjaponpithakcho hay.

Ngoài nâng cao hạ tầng, nhân lực và kỹ năng tư vấn, theo bà Benjaponpithak, Thái Lan còn cần nâng cao nhận thức cho người dân để tự bản thân họ phát hiện các dấu hiệu tâm lý căng thẳng, tự xử lý hoặc tìm trợ giúp.

“Rõ ràng, khía cạnh này vẫn rất hạn chế. Hầu hết mọi người không biết làm thế nào để phát hiện người thân, bạn bè của mình đang gặp vấn đề tâm lý hoặc nguy cơ họ tự tử đang ở mức thấp, trung bình, cao hay nghiêm trọng đến mức không thể ở một mình và phải tìm tới bác sĩ”, bà Benjaponpithak nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.