Bóng đá

U23 Việt Nam đá V-League và bài học từ "nỗi cay đắng" của bầu Đức

01/07/2022, 06:30

Ý tưởng U23 Việt Nam đá V-League không hẳn bất khả thi nhưng chưa chắc đã đem lại lợi ích cho các cầu thủ trẻ.

Muốn đá V-League phải được cấp phép

Ngày 29/6, truyền thông trong nước rộ lên thông tin một doanh nghiệp lớn muốn tài trợ cho U23 Việt Nam dự V-League trong vòng 3 mùa giải. Doanh nghiệp này cũng cam kết sẽ tiếp tục tìm kiếm nguồn lực để hỗ trợ đội trong những mùa giải tiếp theo.

img

Chỉ có số ít cầu thủ U23 Việt Nam được ra sân tại V-League

Ý tưởng này xuất phát từ việc đa phần các cầu thủ thuộc lứa U23 Việt Nam hiện nay ít được thi đấu tại V-League do không cạnh tranh được với các đàn anh giàu kinh nghiệm. Dù vậy, nó lập tức gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Đại đa số đều cho rằng khó khả thi bởi các đội tuyển quốc gia và CLB vốn tách bạch về sân chơi. Lực lượng của đội tuyển do CLB cung cấp để thi đấu quốc tế. Nếu U23 Việt Nam gom quân để đá V-League, không dễ để thuyết phục các CLB nhả người.

Đó là chưa kể tới vấn đề pháp lý, một đội bóng muốn thi đấu tại giải bóng đá chuyên nghiệp cần được cấp phép.

“Quy chế bóng đá chuyên nghiệp nêu rõ, CLB muốn dự giải chuyên nghiệp cần đảm bảo đầy đủ hàng loạt tiêu chí để cấp phép như sân bãi, lực lượng, tài chính… Việc cấp phép này do AFC quản lý nên cũng không thể làm qua loa”, ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT VPF - đơn vị điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cho hay.

Trong khi đó, ông Cao Văn Chóng, Phó Chủ tịch VFF cho rằng, ý tưởng trên khó nhưng không hẳn là không thể hiện thực hóa. “Trường hợp doanh nghiệp bằng các mối quan hệ, nguồn lực khác nhau để thành lập được một đội bóng với đầy đủ tiêu chí thì sẽ được cấp phép thi đấu”.

Dù vậy, ông Chóng cũng nhấn mạnh, việc thêm đội thi đấu ảnh hưởng tới kết cấu của hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp, ảnh hưởng tới CLB khác nên khi đó VPF cùng các đội bóng phải làm việc cùng nhau và có sự thống nhất trước khi đề xuất lên VFF để phê duyệt.

Bài học từ lứa “gà vàng” của bầu Đức

img

HAGL từng điêu đứng khi đôn một loạt tài năng trẻ lên chơi tại V-League

Từ góc nhìn khác, cựu HLV Nguyễn Thành Vinh, người từng dẫn dắt nhiều đội bóng tại V-League cho hay, việc doanh nghiệp ủng hộ bóng đá, ủng hộ đội tuyển là điều đáng trân trọng. Tuy nhiên, không phải có tiền là muốn làm gì cũng được, cần có những kế hoạch hết sức cụ thể.

“Việc quản lý một đội bóng, từ sinh hoạt tới tập luyện, thi đấu không phải đơn giản. Nếu U23 Việt Nam dự V-League thì cần làm rõ ai sẽ là cơ quan quản lý họ? Ai chịu trách nhiệm trước pháp luật? Cầu thủ U23 Việt Nam khi đá V-League cũng cần rạch ròi với CLB chủ quản. Nhìn chung ý tưởng là vậy nhưng để thực hiện tôi nghĩ cần nhiều thời gian”.

Xét trên góc độ chuyên môn, BLV Vũ Quang Huy nhận định, việc để một lứa trẻ chơi cùng nhau trong sân chơi chuyên nghiệp có thể phản tác dụng.

“Đấu trường V-League vốn khắc nghiệt, các cầu thủ trẻ nếu chơi với nhau mà không có đàn anh dẫn dắt thì khó trưởng thành, thậm chí có thể kéo lùi về mặt chuyên môn. Trước đây lứa Công Phượng ở HAGL còn hay hơn lứa hiện tại nhưng khi lên V-League thì bầm dập, không thể phát triển”, ông Huy phân tích.

Cũng theo ông Huy, nếu xác định bỏ tiền đầu tư cho bóng đá trẻ, doanh nghiệp nên làm bài bản hơn. “Họ có thể đầu tư để các đội tuyển trẻ được tập huấn ở các nền bóng đá phát triển, được thi đấu nhiều giải quốc tế hay đầu tư cho hệ thống đào tạo trẻ, hệ thống thi đấu bóng đá trẻ. Làm như vậy mới là cách làm bền vững, căn cơ”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.