Pháp luật

Uẩn khúc vụ vợ vỡ nợ, siết nhà, trừ lương chồng

18/11/2016, 05:55
image

Khi vụ việc được đưa ra xét xử sơ thẩm lại lần 2 thì 8 nguyên đơn đều rút đơn khởi kiện.

IMG_6595
Ông Lê Thanh Mai nhiều năm kêu oan nhưng chưa được giải quyết

Trong lúc chờ quyết định giám đốc thẩm bản án thì cơ quan chức năng đã phát mãi ngôi nhà đứng tên ông Mai, trừ lương hưu hàng tháng. Đến khi bản án bị hủy, ông đi khiếu nại thì tòa chối bỏ trách nhiệm.

Vợ vỡ nợ, chồng bị siết nhà

Ông Lê Thanh Mai (71 tuổi, 47 tuổi Đảng, là con trai của Mẹ Việt Nam Anh hùng), ngụ phường Bửu Long, TP Biên Hòa, Đồng Nai, là thương binh hạng 3/4, nguyên cán bộ Sở GTVT Đồng Nai. Từ năm 2005-2007, vợ ông là bà Nguyễn Thị Nầy (SN 1955) có vay mượn của 8 người số tiền khoảng 1,5 tỷ đồng, sau đó bị các chủ nợ đưa đơn kiện đòi tiền. Trong thời gian giải quyết vụ án, bà Nầy thừa nhận có nợ tiền và đồng ý trả. Bà Nầy yêu cầu chồng phải liên đới bồi thường vì số nợ bà vay mượn trong thời kỳ hôn nhân, dùng để phục vụ kinh doanh, sinh hoạt cho cả gia đình.

Trình bày với PV Báo Giao thông, ông Mai trưng ra rất nhiều văn bản, bản án các cấp qua nhiều lần khiếu nại. Ông cho biết, ra tòa, ông bị TAND TP Biên Hòa (năm 2007) và tòa phúc thẩm tỉnh Đồng Nai (năm 2008) áp dụng Điều 25 (Luật Hôn nhân gia đình năm 2001) buộc phải liên đới trách nhiệm về các khoản nợ mà bà Nầy đã vay của 8 người. Theo đó, cả hai cấp đều tuyên kê biên bản đấu giá căn nhà của ông, buộc phải liên đới trách nhiệm trả nợ cùng vợ, khấu trừ 1 triệu đồng/tháng tiền lương hưu. Từ đó đến nay đã 7 năm, ông cùng con cái phải đi ở trọ.

“Tôi và vợ đã ly thân từ năm 2002, tôi sống cùng con gái trong khu tập thể trường Công nhân kỹ thuật GTVT Bửu Long. Thời gian này bà Nầy sống với đứa con gái khác ở nhà khác. Việc bà Nầy trong quá trình kinh doanh có chơi hụi vay nợ chỗ này, chỗ kia tôi hoàn toàn không biết”.

Tại tòa, ông Mai yêu cầu bà Nầy đưa ra bằng chứng chứng minh số tiền vay mượn dùng vào sinh hoạt trong gia đình nhưng bà Nầy không đồng ý, hai cấp tòa cũng bỏ qua tình tiết quan trọng này.

Năm 2009, ông Mai tiếp tục kháng cáo lên TAND Tối cao theo thủ tục giám đốc thẩm. Sau đó, TAND Tối cao đã truy xét lại hồ sơ và các bằng chứng ông cung cấp. Năm 2011, TAND Tối cao ra quyết định giám đốc thẩm hủy tất cả các bản án của hai cấp sơ thẩm, phúc thẩm với nội dung: “Cấp sơ thẩm, phúc thẩm chưa xem xét làm rõ những vấn đề nêu trên mà đã căn cứ vào Điều 25 (Luật Hôn nhân gia đình 2001) để buộc ông Mai phải có trách nhiệm liên đới cùng bà Nầy trả nợ cho 8 nguyên đơn là chưa đủ căn cứ vững chắc”.

Đình chỉ vụ án quên đình chỉ thi hành án

Điều đáng nói là khi vụ việc được đưa ra xét xử sơ thẩm lại lần 2 thì 8 nguyên đơn trong vụ án đều rút đơn khởi kiện, vắng mặt nhiều lần khi tòa triệu tập hợp lệ. Sau đó, TAND TP Biên Hòa ra quyết định đình chỉ vụ án. “Nguyên đơn không kiện nữa, TAND TP Biên Hòa đình chỉ vụ án nhưng tôi chẳng được ai đả động tới chuyện trả lại nhà”, ông Mai bức xúc nói.

Đến ngày 10/7/2014, Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai có văn bản trả lời, trong đó kết luận: “Chưa có cơ sở để cho rằng, ông Lê Thanh Mai không có nghĩa vụ liên đới đến việc trả nợ cùng với bà Nầy cho các chủ nợ. Vì trong thời điểm bà Nầy làm ăn, mua bán kinh doanh rồi nợ tiền của các nguyên đơn là trong thời gian hôn nhân. Bà Nầy làm ăn và nợ nần tiền cũng là nhằm để chăm sóc cho gia đình. Vì vậy, không có căn cứ cho rằng, các thẩm phán bị khiếu nại trong quá trình xét xử vụ án phúc thẩm đã có sai phạm ra quyết định bản án trái luật. Vì vậy, không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu bồi thường của ông Mai”.

Theo ông Mai, kết quả trả lời của Chánh án TAND tỉnh vẫn giống như quan điểm xét xử sơ thẩm, phúc thẩm đã bị quyết định giám đốc thẩm hủy bỏ nên ông tiếp tục khiếu nại. “Đầu tháng 9/2016, sau nhiều lần khiếu nại, Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai đã mời tôi lên cung cấp hồ sơ vụ việc để xem xét lại và có hướng xử lý tiếp theo. Còn giờ thì tôi vẫn phải ở ngôi nhà trọ tồi tàn, bệnh tiểu đường hành hạ và hàng tháng trích tiền hưu trí 1 triệu đồng để thực thi bản án dù vụ án đã được đình chỉ”, ông Mai ngậm ngùi.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Triệu Thành Long (Trưởng văn phòng Luật sư Trấn Biên) cho biết, quyết định của TAND Tối cao hủy cả hai bản án của Tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm vì lý do cả hai cấp chưa làm rõ các tình tiết của vụ án đã cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng chưa làm tròn trách nhiệm của mình. 

Hơn nữa, ông Mai còn là người thuộc đối tượng chính sách, có công với cách mạng, luôn được Nhà nước quan tâm, giúp đỡ về mọi mặt. Do đó, các cơ quan chức năng cần xem xét sự việc thấu tình đạt lý để có hướng bồi thường thiệt hại xử lý dứt điểm vụ việc theo đúng pháp luật.

 Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.