Vận tải

Uber, Grab đóng thuế khác gì taxi truyền thống?

12/10/2017, 09:48

Cơ chế và mức thuế Uber, Grab đang bị áp thế nào, có khác gì taxi truyền thống?

14

Một taxi truyền thống dán biểu ngữ có nội dung liên quan đến thất thoát thuế - Ảnh: Khánh Linh

Uber bị truy thu 67 tỷ đồng tiền thuế

Gần đây, Cục Thuế TP.HCM có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và truy thu với số tiền gần 67 tỷ đồng đối với Công ty TNHH Uber B.V (Hà Lan). Quyết định truy thu thuế được đưa ra sau khi cơ quan này tiến hành thanh tra Công ty Uber B.V từ khi bắt đầu hoạt động tại Việt Nam đến giữa năm 2017. Các hành vi được Cục Thuế TP.HCM xử phạt là kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp, đồng thời truy thu thuế. Trong số thuế bị truy thu, có thuế VAT khấu trừ nộp thay, thuế thu nhập cá nhân khấu trừ nộp thay và thuế thu nhập doanh nghiệp với nhà thầu nước ngoài.

Tuy nhiên, doanh nghiệp lại phản ứng bằng cách khiếu nại lên Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính. Ông Nguyễn Nam Bình, Phó cục trưởng Cục thuế TP.HCM cho hay, sở dĩ Uber còn khiếu nại vì họ chưa đồng tình với việc cơ quan thuế truy thu khoản thuế thu nhập doanh nghiệp với nhà thầu nước ngoài. Nhưng quan điểm của ngành Thuế là buộc Uber phải nộp khoản này tại Việt Nam và hoàn toàn không trái với hiệp định tránh đánh thuế 2 lần. Ngoài ra, Uber phải có trách nhiệm tự tính bổ sung tiền chậm nộp từ 1/9 đến thời điểm thực nộp số tiền thuế truy thu và phạt vào ngân sách Nhà nước. Lý do công ty này đã vi phạm hành chính kê khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp.

Ông Đàm Quý Dân, nguyên chuyên viên Vụ Thanh tra Tổng cục Thuế cho rằng, việc truy thu thuế đối với Uber Hà Lan là hoàn toàn đúng quy định. Nhưng trong trường hợp này phải nêu rõ Uber Hà Lan không bị thu trực tiếp, mà Uber Việt Nam bị thu trực tiếp. Việc Uber Việt Nam muốn bỏ khoản thuế thu nhập doanh nghiệp đối với Uber Hà Làn là không được phép. Đối với doanh nghiệp ở nước ngoài có hai khoản thuế phải đóng: Thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp, nên dù lỗ hay lãi vẫn phải đóng.

“Về việc Uber truy thu và phạt bao gồm cả thuế thu nhập của lái xe cũng không sai. Uber Hà Lan chỉ cung cấp dịch vụ, Uber Việt Nam kinh doanh dịch vụ. Một chiếc xe đem đi kinh doanh, lái xe là chủ xe cũng như một tiểu doanh nghiệp, doanh thu đem lại từ hành khách nên phải chịu đóng thuế. Việc này cũng không vi phạm hiệp định đánh thuế 2 lần”, ông Dân khẳng định.

Trong khi đó, trao đổi với Báo Giao thông, bà Nguyễn Nguyệt, Giám đốc chính sách Công ty Uber Việt Nam cho rằng, Uber không phải là công ty taxi hay doanh nghiệp vận tải, không sở hữu bất kỳ phương tiện vận tải nào, không cung cấp dịch vụ vận tải. Uber là công ty lớn trên toàn cầu và tại quốc gia nào cũng luôn tuân thủ luật pháp của nước sở tại và Uber luôn tuân theo pháp luật Việt Nam. Chúng tôi chấp hành nghĩa vụ thuế theo đúng quy định của Tổng cục Thuế hướng dẫn và nộp thuế đầy đủ.

Doanh nghiệp kêu bất bình đẳng, tổng cục thuế nói không

Đề cập vấn đề thất thu thuế Uber, Grab, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội tính toán: “Với tổng số hơn 50.000 xe, doanh thu 30 triệu đồng/xe/tháng, tổng doanh thu là 1.500 tỷ đồng/tháng. Với mức thuế 4,5%, tổng số thuế phải nộp hàng tháng là trên 67 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ thuế. Uber mới chỉ nộp 10 tỷ đồng vào ngân sách từ khi hoạt động. Trong khi đó, với 20% doanh thu, Uber, Grab được hưởng thì mỗi năm dòng tiền trong nước chảy ra nước ngoài khoảng 3.600 tỷ đồng, nghĩa là mỗi ngày Uber, Grab chuyển ra nước ngoài 10 tỷ đồng”, ông Bình ước tính.

Khẳng định có sự bất bình đẳng trong chính sách thuế giữa taxi truyền thống với Uber và Grab, ông Phạm Minh Sương, Phó tổng giám đốc vận tải, Công ty CP Tập đoàn Mai Linh cho biết, taxi truyền thống đang phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) là 10% và thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%. Trong khi đó, Uber, Grab áp dụng thuế VAT là 3% trên tổng doanh thu.

Phân tích cụ thể, ông Sương cho biết, Uber, Grab hưởng 20% doanh thu. Như vậy, đối tượng này chỉ nộp thuế VAT là 0,6% trên tổng doanh thu chung. Đối với các cá nhân là đối tác trực tiếp của Uber, Grab cũng áp dụng thuế VAT là 3% và 1,5% thuế thu nhập cá nhân trên 80% doanh thu được hưởng. Như vậy, cá nhân chỉ nộp mức thuế giá trị gia tăng là 2,4% và 1,2% thuế thu nhập cá nhân trên tổng doanh thu chung.

“Cách tính thuế trên rất thấp so với mức thuế mà taxi truyền thống đang gánh chịu. Cách tính này không chỉ thiếu công bằng mà còn thất thu thuế. Năm 2016, chỉ riêng các doanh nghiệp taxi TP.HCM đã nộp thuế hơn 1.000 tỷ đồng. Với cách tính trên Nhà nước thất thu bao nhiêu tiền thuế, trong khi số phương tiện Uber, Grab cao hơn nhiều so với taxi truyền thống”, ông Sương nói.

Đánh giá về tình hình nộp thuế của các doanh nghiệp taxi nói chung và Uber, Grab nói riêng, bà Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Thuế TNCN, Tổng cục Thuế khẳng định, chính sách thuế đang bình đẳng đối với các đối tượng kinh doanh vận tải, giống nhau về loại thuế, thuế suất và chỉ khác phương pháp hạch toán, dẫn đến phương pháp nộp thuế khác nhau. Bà Hạnh phân tích: “Doanh nghiệp taxi truyền thống đang phải nộp hai loại thuế đó là thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và nộp thuế theo phương pháp kê khai. Mô hình thứ hai là các công ty như Uber, Grab là doanh nghiệp nước ngoài không có pháp nhân tại Việt Nam, không có sổ sách hạch toán kế toán nên phải đưa ra chính sách thuế phù hợp là ấn định trên doanh thu và loại thuế phải nộp vẫn là thuế giá trị gia tăng với mức 3% và 2% trên doanh thu đối với thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối tượng thứ ba là các cá nhân có xe hợp tác với doanh nghiệp, HTX hoạt động vận tải cũng phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định hiện hành. Các cá nhân này vì không có sổ sách kế toán nên cũng phải nộp thuế theo phương pháp ấn định trên doanh thu với mức 3% thuế VAT và thu nhập cá nhân là 1,5% doanh thu”.

Về quản lý thuế bà Hạnh cho biết, theo quy định tổ chức, cá nhân phải tự khai, tự nộp thuế. Đối với cá nhân là đối tác của Uber, Grab, trước kia phải tự thực hiện nghĩa vụ thuế và phải tự đến cơ quan thuế khai nộp thuế. Sau khi thí điểm, Bộ Tài chính đã yêu cầu doanh nghiệp như Uber, Grab phải thay mặt cá nhân thực hiện khai nộp thuế. Với 50.000 xe tương ứng với từng đó cá nhân phải tự đến cơ quan thuế sẽ mất nhiều thời gian chi phí. Thay vì thế, chỉ có 2 doanh nghiệp đứng ra khấu trừ và nộp thuế cho cá nhân, đây là bước cải cách hành chính, việc nộp thuế được kịp thời, tiết kiệm cho cá nhân, xã hội.

Đề cập đến phương pháp nộp thuế khác nhau của Uber, Grab, bà Hạnh cho biết, Uber B.V Hà Lan có hàng nghìn xe và lái xe nhưng không trực tiếp thực hiện nghĩa vụ thuế mà Công ty Uber Việt Nam kê khai nộp thuế thay, không thành lập pháp nhân tại Việt Nam. Với mô hình này rất khó khăn trong quản lý nhà nước về thuế.

“Từ năm 2014, Uber chưa khấu trừ và nộp thuế thu nhập cá nhân cho lái xe. Khi thúc giục Uber Việt Nam trả lời chỉ thực hiện theo ủy quyền của Uber B.V Hà Lan. Vì vậy, cần xem xét lại mô hình kinh doanh của Uber và công ty này nên thành lập pháp nhân tại Việt Nam, kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế như một doanh nghiệp Việt Nam và nộp thuế theo phương pháp khấu trừ như taxi truyền thống và Grab”, bà Hạnh nói.

Bộ Tài chính khất số liệu về kê khai thuế của Uber, Grab

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2017 của Bộ Tài chính chiều 11/10, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên về việc thu thuế đối với hai đơn vị Uber B.V và Grab. Ông Trí cho cho biết, Bộ Tài chính đã có 3 công văn 11828/BTC-CST ngày 24/8/2016 gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công văn số 3166/BTC-CST ngày 10/3/2017 trả lời Hiệp hội taxi TP HCM, Công văn số 5471/BTC-CST ngày 27/4/2017 trả lời Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

“Trong các văn bản đó, chúng tôi khẳng định, nguyên tắc thuế hiện hành là thống nhất giữa các loại hình doanh nghiệp về thuế suất, chế độ thu thuế. Doanh nghiệp xác định được doanh thu thì kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, còn thu thuế theo tỷ lệ áp dụng nhà thầu nước ngoài khi không đủ điều kiện áp dụng theo phương pháp kê khai”, ông Trí nói. Do đó, đối với trường hợp của Uber, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế khẳng định có thể xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí nên sẽ áp dụng thu thuế theo tỷ lệ. Theo đó, nghĩa vụ thuế của Uber B.V Hà Lan như sau: Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu được hưởng là 3%; Tỷ lệ % để tính thuế TNDN trên doanh thu được hưởng là 2%.

Đối với hoạt động kinh doanh vận tải Grab, Tổng cục Thuế đã ban hành công văn hướng dẫn về chính sách thuế thực hiện thống nhất theo nguyên tắc hợp đồng hợp tác kinh doanh chia sẻ doanh thu như áp dụng đối với Uber. “Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để có cơ sở xác thực, để áp dụng các phương pháp khác”, ông Nguyễn Đại Trí cho biết.

Cơ sở nào để Bộ Tài chính đưa ra tỷ lệ thu thuế đối với Uber là 3% và 2%? Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai lý giải: “Chúng tôi căn cứ theo quy định của pháp luật về thuế Thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng; quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 12 và Điểm a, Khoản 2, Điều 13 Thông tư số 60/2012/TT-BTC ngày 12/4/2012 và Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 6/8/2014 của Bộ Tài chính (hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam)”.

Khi được hỏi về số liệu kê khai để thu thuế đối với Uber B.V, ông Nguyễn Đại Trí đã từ chối đưa ra tại cuộc họp báo. “Cung cấp số liệu kê khai nộp thuế thì tôi không có sẵn ở đây”, ông Nguyễn Đại Trí nói. Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết: “Số liệu Bộ Tài chính giao Tổng cục Thuế cung cấp. Tất cả vấn đề này không có gì bí mật. Tất nhiên có số liệu liên quan đến bí mật kinh doanh của doanh nghiệp theo luật quản lý thuế phải tuân thủ đảm bảo bí mật cho người nộp thuế. Những nội dung thông tin có thể cung cấp hay đã công bố chúng tôi sẽ cung cấp trong thời gian nhanh nhất, giao cho Tổng cục Thuế cung cấp cho cơ quan báo chí”.

Cao Sơn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.