Ứng dụng

Uber trước nguy cơ bị đánh bật khỏi Ấn Độ

11/03/2015, 09:04

Giới chức Ấn Độ đang siết chặt các quy định pháp lý đối với hoạt động của ứng dụng gọi taxi Uber.

Biểu tình phản đối Uber ở Ấn Độ
Biểu tình phản đối Uber ở Ấn Độ

 Hồ sơ của Uber có thể bị từ chối 

Cuối tháng 2/2015, Sở Giao thông New Delhi (Ấn Độ)  tuyên bố họ đang chuẩn bị kế hoạch đề nghị các nhà cung cấp dịch vụ Internet trong nước chặn địa chỉ IP của Uber tại Ấn Độ trên cả mạng có dây và không dây nếu công ty này không hoàn thiện thủ tục hồ sơ liên quan đến ứng dụng cung cấp dịch vụ taxi của họ.

Như vậy, người dùng Internet sẽ không thể truy cập vào ứng dụng Uber trên máy tính, điện thoại di động. Tuy nhiên, ngay sau thông báo này, Uber đã nhanh chóng bổ sung các tài liệu cần thiết theo yêu cầu từ phía nhà quản lý. Toàn bộ hồ sơ hiện vẫn đang được xem xét và chưa có thông tin cụ thể về việc liệu Uber có tiếp tục được phép hoạt động ở Ấn Độ hay không.

Uber bị cấm ở Delhi vào tháng 12/2014 sau khi xảy ra vụ việc một lái xe của Uber hiếp dâm khách nữ. Tháng 1/2015, Uber đã đệ đơn xin cấp phép hoạt động trở lại và áp dụng thêm ứng dụng radio taxi, tuy nhiên vẫn chưa được chấp thuận. 

Trước đó, Sở Giao thông New Delhi tuyên bố cho Uber một cơ hội cuối cùng đệ trình tất cả những giấy tờ bổ sung một cách chi tiết, để hoàn thiện thủ tục xin cấp phép; trong đó phải có cả giấy tờ chứng minh họ có văn phòng đại diện và trung tâm nhận cuộc gọi của khách hàng ở trong thành phố. Một quan chức giấu tên cho biết, hồ sơ của Uber có thể bị từ chối nếu công ty không nộp giấy tờ bổ sung đúng hạn. 

Người phát ngôn của Uber cho biết, công ty đang đánh giá một cách toàn diện những giấy tờ thiếu hụt trong bộ hồ sơ và cố gắng hoàn thiện trong thời gian chính quyền yêu cầu. Đồng thời từ chối cung cấp thêm thông tin cụ thể. 

Sở Giao thông New Delhi cũng ra quy định yêu cầu tất cả các công ty cung cấp ứng dụng gọi taxi thông qua điện thoại thông minh phải cài đặt thêm nút báo khẩn cấp và thiết bị theo dõi hành trình trên những chiếc xe tham gia dịch vụ của họ.

Về phần Uber, một mặt siết chặt quy trình tuyển dụng lái xe, phổ biến các biện pháp an toàn dành riêng cho khách hàng ở Ấn Độ, mặt khác, họ cũng thêm vào ứng dụng Uber một nút báo nguy hiểm để khách hàng có thể sử dụng khi gặp vấn đề rắc rối và chức năng cho phép người đi xe chia sẻ hành trình của mình. 

Nhiều biện pháp an ninh có đảm bảo an toàn? 

Đại diện Uber cho biết, họ đã hợp tác cùng Safetipin - một ứng dụng trên điện thoại thông minh cho phép đánh giá mức độ an toàn của các khu phố và cung cấp thông tin cho chính quyền địa phương. Mối quan hệ hợp tác được bắt đầu vào giữa tháng 2/2015 và sẽ kéo dài trong năm tháng. 

Theo đó, nhân viên của Safetipin sẽ đi khắp New Delhi thu thập dữ liệu về tất cả các khu vực. Họ sẽ gắn điện thoại thông minh có chức năng chụp ảnh trên ô tô, thu thập hình ảnh đường phố, điều kiện hạ tầng, xác định tầm nhìn, ánh sáng, lối đi bộ, đám đông tụ tập và thậm chí cả giới tính của người đi lại trên phố.

Sau đó, Uber và Safetipin sẽ gửi dữ liệu này cho chính quyền thành phố và những cơ quan chịu trách nhiệm quy hoạch đô thị để đề xuất những cải tiến cần thiết như lắp thêm đèn đường… Bên cạnh đó, thông qua Safetipin, khách hàng cũng có được thông tin cụ thể về nơi họ định đến khi gọi xe.

Đối với phụ nữ, sau khi biết các điều kiện về tình trạng an toàn của nơi đến, có thể quyết định có đi hay không. Hình thức này mới được áp dụng tại New Delhi nhưng các thành phố khác như Bogota (Colombia), Nairobi (Kenya) cũng sẽ sớm triển khai. 

Tuy nhiên, sự kết hợp giữa Uber và Safetipin lập tức bị nhiều người nghi ngờ chỉ là một chiêu giải quyết khủng hoảng sau vụ hiếp dâm. Bởi trên thực tế, rõ ràng là do thất bại trong việc đảm bảo an toàn cho hành khách trước khi xảy ra vụ việc hiếp dâm, Uber mới phải thực hiện những kế hoạch họ đang triển khai. 

Bắt đầu từ tháng 4/2015, tại Singapore, các lái xe tư nhân sử dụng dịch vụ Uber sẽ đứng trước nguy cơ bị phạt tù 3-6 tháng và khoản tiền 3 nghìn SGD (hơn 46 triệu VND). Lái xe cũng có thể bị treo bằng lái một năm, bị tịch thu hoặc tiêu hủy xe. Theo ông Josephine Teo, Bộ trưởng Giao thông Singapore, những ứng dụng kiểu như Uber về cơ bản không giúp tăng nguồn cung taxi và vẫn chưa có quy định pháp lý cho các ứng dụng gọi taxi của bên thứ ba. Vì vậy, các quy định nói trên bảo vệ lợi ích khách hàng.

Hàng nghìn taxi đã dàn hàng tại trung tâm Thủ đô Brussels (Bỉ) biểu tình phản đối kế hoạch cải cách ngành taxi mà khả năng có thể hợp pháp hóa loại dịch vụ như công ty cung cấp phần mềm gọi taxi Uber đang cung cấp, theo Reuters. Trước đó, Bộ trưởng Giao thông Bỉ Pascal Smet phác thảo kế hoạch cải cách hệ thống taxi, dự kiến có hiệu lực đầu năm 2016, trong đó có một số điều kiện hợp pháp hóa Uber, như: Giá vé cố định cho hành trình ngắn, hành trình tới sân bay cho tất cả taxi và Uber buộc phải tuân thủ.

Trong khi đó, các tài xế taxi truyền thống khắp châu Âu chỉ trích Uber phá vỡ quy định taxi địa phương, vi phạm quy định về giấy phép hoạt động, bảo hiểm, quy định về an toàn…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.