Thế giới giao thông

Uber vẫn sống khỏe nhờ chuyển hướng kinh doanh trong đại dịch

14/05/2020, 07:35

Uber và các công ty cung cấp phần mềm gọi xe đang thực hiện những hướng đi mới để vượt qua những tác động nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19.

img
Uber đánh mạnh vào mảng giao nhận bữa ăn và đầu tư vào ứng dụng chia sẻ xe đạp Lime để tăng lợi nhuận, đối phó với những thách thức từ đại dịch Covid-19

Ngành dịch vụ cung cấp phần mềm gọi xe nói chung và Uber nói riêng đều đang thực hiện những hướng đi mới để vượt qua những tác động nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19 như tăng thị phần mảng giao hàng, đầu tư dịch vụ cho thuê xe đạp...

Thua lỗ gấp 3

Trong một thông báo, Giám đốc điều hành Uber Dara Khosrowshahi cho biết, những dữ liệu về hoạt động kinh doanh của Uber vào tháng 4 đã cho thấy những tác động rất lớn từ đại dịch Covid-19 với công ty này. “Tôi xin nói thẳng rằng, đại dịch Covid-19 đã có ảnh hưởng rất tiêu cực tới hoạt động kinh doanh chia sẻ xe của Uber, trong đó doanh số toàn cầu đã giảm khoảng 80% trong tháng 4”, CEO Khosrowshahi cho biết.

Con số này cho thấy, mức thua lỗ ròng trong quý đầu năm đã tăng gấp 3 so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 2,9 tỉ USD (trong đó có 2,1 tỉ USD là do giá trị chứng khoán của Uber sụt giảm).

Tình hình của Uber là ví dụ điển hình cho thực trạng chung trên thị trường cung cấp phần mềm gọi xe tại Mỹ. Ngoài Uber, đối thủ nặng ký Lyft cũng báo cáo thua lỗ 398 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Song, nhận định về những khó khăn mà các hãng gọi xe đang phải đối mặt, nhiều chuyên gia như ông Dan Ives, nhà phân tích tại Wedbush cho rằng: “Trên hết, những kết quả này không quá đáng ngại dù rõ ràng dịch Covid-19 đã thổi bay tăng trưởng ngành gọi xe”.

Dù tổng lượng đặt dịch vụ trong phân khúc gọi xe đã giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng nhờ phân khúc giao nhận thực phẩm Eats, lợi nhuận chung của Uber vẫn tăng lên 3,5 tỉ USD, nhích 14% so với năm 2019, cao hơn một chút so với dự báo từ các chuyên gia Phố Wall.

Hiện tại, bên cạnh những con số thống kê thua lỗ, công ty đặt trụ sở tại San Francisco cũng đã nhận thấy một số dấu hiệu phục hồi, chẳng hạn lượng đặt chuyến bắt đầu nhích dần, đã tăng 8% so với 3 tháng đầu năm nay.

Trong khi đó, dịch vụ giao hàng Eats lại chứng kiến lợi nhuận tăng hơn 53% do ngày càng nhiều người phải hạn chế đi ăn nhà hàng để tránh lây nhiễm virus.

Uber xoay xở thế nào?

Đến thời điểm này, “Uber khẳng định nắm trong tay lượng tiền mặt đủ để có thể đưa công ty chống đỡ trước đại dịch Covid-19”, Giám đốc Tài chính Uber Nelson Chai cho biết. Song, về lâu dài, khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, hãng cung cấp phần mềm gọi xe của Mỹ vẫn đi tiên phong và đang tiếp tục hành động để củng cố sức mạnh và tập trung hơn.

Hiện tại, Uber đang xúc tiến một số kế hoạch bao gồm cho nghỉ việc khoảng 14% nhân lực, tương đương 3.700 nhân viên. CEO Dara Khosrowshahi cũng tuyên bố không nhận lương cơ bản trong thời gian còn lại của năm 2020 như một nỗ lực chung tay cùng công ty vượt qua khó khăn.

Trong tương lai, theo CEO Khosrowshahi, công ty còn phải thực hiện thêm một số thay đổi khác. “Chúng tôi đang xem xét các kịch bản khác nhau cũng đánh giá tất cả chi phí của công ty, bao gồm cả chi phí cố định và không cố định”, ông viết trong thư điện tử gửi tới nhân viên.

Bên cạnh những động thái thắt lưng buộc bụng, Uber cũng chuyển hướng đầu tư để đón đầu những cơ hội mới nổi lên sau đại dịch, trong đó có xu hướng đi xe đạp, đi bộ để hạn chế dùng phương tiện công cộng.

Đầu tháng 5 này, công ty Mỹ tuyên bố đầu tư 170 triệu USD vào dịch vụ cho thuê xe đạp Lime theo kế hoạch sát nhập hoạt động kinh doanh xe scooter và xe đạp điện Jump vào dịch vụ Lime.

Mối quan hệ này sẽ cho phép Uber có thể rảnh rang tập trung phát triển dịch vụ giao nhận và gọi chuyến cốt lõi, trong khi Lime - hiện đang vận hành ở khoảng 20 quốc gia - sẽ quản lý dịch vụ cho thuê xe máy điện và xe đạp điện, bao gồm cả dàn xe Uber Jump.

Tương tự như Uber, để sống sót qua đại dịch, đối thủ của hãng này tại Mỹ là Lyft cũng phải thực hiện chiến lược cắt giảm khoảng 300 triệu USD chi phí hoạt động cố định tính đến cuối năm nay, trong đó giảm khoảng 5.000 nhân viên (tương đương 17% tổng nhân sự của hãng).

Ngoài ra, Lyft cũng tiếp tục chương trình thử nghiệm “Giao hàng Thiết yếu” vừa ra mắt vào ngày 15/4 vừa qua. Không giống như Uber khai thác xu hướng giao nhận thực phẩm, chương trình mới của Lyft cho phép các cơ quan chính phủ, các tổ chức phi lợi nhuận địa phương, doanh nghiệp, tổ chức y tế đặt hàng theo yêu cầu không chỉ các bữa ăn, hàng hoá mà còn sản phẩm vệ sinh, nhu yếu phẩm phục vụ gia đình và thiết bị y tế cần thiết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.