Thời sự Quốc tế

Vì sao Tổng thống Nga ký sắc lệnh coi nhà máy Zaporizhzhia là tài sản Nga?

Ngày 5/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh đề nghị Chính phủ kiểm soát nhà máy năng lượng hạt nhân Zaporizhzhia.

"Chính phủ Nga sẽ thực hiện biện pháp thiết lập quyền sở hữu liên bang đối với nhà máy năng lượng hạt nhân Zaporozhye và các cơ sở khác cần thiết cho việc vận hành nhà máy", theo nội dung sắc lệnh.

Liên quan tới động thái này, cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin cho biết: “Vì nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia đang nằm trên lãnh thổ Liên bang Nga nên cần được vận hành dưới sự giám sát của các cơ quan liên quan của Nga”. Nhà máy Zaporizhzhia nằm ở khu vực Zaporizhzhia, một trong 4 khu vực ở miền đông và miền nam Ukraine mà Nga vừa tuyên bố sáp nhập.

Nhà vận hành năng lượng hạt nhân Rosenergoatom của Nga thông báo sẽ đánh giá biện pháp sửa chữa hư hại tại nhà máy và chuyển toàn bộ nhân viên Ukraine hiện làm việc tại cơ sở này sang một tổ chức mới của Nga.

Tổ chức mới được xây dựng nhằm đảm bảo vận hành an toàn nhà máy năng lượng hạt nhân và hoạt động chuyên nghiệp của các nhân viên đang làm việc tại nhà máy.

img

Nhà máy năng lượng hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh - Reuters

Đáp lại động thái trên từ phía Nga, trên Twitter, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, kêu gọi áp lệnh trừng phạt với nhà cung cấp năng lượng hạt nhân quốc doanh của Nga - Rosatom (công ty mẹ của Rosenergoatom).

Ông Podolyak cũng yêu cầu phía Ukraine tạm ngừng toàn bộ hoạt động xây dựng tại các cơ sở hạt nhân có sự tham gia của Rosatom, đề nghị từ chối hợp tác về năng lượng hạt nhân với Nga.

Trong khi đó, người đứng đầu công ty năng lượng hạt nhân quốc doanh của Ukraine - ông Petro Kotin cho biết ông đang nắm quyền quản lý nhà máy Zaporizhzhia và đề nghị nhân viên tại nhà máy không ký bất cứ giấy tờ nào với phía Nga. Ông Kotin khẳng định nhà máy sẽ tiếp tục hoạt động theo luật pháp Ukraine, trong hệ thống năng lượng Ukraine, dưới sự quản lý của công ty vận hành Energoatom.

Các lực lượng Nga giành quyền kiểm soát nhà máy vào tháng 3, không lâu sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, nhưng nhân viên Ukraine vẫn tiếp tục vận hành nhà máy.

Thời gian qua, nhiều vụ pháo kích xảy ra tại khu vực xung quanh nhà máy Zaporizhzhia khiến cộng đồng quốc tế quan ngại về khả năng xảy ra thảm họa hạt nhân. Kiev và Moscow cáo buộc lẫn nhau thực hiện các vụ pháo kích này.

Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi hiện đang ở Ukraine để bàn bạc về việc thiết lập vùng an toàn, bảo vệ an ninh xung quanh nhà máy Zaporizhzhia. Ông Grossi cũng sẽ đến Moscow trong tuần này để thảo luận về vấn đề liên quan tới nhà máy Zaporizhzhia. Tháng trước, ông Grossi đã dẫn đầu nhóm thanh sát viên của IAEA tới kiểm tra hư hại tại nhà máy Zaporizhzhia sau các cuộc pháo kích.

Trước khi chiến sự xảy ra tại Ukraine, nhà máy Zaporizhzhia sản xuất khoảng 1/5 tổng sản lượng điện của Ukraine và chiếm 1/2 lượng điện sản xuất từ các cơ sở hạt nhân của quốc gia này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.