Hồ sơ tài liệu

Ukraine tiếp tục bế tắc sau đàm phán

19/05/2014, 06:30

Cuối tuần qua, hội nghị bàn tròn giữa Chính phủ tạm quyền Ukraine cùng với đại diện các khu vực và các doanh nhân đã thông qua bản ghi nhớ về giải quyết khủng hoảng trong bối cảnh căng thẳng tại miền Đông.

Đại diện chính quyền tự xưng tổ chức họp báo tại TP Donetsk, miền Đông Ukraine công bố dự thảo yêu cầu được tiếp nhận vào Nga
Đại diện chính quyền tự xưng tổ chức họp báo tại TP Donetsk, miền Đông Ukraine công bố dự thảo yêu cầu được tiếp nhận vào Nga


Bất đồng giữa các bên


Đại diện các khu vực miền Đông Ukraine tham gia hội nghị đã đề nghị Quốc hội xem xét và thông qua sớm “Ghi nhớ chung về hòa bình và hòa giải”, theo đó Quốc hội Ukraine phải đảm bảo tiến hành cải cách hiến pháp chuyển đất nước sang thể chế nghị viện - tổng thống, quy định quy chế phi liên minh quân sự, chỉ tham gia các liên minh kinh tế và chính trị quốc tế theo kết quả trưng cầu ý dân, cải cách các cơ quan bảo vệ pháp luật và ân xá cho người biểu tình. 
 

Thủ lĩnh phong trào cực đoan Cánh hữu, ứng cử viên Tổng thống Ukraine - Dmitry Jaros, đã tuyên bố thành lập tiểu đoàn Donbass-2 để tiến hành cuộc chiến tranh du kích quy mô lớn ở miền Đông Ukraine. Ông Jaros cho biết, tại miền Đông Ukraine đã thành lập tiểu đoàn đặc biệt Donbass-1 trong đó có các chiến binh Cánh hữu và bắt đầu thành lập tiểu đoàn đặc biệt thứ hai. Các đơn vị tự nguyện, đang được thành lập ở Donbass, sẽ tiến hành một cuộc chiến tranh du kích quy mô lớn tại miền Đông Ukraine.

Người đứng đầu hội đồng, ông Luhansk - Valery Golenko khẳng định các bên vẫn còn có thể “cứu được đất nước Ukraine”. “Chúng ta phải chấm dứt các chiến dịch chống khủng bố, chấm dứt các hành động quân sự nhằm vào chính người dân Ukraine và đây chính là điều kiện đầu tiên để các nhà lãnh đạo biểu tình ngồi vào bàn đàm phán, ông Golenko nói. 

Trong khi đó, Thủ tướng tạm quyền Ukraine - Arseni Yasseniuk cho rằng, các ý kiến đưa ra như trên mang tính “đơn cực” và không thể gọi là một cuộc thảo luận đúng nghĩa. Nhiệm vụ chính hiện nay là phải thông qua một dự thảo hiến pháp mới. Ông Yasseniuk khẳng định: “Những nhóm vũ trang nổi dậy không muốn hòa bình cho Ukraine. Chúng tôi sẽ không tham gia đàm phán với những kẻ khủng bố”.


Với việc Chính phủ Ukraine từ chối đối thoại với những người biểu tình ủng hộ liên bang hóa tại phía Đông, đang cho thấy cuộc đối thoại tiếp vào ngày 21/5 tới đây có thể sẽ không đạt được như mong muốn của chính quyền Kiev.

Mỹ cảnh báo trừng phạt Nga 


Cùng ngày diễn ra cuộc đối thoại nói trên, Cơ quan báo chí Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk thông báo đã hoàn tất dự thảo chính thức yêu cầu Bộ Ngoại giao Nga tiếp nhận vào thành phần Liên bang Nga, song không thông báo ngày gửi cụ thể. Thủ tướng của Donetsk - Oleksander Borodai cho rằng, nếu Donetsk có quan hệ chặt chẽ với Nga về mặt kinh tế thì nền kinh tế của Donetsk sẽ được phát triển. Trước đó mấy ngày, Donetsk đã đệ đơn yêu cầu Moscow cân nhắc việc sáp nhập vùng này vào Nga, sau khi đại đa số người dân bỏ phiếu ủng hộ quyền tự chủ của khu vực.


Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga cũng ra tuyên bố khẳng định tôn trọng nguyện vọng của người dân ở Donetsk và Luhansk. Nga cũng khẳng định rằng, kết quả cuộc trưng cầu ý dân đặt thêm sức ép cho Chính phủ Kiev công nhận các lãnh đạo phía Đông là một bên hợp pháp trong các cuộc đối thoại. 


Về cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 25/5 tới, Moscow đặt câu hỏi liệu cuộc bầu cử có được tiến hành một cách dân chủ hay không khi mà giao tranh ở miền Đông nước này vẫn tiếp diễn. Đại diện Bộ Ngoại giao nói: “Liệu tiến hành bầu cử trong cảnh bom đạn có đáp ứng được các tiêu chuẩn dân chủ của tiến trình bầu cử hay không?” và hối thúc giới chức Kiev “lập tức chấm dứt các chiến dịch quân sự”.


Còn ông Borodai tuyên bố “sẽ không có cuộc bầu cử tổng thống nào trên lãnh thổ Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk” và “lãnh đạo Donetsk sẽ không đàm phán với Chính phủ tạm quyền khi quân đội Kiev vẫn hiện diện trên lãnh thổ Donetsk.


Về phần mình, Mỹ cảnh báo Nga rằng nước này có thể sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt trực tiếp nhằm vào kinh tế nếu Moscow có các hành động cản trở cuộc bầu cử Tổng thống ở Ukraine vào ngày 25/5 tới. Tân Tổng thống sau bầu cử bất thường ngày 25/5 ở Ukraine sẽ có nhiệm kỳ 5 năm.

Quang Minh

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.