Hồ sơ tài liệu

Ukraine và cách mạng nhung ở các nước Đông Âu

22/03/2014, 11:56

Sự biến Ukraine kéo các nước liên quan vào một cuộc đối đầu căng thẳng, làm người ta nhớ lại những diễn biến tương tự cách đây hơn 20 năm...

Sự biến Ukraine kéo các nước liên quan vào một cuộc đối đầu căng thẳng, làm người ta nhớ lại những diễn biến tương tự cách đây hơn 20 năm, trong vài tháng cuối năm 1989, dẫn đến thay đổi chế độ chính trị ở các nước XHCN Đông Âu. Kịch cũ được diễn lại, song vẫn chứa đựng những bài học không bao giờ cũ.

Kỳ 1: Trận cuồng phong Hungary

Cuồng phong nổ ra bắt đầu từ Hungary.

Ngày 7/10/1989, Đại hội Đảng Công nhân XHCN Hungary quyết định tự giải tán và thành lập Đảng Xã hội Hungary “không cộng sản’. Ngày 18/10, một cuộc biểu tình rất lớn được tổ chức tại quảng trường Cộng hòa. Chính phủ tuyên bố chấm dứt thể chế chính trị “cộng hòa XHCN” và tuyên bố thành lập “nước cộng hòa Hungary”.

Tháng 6/1989, Ba Lan tiến hành bầu cử Quốc hội. Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan bị mất rất nhiều phiếu bầu, trong khi gần như toàn bộ ứng cử viên của Công đoàn Đoàn kết đều trúng cử. Lần đầu tiên kể từ năm 1948, một người không phải cộng sản lãnh đạo một chính phủ ở Đông Âu. Cuối tháng 1/1990, Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan chấm dứt hoạt động, Quốc hội Ba Lan tuyên bố đổi tên nước thành Cộng hòa Ba Lan.

Ngày 27/06/1989, trước ống kính truyền hình và truyền thông quốc tế, Horn đã cùng người đồng nhiệm, Ngoại trưởng Áo Alois Mock dùng chiếc kìm cộng lực dỡ bỏ “Bức màn sắt” phân cách Đông - Tây trong hơn bốn thập niên thời Chiến tranh lạnh. 
Ngày 27/06/1989, trước ống kính truyền hình và truyền thông quốc tế, Ngoại trưởng Hungary Gyula Horn đã cùng người đồng nhiệm, Ngoại trưởng Áo Alois Mock dùng chiếc kìm cộng lực dỡ bỏ “Bức màn sắt” phân cách Đông - Tây trong hơn bốn thập niên thời Chiến tranh lạnh. 

Ngày 16/12/1989, người dân thành phố Timisoara xuống đường biểu tình phản đối nhà cầm quyền Rumani bắt giam một mục sư Tin lành người gốc Hungary. Cuộc biểu tình bị đàn áp dữ dội, nhiều người chết và bị thương. Làn sóng biểu tình nhanh chóng lan sang các thành phố khác, kể cả thủ đô Bucarest. Ngày 22/12, Mặt trận cứu nguy Rumani do những người nổi dậy thành lập, tuyên bố lật đổ cái mà họ gọi là “chế độ độc tài gia đình trị” Ceausescu và thiết lập một nước Rumani mới “dân chủ, tự do và phẩm giá”. Ngày 25/12, vợ chồng Nicolae và Elena Ceausescu bị xử tử. Ngày 29/12/1989, Hội đồng Mặt trận cứu nguy công bố quyết định Rumani theo thể chế cộng hòa.

Tại Tiệp Khắc, ngày 17/11/1989, cuộc biểu tình của sinh viên tưởng niệm những nạn nhân bị bọn quốc xã sát hại 50 năm trước đó đã biến thành cuộc tuần hành chống chính phủ, dẫn đến xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát. Các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra sau đó với yêu sách lật đổ chế độ và dẫn đến thành lập “Diễn đàn nhân dân” do “Nhóm 77” của Havel làm nòng cốt. Mười ngày sau, diễn ra cuộc tổng đình công chính trị với sự tham gia của hàng triệu người. Quốc hội Tiệp Khắc tuyên bố xóa bỏ Điều 4 của Hiến pháp xác định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Ngày 10/12, Chủ tịch Gustav Husak bổ nhiệm chính phủ phi cộng sản đầu tiên ở Tiệp Khắc từ năm 1948, và từ chức. Ngày 28/12, Alexander Dubcek (lãnh tụ trong “Sự kiện mùa xuân 1968”) được bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Ngày 29/1/1990, Vaclav Havel được bầu làm Tổng thống; đổi tên nước là Cộng hòa Tiệp Khắc. Tháng 4/1990 là Cộng hòa Liên bang Séc và Slovakia, trên cơ sở đó sau này tách thành hai nhà nước độc lập, Séc và Slovakia.

Một nhà báo Tiệp Khắc là người đầu tiên đã sử dụng từ “cách mạng nhung” để chỉ sự kiện vừa diễn ra ở nước ông.

img

Trong tháng 11/ 1989, các cuộc biểu tình về các vấn đề sinh thái được tổ chức tại Thủ đô Sofia của Bungari đã nhanh chóng chuyển sang các yêu sách về cải cách chính trị. Ngày 10/11/1989, Tổng Bí thư Todor Zhivkov (nắm quyền từ năm 1954) từ chức. Người thay thế ông là Petar Mladenov dưới áp lực của các cuộc biểu tình đường phố đã tuyên bố xóa bỏ Điều 1 trong Hiến pháp quy định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Bungari. Trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 5/1990, phái đối lập giành đa số phiếu đứng ra thành lập chính phủ mới.

Tại CHDC Đức, từ tháng 10/1989, hàng ngàn người rời bỏ đất nước chạy sang Tây Đức. Nhiều cuộc biểu tình rầm rộ diễn ra ở Berlin và nhiều thành phố khác, đòi cải cách chính trị và xã hội, đòi chính phủ công nhận các nhóm đối lập… Ngày 18/10, Erich Honecker từ chức Tổng bí thư Đảng XHCN Thống nhất Đức. Ngày 7/11, Hội đồng Bộ trưởng từ chức. Ngày 8/11, toàn bộ Bộ Chính trị xin từ chức. Ngày 9/11, nhà cầm quyền tuyên bố bỏ ngỏ bức tường Berlin. Tháng 3/1990, trong cuộc bầu cử trước thời hạn, Đảng Xã hội Thống nhất Đức (đã đổi tên thành Đảng của CNXH dân chủ) mất quyền lãnh đạo, trở thành phe đối lập thiểu số. Ngày 3/10/1990, CHDC Đức sáp nhập vào CHLB Đức, kết thúc 41 năm tồn tại.

Chỉ trong vòng vài tháng, trận cuồng phong dữ dội đã cuốn đi mọi thành quả trong gần nửa thế kỷ của những người cộng sản. Và mọi chuyện bắt đầu từ nước Mỹ hơn 40 năm về trước.

Còn tiếp

Nguyên Phong

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.