Hồ sơ tài liệu

Ukraine và cách mạng nhung ở các nước Đông Âu (kỳ 2)

23/03/2014, 08:31

Tháng 3/1947, Tổng thống Mỹ Truman công bố chiến lược an ninh quốc gia "Ngăn chặn" nhằm làm suy yếu, làm mục ruỗng đi tới làm tan rã trong nội bộ Liên Xô và các nước XHCN.

Sự biến Ukraine, kéo các nước liên quan vào một cuộc đối đầu căng thẳng, làm người ta nhớ lại những diễn biến tương tự cách đây hơn 20 năm, trong  vài tháng cuối năm 1989, dẫn đến thay đổi chế độ chính trị ở các nước XHCN Đông Âu. Kịch cũ được diễn lại, song vẫn chứa đựng những bài học không bao giờ cũ.

Kỳ 2:  Từ “Ngăn chặn” đến “vượt trên ngăn chặn”

Mọi chuyện bắt đầu từ nước Mỹ.

Ngay từ khi phe XHCN mới hình thành, chủ nghĩa đế quốc đứng đầu là Mỹ đã tìm mọi cách ngăn chặn và tiến tới xóa bỏ CNXH mà Liên Xô là lá cờ đầu, nhằm bảo toàn CNTB và giữ cho Mỹ vai trò lãnh đạo thế giới. Tháng 3/1947, Tổng thống Mỹ Truman công bố chiến lược an ninh quốc gia “Ngăn chặn”, một trong những nội dung và mục tiêu chủ yếu là tạo ra và kích động mâu thuẫn đối kháng từ bên trong, từ đó làm suy yếu, làm mục ruỗng đi tới làm tan rã trong nội bộ Liên Xô và các nước XHCN. Chiến lược “Ngăn chặn”, được triển khai trên tất cả các mặt, đặc biệt là lĩnh vực quân sự và kinh tế.

Tổng thống Mỹ Truman đang ký kết thành lập Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)
Tổng thống Mỹ Truman đang ký kết thành lập Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại phòng bầu dục trước sự chứng kiến của các quốc gia thành viên.

Trong lĩnh vực quân sự, đó là sự ra đời của Khối quân sự NATO, các chiến lược quân sự như “Trả đũa ồ ạt” (1950-1960), “Phản ứng linh hoạt” (1961-1968), “Răn đe” (1969-1975)…. Trong lĩnh vực kinh tế, đó là việc thành lập “Ủy ban phối hợp kiểm soát xuất xuất khẩu chiến lược sang các nước cộng sản” nhằm bao vây cấm vận các nước XHCN. Ủy ban này được xem là một “NATO kinh tế” trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

Đến nửa sau những năm 1980, Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu gặp nhiều khó khăn lớn, mắc phải những sai lầm nghiêm trọng trong quá trình cải cách-cải tổ và rơi vào khủng hoảng toàn diện. Lợi dụng tình hình đó, năm 1988, Chính quyền Tổng thống Bush (cha) đã điều chỉnh chiến lược, đưa ra một chiến lược mới trên cơ sở kế thừa chiến lược “Ngăn chặn”, nhưng tàn bạo và thâm độc hơn, được gọi là chiến lược “Vượt trên ngăn chặn”, nhằm mở cuộc phản kích mới, quyết định vào các nước XHCN. Mục tiêu là đẩy lùi tiến tới xóa bỏ CNXH, xóa bỏ các nước XHCN, kể cả Liên Xô; giành thắng lợi cho CNTB trong thập kỷ 1990.

Triển khai chiến lược này, Mỹ đã thực hiện các thủ đoạn diễn biến hòa bình thông qua quan hệ kinh tế, vấn đề cải cách xã hội ở các nước XHCN để tác động, làm chuyển hóa. Hứa hẹn viện trợ kinh tế được dùng làm một thứ vũ khí rất lợi hại để lái các nước theo quỹ đạo mà phương Tây mong muốn. Ngoài ra, như Tổng thống Mỹ Nixon viết trong cuốn “Chiến thắng không cần chiến tranh”, mặt trận tư tưởng là mặt trận quyết định nhất. “Toàn bộ vũ khí của chúng ta, các hiệp định mậu dịch, viện trợ kinh tế sẽ không đi đến đâu nếu chúng ta thất bại trên mặt trận tư tưởng. Chiến lược của Mỹ trước sau như một là đưa bất ổn vào bên trong “bức màn sắt”.

Mỹ và phương Tây đã lợi dụng một số vấn đề nhức nhối, nhạy cảm ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu như vấn đề tôn giáo, vấn đề dân tộc, tham nhũng… để chống phá. Họ đã lợi dụng nguồn gốc hữu khuynh trong đảng cầm quyền để chuyển hóa trong nội bộ đảng, xóa bỏ chế độ XHCN thông qua con đường hợp hiến như ở Ba Lan, Hungary; lợi dụng chủ nghĩa dân tộc để kích động quần chúng biểu tình chống đối, kết hợp làm chuyển hóa nội bộ đảng cầm quyền để xóa bỏ chế độ XHCN như ở CHDC Đức và Tiệp Khắc; lợi dụng sai lầm của chính quyền để kết hợp diễn biến hòa bình với bạo loạn lật đổ ở Rumani; tìm cách chuyển hóa dần từ bên trong và bên trên như đối với Liên Xô… Trong đó, họ đã đặc biệt chú trọng sử dụng các nhân vật bất đồng chính kiến làm ngọn cờ, như Vaclav Havel ở Tiệp Khắc, Shakharov ở Liên Xô, Lech Walensa ở Ba Lan, Petr Roman ở Rumani…

Kết quả là Liên Xô tan rã, một loạt nước XHCN ở Đông Âu chuyển sang TBCN, thế giới hai cực bị đổ vỡ và Mỹ trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới.

Thế nhưng, mọi chuyện hẳn không tồi tệ đến thế nếu như Liên Xô và các nước đồng minh biết cách bảo vệ mình.

Nguyên Phong

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.