Hồ sơ tài liệu

Ukraine và cách mạng nhung ở các nước Đông Âu (Kỳ 3)

24/03/2014, 11:17

Nhiều bài học đau xót được rút ra cho các quốc gia dân tộc trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước, bảo vệ độc lập chủ quyền, xây dựng một xã hội thực sự dân chủ, văn minh...

Sự kiện các lực lượng đối lập được phương Tây kích động, ủng hộ và hỗ trợ gây nên cuộc chính biến lật đổ chính quyền hợp hiến ở Ukraine, kéo các nước liên quan vào một cuộc đối đầu căng thẳng, làm người ta nhớ lại những diễn biến tương tự cách đây hơn 20 năm, trong  vài tháng cuối năm 1989, dẫn đến thay đổi chế độ chính trị ở các nước XHCN Đông Âu. Kịch cũ được diễn lại, song vẫn chứa đựng những bài học không bao giờ cũ.

Kỳ 3: “Tiên trách kỷ…”, bài học không xưa

Thật đáng buồn là cũng như Liên Xô, các nước XHCN Đông Âu đã không biết cách bảo vệ mình.

Mô hình CNXH mà các nước Đông Âu theo đuổi đã có vai trò nhất định trong một thời kỳ đặc biệt trước đó, nhưng ngày càng bộc lộ sự thiếu tôn trọng đầy đủ các quy luật phát triển khách quan về phát triển kinh tế - xã hội, chủ quan duy ý chí, thực hiện cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp thay cho cơ chế thị trường làm cho nền kinh tế thiếu năng động và mềm dẻo trong phát triển. Cơ chế đó cũng dẫn tới tình trạng thụ động xã hội, thiếu dân chủ và công bằng, vi phạm nghiêm trọng pháp chế XHCN…

Lãnh đạo các nước đã đánh giá quá thấp CNTB; chủ quan nóng vội, đốt cháy giai đoạn trong việc hoạch định các bước đi của tiến trình xây dựng CNXH, không thấy hết tính chất lâu dài, quanh co, phức tạp của thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH.

Hàng ngàn người dân tập hợp lại ngay sau khi bức tường Berlin sụp đổ.
Hàng ngàn người dân tập hợp lại ngay sau khi bức tường Berlin sụp đổ.

Tuy các nước có tiến hành một số thay đổi, cải cách nhằm khắc phục các khuyết điểm, sai lầm, nhưng do các nhà lãnh đạo lại phạm phải những sai lầm nghiêm trọng nhiều mặt – nhất là rời bỏ những nguyên lí đúng đắn của chủ nghía Mác – Lênin, từ bỏ những mục tiêu XHCN, từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nên kết quả đưa lại không đạt như mong muốn. Những năm cuối thập niên 1980, thu nhập quốc dân chỉ tăng 0,5%, ở Ba Lan và Hungary thậm chí giảm. Năm 1987, nợ nước ngoài các nước Đông Âu lên đến 128,6 tỉ USD. Đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, người dân giảm sút lòng tin, nỗi bất bình tăng lên, nhiều nước xảy ra các cuộc bãi công, đình công của công nhân (sớm nhất là ở Ba Lan và Rumani). Khủng hoảng càng thêm trầm trọng rối loạn tới mức không còn kiểm soát được tình hình.

Một bộ phận trong giới lãnh đạo các nước bị tha hóa về phẩm chất chính trị, xa rời lí tưởng cộng sản để đi theo CNTB hoặc CNXH “dân chủ” và biến chất về đạo đức cách mạng, đã làm cho tình hình thêm phức tạp.

Vì đã trải qua nhiều năm dưới chế độ TBCN nên lực lượng chống CNXH ở các nước Đông Âu còn rất mạnh. Những công chức, sĩ quan, binh lính của chế độ cũ, những tên tư sản, địa chủ bóc lột, các lực lượng tôn giáo phản động… cấu kết với nhau, được phương Tây khuyến khích, giúp đỡ, chỉ chờ thời cơ là nổi dậy chống phá quyết liệt từ bên trong. Trong khi đó, sự thờ ơ, chính sách “không can thiệp” của lãnh đạo Liên Xô do Gorbachov cầm đầu, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thế lực phản cách mạng tha hồ làm mưa làm gió.

Sự lệch lạc về hệ tư tưởng của những người lãnh đạo đảng và sự thiếu hiểu biết về hệ tư tưởng XHCN của nhân dân; sự thiếu dân chủ trong xã hội và trong đảng; tình trạng quan liêu trong đảng, tham nhũng và sự xa lánh nhân dân của lãnh đạo đảng; một số sai lầm trong chính sách kinh tế của đảng cộng sản cầm quyền; và sự phá hoại tinh vi của chủ nghĩa đế quốc… là những nguyên nhân làm sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu. Đây là tổn thất chưa từng có trong lịch sử phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và của CNXH trên thế giới.

Từ những đổ vỡ ấy, nhiều bài học đau xót được rút ra cho các quốc gia dân tộc trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước, bảo vệ độc lập chủ quyền, xây dựng một xã hội thực sự dân chủ, văn minh, vì con người, phù hợp với hoàn cảnh và truyền thống văn hóa của quốc gia dân tộc mình.

Nguyên Phong

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.