Đô thị

Ùn tắc ở Hà Nội giảm nhiệt nhờ đâu?

10/02/2023, 10:08

Những điểm nóng ùn tắc tại Hà Nội đang dần giảm nhiệt sau hơn nửa năm tổ chức lại giao thông…

“Dễ thở” hơn trong giờ cao điểm

Khác với những ngày đầu điều chỉnh khi phương tiện đi lại lộn xộn, giao thông tại các nút giao nhiều thời điểm như “ong vỡ tổ”, đến nay, sau khoảng 7 tháng (từ ngày 18/6/2022), hàng chục “điểm đen” ùn tắc trên địa bàn Thủ đô đã dần được cải thiện.

img

Trên đường Nguyễn Trãi các phương tiện dần di chuyển theo làn thay vì di chuyển hỗn hợp so với trước

Có mặt tại ngã tư Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh trong giờ cao điểm sáng 6/2, ghi nhận của PV Báo Giao thông cho thấy, phương tiện vẫn ken đặc mặt đường nhưng không có cảnh “chôn chân” tại chỗ như trước.

Trong khi chờ các dự án giao thông lớn để “xóa” ùn tắc, tới đây Sở GTVT Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát kỹ trên hàng loạt các tuyến đường điều chỉnh, tổ chức lại cho phù hợp.
Cùng với tối ưu hóa việc tổ chức hạ tầng giao thông, Sở GTVT cũng đang chuẩn bị mua phần mềm mô phỏng hoạt động giao thông, phần mềm đo đếm lưu lượng phương tiện làm công cụ phân tích một cách trực quan, giúp cho công tác tổ chức giao thông hiệu quả hơn.

Ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội


Lúc 7h45, hàng nghìn phương tiện từ đường Vũ Trọng Khánh rẽ trái qua đường Tố Hữu được thông thoát, không còn cảnh xung đột giữa hai luồng phương tiện gây ùn tắc kéo dài.

Chị Vũ Phương Trà, người dân thường xuyên di chuyển trên tuyến đường cho biết: “Trước đây, tôi thường xuyên phải xếp hàng trên đường Vũ Trọng Khánh do ngã ba Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh quá tải, tổ chức giao thông gây xung đột giữa các luồng qua lại dẫn đến ùn tắc. Để qua được khu vực này giờ cao điểm thường mất 20 - 25 phút. Mấy tháng trở lại đây, không còn cảnh hai dòng phương tiện lớn đấu đầu nhau, mạnh ai người đó đi như trước”.

Trước đó, Sở GTVT Hà Nội điều chỉnh dòng phương tiện di chuyển từ hướng trung tâm TP về trên đường Tố Hữu muốn rẽ vào phố Vũ Trọng Khánh (thay vì rẽ tại ngã ba Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh) phải đi thêm 50m đối với xe máy, 100m với ô tô sau đó di chuyển qua điểm quay đầu.

Cũng như chị Trà, suốt mấy tháng nay, việc đi lại của anh Nguyễn Văn Phương (Hoàng Mai) qua ngã tư Trường Chinh - Láng không còn gặp ùn tắc kéo dài như trước đó.

“Từ nhà tới cơ quan mấy tháng trước ngày nào tôi cũng phải dự phòng 30 - 40 phút đi sớm do sợ tắc đường đoạn từ Trường Chinh đi Láng. Đến nay, dù phương tiện di chuyển vẫn đông, phải đi chậm nhưng không tắc cứng”, anh Phương cho hay.

Cách đấy không xa, trên tuyến đường Nguyễn Trãi được tổ chức lại giao thông theo hướng tách riêng làn ô tô, xe máy cũng biến chuyển hơn.

“Những ngày đầu phân làn riêng, hàng loạt phương tiện ô tô, xe máy vẫn lưu thông theo kiểu hỗn hợp. Đến nay, tại đây đa phần ô tô đã di chuyển trong làn lưu thông của mình. Xe máy cũng dần có thói quen đi trong làn được được phép”, một cán bộ Đội CSGT số 7 chia sẻ.

Trong sáng 8/2, đứng từ cầu bộ hành khu vực gần Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn nhìn xuống tuyến đường Nguyễn Trãi, PV ghi nhận những làn ô tô, xe máy đã có sự tách biệt riêng.

Tuy vậy, do lưu lượng phương tiện qua đây quá lớn, một số xe máy vẫn len lỏi vào làn của ô tô hoặc di chuyển trên vỉa hè.

Cùng với các điểm trên, hàng loạt nút giao “nóng” khác như: Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh - Trần Duy Hưng; Hoàng Minh Giám - Hoàng Ngân - Nguyễn Thị Thập cũng được tổ chức lại theo hướng làm giảm xung đột giữa các luồng phương tiện ở “điểm đen” ùn tắc.

Tổ chức giao thông hợp lý, ùn tắc giảm

img

Dòng phương tiện khổng lồ từ đường Vũ Trọng Khánh nhập sang đường Tố Hữu thuận lợi hơn, bớt xung đột sau tổ chức lại

Đánh giá các điểm tổ chức lại giao thông trên địa bàn, lãnh đạo Đội CSGT số 7, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, việc tổ chức lại giao thông tại ngã ba Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh đã giúp cả hai tuyến đường giảm được ùn tắc.

“Trước đây, cứ giờ cao điểm sáng - chiều, chúng tôi rất vất vả bởi lượng phương tiện qua trục đường đông đúc, cả rừng phương tiện lưu thông, ùn tắc kinh hoàng. Hồi đó liên ngành còn họp đề xuất xây cầu vượt, nhưng đến nay, nhờ giải pháp tổ chức lại giao thông phù hợp đã giúp tình hình giao thông ổn định. Trên tuyến đường Nguyễn Trãi người dân cũng đang dần quen với việc lưu thông theo làn”, vị này cho hay.

Đối với việc xử lý vi phạm phương tiện không chấp hành theo phương án tổ chức hiện tại, lãnh đạo Đội CSGT số 7 khẳng định, hàng ngày đều duy trì tổ công tác, chốt trực xử lý.

Ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, các điểm tổ chức lại giao thông đến nay đều đang phát huy hiệu quả, giúp cải thiện hơn so với trước. Hàng ngày, các phòng ban chuyên môn của Sở đều đi thực tế theo dõi để điều chỉnh, hoàn thiện theo hướng phù hợp với lưu thông của người dân.

“Vừa qua, tôi đã cùng với các cán bộ chuyên môn đi thực tế quan sát, theo dõi các điểm này nhiều lần để có những điều chỉnh. Đơn cử, đối với khu vực gầm cầu vượt Ngã Tư Sở, chúng tôi đã khảo sát xây dựng phương án xén mở rộng điểm quay đầu gầm cầu Ngã Tư Sở (phía bên đường Nguyễn Trãi) để tăng cường khả năng lưu thoát cho các phương tiện, thu ngắn các ụ phân luồng, chống các phương tiện đi ngược chiều từ Láng đi Nguyễn Trãi”, ông Bảo nói.

Nhìn nhận về công tác giải quyết ùn tắc của Hà Nội thời gian qua, chuyên gia giao thông, PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Thủy đánh giá: “Chục năm trở lại đây, chưa khi nào tôi thấy Hà Nội thông tin tổ chức lại giao thông trên nhiều tuyến đường như thời điểm hiện nay.

Có thể do trạng thái giao thông hiện tại trên các tuyến đường đều đang ùn tắc, chờ các dự án giao thông sẽ còn rất dài, không thể nay mai. Trong số hàng loạt các giải pháp, lựa chọn phương án tổ chức lại giao thông vừa nhanh, vừa phù hợp với thực tế nhất”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.