Xã hội

Ùn ùn người vào cách ly, tránh lây nhiễm chéo thế nào?

25/03/2020, 06:34

Việc tránh lây nhiễm chéo dịch trong chính khu cách ly là vấn đề được nhiều người rất quan tâm.

img
Người thân tiếp tế nhu yếu phẩm cho người bị cách ly ở Ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM sáng 24/3. Ảnh: Vĩnh Phú

Để phòng dịch Covid-19, Việt Nam hiện đang cách ly gần 52.800 người, trong đó có hơn 22.400 người cách ly tập trung tại bệnh viện và các cơ sở khác. Việc tránh lây nhiễm chéo dịch trong chính khu cách ly là vấn đề được nhiều người rất quan tâm.

Kiểm soát chặt tại khu cách ly

Sáng 24/3, tại khu A của Ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM, hàng trăm người dân tay xách nách mang các nhu yếu phẩm như: Mì gói, bánh, quạt, thuốc bổ… đến để tiếp tế cho người thân đang cách ly phòng Covid-19. Trước tình trạng trên, Ban quản lý Ký túc xá đã phải ra khuyến cáo người dân không tiếp tế nhu yếu phẩm cho người thân, bởi việc tụ tập đông người có thể gây lây nhiễm chéo và rất mất công sức cho cán bộ túc trực ở đây.

Ghi nhận tại khu Ký túc xá cho thấy, không gian sinh hoạt cộng đồng rộng rãi, trong phòng mỗi giường cách nhau hơn 2m, mọi người được khuyến cáo không tiếp xúc gần với nhau.

“Khi chúng em nhận phòng rất ngạc nhiên phòng nào cũng được lau chùi dọn dẹp sạch sẽ và được sát khuẩn… Khu vệ sinh đã có sẵn đồ dùng như chậu, xà phòng giặt, xà bông, cọ, chổi…. tất cả mọi người trong phòng cùng xác định như một gia đình và cùng nhau dọn dẹp sạch sẽ hơn nữa. Cảm giác ở đây rất thoải mái”, một nữ du học sinh đang cách ly nói và cho hay, bữa ăn được cung cấp đủ chất và đúng giờ.

Tương tự, tại khu cách ly resort Phương Nam (huyện Cần Giờ), toàn bộ lực lượng chức năng đã tiến hành khử khuẩn, nhân viên y tế mặc trang phục bảo hộ chống lây nhiễm, đảm bảo việc cách ly hiệu quả. Mỗi phòng đều có điều hòa, ti vi, tủ lạnh.

Một người cách ly chia sẻ, ngoài tiêu chuẩn được phục vụ, nếu có nhu cầu thêm sẽ báo khách sạn và phải tự trả chi phí. “Trong 7 ngày đầu tiên sẽ có người hỗ trợ thay ga, dọn dẹp vệ sinh trong phòng. Sau đó, khi người cách ly nếu sức khỏe tốt sẽ tự vệ sinh ga giường. Hết thời hạn cách ly toàn bộ chăn, ga sẽ đi xử lý hoặc mang đi tiêu huỷ”, người này cho hay.

Tại Trung tâm cách ly quận 2, nơi đang có 40 trường hợp cách ly đến từ nhiều nước khác nhau, có 16 người đang được theo dõi dịch tễ, còn lại là F1. Bác sỹ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2 cho biết, để hạn chế lây nhiễm chéo ngay từ đầu, phải kiểm soát người vào cách ly.

Các phòng nam, nữ đều tách riêng, phòng nào cũng có camera theo dõi bệnh nhân, loa phát thanh tuyên truyền nhắc nhở người cách ly không tụ tập ngồi nói chuyện, trường hợp trao đổi bắt buộc phải ngồi cách xa khoảng cách trên 2m và đeo khẩu trang.

“Để đảm bảo cách ly an toàn, khu cách ly được sắp xếp theo quy trình một chiều. Đầu tiên là khu vực đệm, các bệnh nhân nghi ngờ sẽ được nằm cách ly tại đây và sẽ được theo dõi, xét nghiệm. Trường hợp bệnh nhân bị nhiễm sẽ phải chuyển ngay vào khu đặc biệt, trong đó phòng áp lực âm.

Tất cả dụng cụ khám cho bệnh nhân đều được dùng riêng, để tại chỗ ngay phòng bệnh nhân. Nhân viên y tế phải khử khuẩn theo đúng quy trình tại phòng đệm khử khuẩn trước khi ra khỏi khu cách ly, không có bất cứ vật gì từ khu cách ly được đem ra ngoài”, ông Khanh cho hay.

Có thể nhiễm chéo nếu cách ly không đúng quy định

Thời điểm hiện tại, có thể đảm bảo đủ sinh phẩm, đáp ứng công tác xét nghiệm. Tuy nhiên, để đáp ứng trong tình hình dịch bệnh với diễn biến mới, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế nhanh chóng có các phương án mua, sử dụng các loại test xét nghiệm kịp thời hơn; khẩn trương triển khai xét nghiệm nhanh tại các khu cách ly, tại cộng đồng để sàng lọc người nhiễm Covid-19, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm…

PGS. TS. Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng dịch khẩn cấp thuộc Bộ Y tế


Trở về Việt Nam khi dịch Covid-19 bắt đầu có dấu hiệu bùng phát tại Thụy Điển, anh T.H đặt chuyến bay sớm nhất có thể transit tại Thái Lan để về sân bay Nội Bài (Hà Nội). Ngay khi xuống sân bay anh cùng nhiều người trên chuyến bay đều được lấy mẫu xét nghiệm. Theo hướng dẫn của cơ quan chức năng tại Hà Nội, ngay khi xuống sân bay, anh H. được đưa về cách ly tại doanh trại quân đội ở Sơn Tây.

Theo chia sẻ của anh T.H, phòng lưu trú cũng khá rộng rãi, thoáng và được kê đủ giường tầng cho 16 người ở. Sau 1 tuần, kết quả ban đầu được thông báo âm tính khiến anh H. khá an tâm.

Tuy nhiên, vừa qua tại phòng anh có 4 người có dấu hiệu sốt nhẹ, được đưa đi làm xét nghiệm, trong đó có 1 người dương tính với Covid-19, khiến anh H. khá lo lắng: “Rất có thể, những người cùng phòng lây nhiễm từ người mới được xét nghiệm dương tính đó”.

Lo lắng của anh H. cũng là nỗi niềm lo lắng của của không ít người trở về từ các nước đang được cách ly tập trung, nhất là trong điều kiện hiện nay khi con số cách ly tập trung vượt quá 22 nghìn người.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS. TS. Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng dịch khẩn cấp thuộc Bộ Y tế cho biết: “Lây nhiễm trong khu cách ly có thể xảy ra nếu tại các khu cách ly khi không thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Về cách ly, Bộ đã có hướng dẫn thực hiện rất chi tiết. Tuy nhiên, hiện nay việc cách ly người trở về từ các vùng dịch, từ nước ngoài được Chính phủ giao cho các địa phương, Bộ Quốc phòng đảm trách, ngành Y tế hỗ trợ về chuyên môn”.

Cũng theo ông Phu, nếu việc thực hiện cách ly được làm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế thì việc dự phòng lây nhiễm cũng sẽ được đảm bảo. Cụ thể, để tránh lây nhiễm tại các điểm cách ly có quy định cụ thể như việc lựa chọn địa điểm cách ly tốt nhất là khu vực biệt lập, cuối hướng gió, dễ quan sát, dễ tiếp cận; Xa các khu vực chức năng và khu dân cư xung quanh…

Cơ sở cách ly phải đảm bảo cơ sở vật chất thiết yếu cho nhu cầu sinh hoạt của người được cách ly; Cung cấp suất ăn riêng cho từng người; Giám sát chặt chẽ việc thực hiện cách ly và tiến hành cưỡng chế cách ly y tế nếu người được cách ly không tuân thủ yêu cầu…

“Phía người được cách ly cũng cần nghiêm túc chấp hành việc cách ly y tế theo quy định, theo nội quy của cơ sở cách ly và cam kết thực hiện các biện pháp cách ly y tế. Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác. Không khạc nhổ bừa bãi; đo nhiệt độ cơ thể ít nhất 2 lần (sáng, chiều) một ngày và tự theo dõi sức khoẻ hàng ngày, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người khác trong phân khu cách ly...”, ông Phu nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.