Vận tải

Ứng dụng “bến xe điện tử” để khách bỏ thói quen bắt xe dù

13/01/2023, 14:00

Chất lượng dịch vụ tại các bến xe thấp là một trong những nguyên nhân khiến nhà xe bỏ bến, nảy sinh tình trạng xe dù, bến cóc.

Việc ứng dụng công nghệ được kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề này.

“Bến chỉ biết mỗi việc thu tiền ra/vào”

img

Hành khách chờ mua vé xe tại BX Nước Ngầm (Hà Nội) trong dịp nghỉ Tết Dương lịch 2023. Ảnh: Tạ Hải

Anh Nguyễn Mạnh Hà (Tây Hồ, Hà Nội), người thường xuyên đi công tác bằng xe khách kể, một lần anh gọi điện đặt vé xe giường nằm đi Lào Cai, nhà xe yêu cầu đến quầy vé trong bến Mỹ Đình lấy vé và trả tiền trước một ngày để giữ chỗ.

“Tôi đi xe máy đến, sau một hồi tìm kiếm phòng vé của nhà xe mới nhận được vé. Trong khi đó, với nhiều hãng xe có bến cóc trong nội thành, chỉ cần trả tiền trước khi lên xe 30 phút. Họ còn có xe trung chuyển đón khách tận nhà. Như vậy chẳng ai dại gì vào bến mua vé nữa”, anh Hà chia sẻ.

Câu chuyện của anh Hà cũng chính là thực tế đang diễn ra với nhiều xe khách hoạt động tuyến cố định, khi các xe dần bỏ bến ra ngoài, chạy vòng vo khiến vấn nạn xe dù, bến cóc diễn ra nhức nhối.

Điều này khiến bến xe giảm đáng kể số lượng xe vào bến, lượng khách đến bến chỉ còn khoảng 20 - 50% so với trước, nhiều bến nguy cơ phá sản.

Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, Giám đốc Công ty CP ô tô Điện Biên, mặc dù hiện nay nhiều bến xe đã ứng dụng công nghệ trong quản lý, song phần lớn còn tình trạng lộn xộn, nhếch nhác.

Bên cạnh đó, việc bán vé còn nhiều bất cập, nơi chờ xe không thuận lợi, thiếu hướng dẫn hành khách… khiến đa số người dân có tâm lý ngại đến bến xe.

“Nhiều bến xe chỉ làm mỗi nhiệm vụ đóng lệnh và thu tiền ra vào bến của doanh nghiệp vận tải. Nếu doanh nghiệp vận tải không được hưởng lợi gì từ bến mà vẫn phải mất tiền, họ sẽ bỏ bến”, ông Mạnh nói.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN nhìn nhận, ngoài việc thu tiền ra vào bến, bến xe gần như không có vai trò trong quy trình vận tải.

Việc áp dụng các biện pháp chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ của bến xe chậm triển khai dẫn đến hoạt động không hiệu quả, khách vào bến ít.

“Đa số các doanh nghiệp không được hưởng lợi gì từ bến, người dân không biết được chất lượng của nhà xe mình cần đi.

Một phần nguyên nhân trong bến không có khách làm cho doanh nghiệp bỏ bến ra ngoài hoạt động, mở văn phòng đại diện, làm nảy sinh tình trạng xe dù, bến cóc”, ông Quyền nói.

Ngồi nhà mua vé xe, không cần vào bến

Nhìn nhận dưới góc độ công nghệ, ông Phan Bá Mạnh, Giám đốc Công ty CP Công nghệ An Vui cho rằng, bến xe chưa thể hiện được vai trò của mình để giữ nhà xe ở lại bến.

cạnh đó, việc người dân không có thông tin về chất lượng phương tiện mình di chuyển cũng thể hiện bến xe không có trách nhiệm với hành khách.

Theo ông Mạnh, mỗi bến xe cần trở thành “bến xe điện tử” trên không gian mạng. Thay vì phải ra bến xếp hàng mua vé, người dân ngồi ở bất kỳ đâu, chỉ cần lên website của bến, lựa chọn nhà xe và mua vé là xong. Nói cách khác, bến xe sẽ là người kéo khách về cho nhà xe thông qua bến xe điện tử.

Khi áp dụng mô hình này, chính bến xe cũng sẽ là đơn vị đánh giá chất lượng dịch vụ của nhà xe qua hình thức xếp sao cho doanh nghiệp.

Xe muốn vào bến phải có chất lượng, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu, từ đó người dân cũng biết được chất lượng dịch vụ của nhà xe mình bỏ tiền ra mua vé.

“Bến xe sẽ là nơi đánh giá chất lượng xe và đưa ra thông tin để hành khách lựa chọn phương tiện, lộ trình, giá vé. Khi doanh nghiệp vận tải tìm được khách tại bến họ sẽ không ra ngoài hoạt động. Người dân thuận tiện trong quá trình di chuyển sẽ đến bến nhiều hơn”, ông Mạnh nói.

Là bến xe đã áp dụng hiệu quả mô hình này, ông Nguyễn Minh Tiến, Phó tổng giám đốc Công ty CP Bến xe Miền Tây cho biết, đã có hơn 130 nhà xe thực hiện bán vé điện tử trên phần mềm “bến xe điện tử”.

Hành khách chỉ cần điền thông tin đầy đủ điểm đi, điểm đến và lựa chọn nhà xe, thời gian xuất bến. Sau hơn 1 phút, hành khách có tấm vé điện tử cùng mã QR Code. Đây là bước cải tiến rất lớn trong điều hành quản lý của bến xe.

Tại Bến xe Mỹ Đình, ông Lý Trường Sơn, giám đốc bến cho biết, hoạt động của bến hiện nay vẫn còn thủ công, do thói quen của hành khách và có nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ hoạt động.

Theo ông Sơn, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bến xe là cần thiết. Tuy nhiên, để triển khai thì cần phải đầu tư chi phí và được các doanh nghiệp vận tải áp dụng, hành khách mong muốn sử dụng.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết, bến xe điện tử là mô hình tốt cần áp dụng đối với vận tải khách tuyến cố định. Đối với tuyến cố định, nhà xe có thể ủy quyền cho bến xe bán vé, hành khách được xác nhận đặt chỗ. Việc bán vé tuyến cố định ứng dụng công nghệ sẽ tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp và hành khách.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.