Quản lý

Ứng dụng cơ sở dữ liệu lớn để quy hoạch giao thông

16/01/2019, 15:38

Sử dụng cơ sở dữ liệu lớn trên điện thoại di động giúp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong quy hoạch GTVT.

img
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, công nghệ sử dụng cơ sở dữ liệu trên điện thoại di động (Mobile Big Data) sẽ rất hữu ích trong công tác quản lý, quy hoạch GTVT

Hôm nay (16/1), tại Hà Nội, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) tổ chức Hội thảo ASEAN - Nhật Bản về ứng dụng cơ sở dữ liệu lớn trên điện thoại di động (Mobile Big Data) trong công tác quy hoạch giao thông.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, tại Việt Nam, khái niệm cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) không còn quá mới. Chính phủ Việt Nam đã và đang xây dựng bộ cơ sở dữ liệu lớn để phát triển chính quyền điện tử, thành phố thông minh, phân tích và quản lý giao thông. Nhiều hội thảo, nghiên cứu về Big Data, chính quyền điện tử, thành phố thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin trong thời đại 4.0 đã được tổ chức và được ứng dụng trong thực tế.

Với lĩnh vực GTVT, công nghệ Big Data và các công nghệ tiên tiến khác đã được áp dụng nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như: Ứng dụng Big Data trong triển khai xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu: Hệ thống giám sát hành trình; Hệ thống “Quản lý giao thông thông minh trên nền bản đồ số”; Xử lý dữ liệu tàu bay; Hệ thống nhận dạng và truy tìm tầm xa hàng hải (LRIT), Hệ thống kiểm soát lưu thông trên biển (VTS)…

Thứ trưởng Đông cũng cho biết, ngành GTVT Việt Nam đã có những bước phát triển rõ rệt cả về hạ tầng và vận tải. Thành quả này đặt ra áp lực lớn, đòi hỏi các nhà quản lý phải xây dựng những chiến lược về quản lý và quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông cũng như tổ chức, điều hành giao thông trong thời gian tới.

“Hội thảo ngày hôm nay có ý nghĩa và là cơ hội quý để các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách từ Nhật Bản và ASEAN trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, bài học trong xây dựng các chính sách, cơ chế cũng như đề xuất áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm giúp các nước ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng tiến tới đạt được mục tiêu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT đồng bộ, hiện đại trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ”, Thứ trưởng nói.

img
Với công nghệ Mobile big data, các nhà quản lý có thể sử dụng cơ sở dữ liệu từ việc người tham gia giao thông sử dụng điện thoại di động hoặc bật chế độ định vị trên điện thoại di động để xác định được lưu lượng, mật độ phương tiện, nhu cầu...

Bà Akiko Yoshida, Trợ lý cao cấp Thứ trưởng Bộ MLIT cho biết, việc ứng dụng cơ sở dữ liệu lớn trên điện thoại di động là một trong nhiều hoạt động thuộc chương trình hỗ trợ của Bộ MLIT dành cho các nước ASEAN trong hoạch định chính sách, quản lý, phát triển GTVT. Đã có 24 dự án được triển khai trong khuôn khổ chương trình đối tác này, trong đó một số dự án đã thành công. “Việc nhân rộng ứng dụng Mobile big data chắc chắn sẽ mở ra cơ hội mới trong đánh giá nhu cầu thực tiễn, cũng như dự báo nhu cầu trong tương lai, yếu tố quan trọng để xây dựng quy hoạch GTVT”, bà Akiko Yoshida nói.

Tại hội thảo, các đại biểu nghe và thảo luận về các vấn đề về ứng dụng cơ sở dữ liệu lớn trên điện thoại di động do các diễn giả, nhà khoa học Nhật Bản và Việt Nam trình bày như: “Sử dụng phân tích cơ sở dữ liệu lớn trên điện thoại di động trong xây dựng chính sách giao thông ở châu Á”; “Quản lý giao thông ở các đô thị nơi xe máy chiếm ưu thế ở Việt Nam”, “Sử dụng phân tích cơ sở dữ liệu lớn trên điện thoại di động trong lĩnh vực GTVT của Nhật Bản”, “Tiềm năng ứng dụng phân tích cơ sở dữ liệu lớn trong ngành GTVT của Việt Nam”…

img
Các đại biểu tham gia hội thảo đều cho rằng đây là cơ hội mới trong ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý, quy hoạch giao thông

Nhiều chuyên gia cho rằng, công nghệ thu thập, xử lý cơ sở dữ liệu lớn trên điện thoại di động mở ra cơ hội mới cho các nước trong công tác quản lý, quy hoạch giao thông. Từ thông tin trên điện thoại di động sẽ xác định được dòng di chuyển giữa các khu vực trong các khung giờ, đặc biệt là tại các đô thị; phân tích, dự báo được nhu cầu sử dụng đối với mỗi loại phương tiện… để đưa ra các chính sách quản lý, quy hoạch về hạ tầng, phương tiện. Từ đó có các giải pháp hiệu quả để giải quyết nạn ùn tắc, TNGT và ô nhiễm môi trường…

Tuy nhiên, các nước cũng sẽ phải vượt qua một số thách thức lớn như: vấn đề bảo mật thông tin cá nhân chủ thuê bao điện thoại di động; nguồn lực để chi trả cho việc thu thập thông tin dữ liệu từ điện thoại di động (cho các nhà mạng, các nhà cung cấp dịch vụ); chính sách quốc gia cho ứng dụng này…

img

Giá xăng dầu hôm nay tăng, giảm thế nào sau 15h?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.