Quản lý

Ứng dụng công nghệ đưa pháp luật bảo vệ môi trường GTVT vào cuộc sống

Chiều nay (22/10), Báo Giao thông tổ chức tọa đàm trực tuyến: "Những quy định của pháp luật bảo vệ môi trường trong lĩnh vực GTVT".

LTS: Nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII chỉ rõ, bảo vệ môi trường vừa là nội dung vừa là mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.

Thực hiện mục tiêu trên, những quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực GTVT ngày càng được chú trọng hoàn thiện để tạo hàng lang pháp lý đầy đủ, góp phần phát triển GTVT xanh, bền vững.

img

Chương trình tọa đàm trực tuyến được tổ chức tại trường quay Báo Giao thông

Thực tế, lĩnh vực giao thông vận tải có tác động trực tiếp, đa dạng đến môi trường đất, nguồn nước, không khí, tiếng ồn. Từ các hoạt động trong xây dựng công trình giao thông, sử dụng vật liệu đến sự đi lại của phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy, hàng không đều có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới môi trường.

MC Diệu Anh và các khách mời cùng trao đổi về hiệu quả thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường trong lĩnh vực GTVT và các giải pháp trong thời gian tới.

Nhiều chương trình hành động bảo vệ môi trường lĩnh vực GTVT

Bảo vệ môi trường là công tác xuyên suốt của ngành GTVT. Trong giai đoạn hiện nay, công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực GTVT đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải và đường thủy đang tập trung vào những nội dung lớn nào, thưa bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT)?

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng: Thực hiện nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ GTVT đã ban hành chương trình hành động để thực hiện theo yêu cầu của Đảng và Nhà nước nhằm giảm bớt tác hại với môi trường.

Trong giai đoạn 2021-2026, Bộ GTVT sẽ tập trung vào những nội dung lớn như: giảm thải các loại phương tiện giao thông (đường sắt, đường thuỷ, đường bộ, hàng không) và giảm phát thải nhựa.

Điển hình, Bộ GTVT đang triển khai Đề án phát triển cảng xanh trong lĩnh vực hàng hải để bắt kịp xu hướng bảo vệ môi trường trên thế giới.

Như bà vừa chia sẻ, phạm vi bảo vệ môi trường trong lĩnh vực GTVT rất rộng. Vậy công tác này đang được thực hiện như thế nào?

img

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT)

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng: Về công tác xây dựng cơ bản, theo quy định pháp luật, khi lập báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi… chủ đầu tư dự án phải lập báo cáo về tác động môi trường. Trong đó có xem xét quy hoạch, quy mô của dự án có tác động như thế nào với môi trường, tạo ra chất thải (lỏng, rắn), tiếng ồn ra sao, để lượng hoá và có biện pháp để giải quyết.

Tất cả những nội dung chủ đầu tư dự án cam kết sẽ được ghi lại và là căn cứ pháp lý để cơ quan kiểm tra đối chiếu, giám sát và xử lý.

Đối với phương tiện GTVT, theo lộ trình, ô tô nhập mới từ năm 2022 sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mới, cao hơn mức cũ để giảm phát thải. Hiện cũng có các quy định về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông để loại bỏ những chiếc ô tô, tàu hoả, phương tiện thủy cũ nhằm bảo vệ môi trường.

Việt Nam cũng cam kết giảm phát thải nhà kính, nên chúng ta sẽ phải thực hiện thêm quy định mới là ghi chép lại tất cả lượng nhiên liệu (xăng/dầu) các phương tiện đã tiêu thụ, từ đó, nhân với chỉ số phát thải để thống kê lượng khí thải của các phương tiện giao thông mỗi năm.

Do đó, tôi khẳng định, Việt Nam sẽ có những con số cụ thể để theo dõi và kịp thời giảm thải, đáp ứng mục tiêu đề ra.

Liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), các đơn vị phải lập đề án bảo vệ môi trường như: thống kê các loại hình hoạt động, chất thải phát sinh và biện pháp giảm phát thải. Các doanh nghiệp phải cam kết với các mục tiêu bảo vệ môi trường, được cơ quan nhà nước thẩm định và lấy đây làm căn cứ pháp lý để kiểm tra, giám sát.

Chẳng hạn, Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) là một trong những đơn vị tuân thủ rất tốt với rất nhiều hoạt động, dù nhỏ thôi như có thêm 1-2 ngày giảm phát thải hay có những biện pháp để giảm thải với máy bay.

Do đó, ACV đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường trao giải thưởng bảo vệ môi trường. Thực sự, chúng ta chỉ cần làm đúng những gì đã đề xuất trong đề án bảo vệ môi trường là hoàn toàn được ghi nhận và tuyên dương.

img

Quy định pháp luật về bảo vệ môi trường lĩnh vực hàng không, hàng hải tuân theo công ước quốc tế

Thưa TS. Khương Kim Tạo, theo ông quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh GTVT có ý nghĩa thế nào đối với phát triển GTVT bền vững?

TS. Khương Kim Tạo: Tôi cho rằng, các quy định pháp luật bảo vệ môi trường đều hướng tới mong ước của chúng ta là môi trường sống ngày một tốt lên, tạo điều kiện tốt hơn cho cuộc sống và phát triển. Quy định của pháp luật bảo vệ môi trường trong lĩnh vực GTVT không phải để dành cho người đi đường, người tham gia giao thông mà để mang lại cho môi trường sống tốt hơn.

Hiện chúng ta đã có những quy định sâu về giảm thiểu tác động hại của phương tiện giao thông đối với môi trường. Đối với ô tô, chúng ta đang quy định ô tô sản xuất, nhập khẩu mới phải đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4, năm sau sẽ tăng lên mức Euro 5. Đây là mức cao so với các nước trong khu vực, chỉ kém Singapore.

Các quy định của pháp luật là tốt rồi, nhưng mức độ ô nhiễm môi trường của nước ta chắc gì tốt hơn các nước bến cạnh. Do đó, bài toán tới đây là cần xây dựng và triển khai toàn diện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực GTVT.

img

TS. Khương Kim Tạo, chuyên gia giao thông

Tôi cho rằng, vấn đề lớn hiện nay là quy hoạch GTVT. Quy hoạch GTVT vẫn là vấn đề gây trăn trở, nếu quy hoạch tốt sẽ thay đổi cục diện môi trường. Ví dụ, khi quy hoạch lộ trình chuyển đổi phương tiện giao thông từ xe ô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện; hay quy hoạch các tuyến tàu điện, tàu điện mặt đất sử dụng bánh lốp để thay thế xe buýt sử dụng nhiên liệu chắc chắn sẽ thay đổi cục diện môi trường.

Kết cấu hạ tầng giao thông cũng gây ảnh hưởng, tác động đối với môi trường trong lĩnh vực GTVT, từ khâu thiết kế đến vật liệu xây dựng, phương pháp thi công, khai thác.

Tôi cho rằng, bảo vệ môi trường trong lĩnh vực GTVT cũng là thuộc phạm trù văn hóa giao thông. Vì thế, tới đây cần đặt ra việc tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa giao thông để triển khai tốt các quy đinh pháp luật về bảo vệ môi trường.

img

Phương tiện giao thông sử dụng năng lượng điện là giải pháp giảm ô nhiễm khí thải

Hàng không, hàng hải đáp ứng chuẩn môi trường quốc tế

Thưa PGS, TS. Vũ Ngọc Khiêm - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ GTVT, được biết thời gian qua Đại học Công nghệ GTVT đã thực hiện rất tốt một số dự án về môi trường, ví dụ chương trình lái xe sinh thái, ông có thể chia sẻ thêm thông tin về những dự án này?

PGS, TS. Vũ Ngọc Khiêm: Trường Đại học Công nghệ GTVT trực thuộc Bộ GTVT nên có rất nhiều cơ hội triển khai các dự án BVMT gắn với lĩnh vực GTVT. Ở trường hiện có hai nhóm dự án về KHCN và BVMT.

Trong đó, nhóm thứ nhất chú trọng nghiên cứu sâu về học thuật, chuyên môn phục vụ sự phát triển của ngành GTVT và đất nước. Nhóm 2 là nhóm thực hiện các dự án mang tính chất tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng.

Chương trình lái xe sinh thái là một trong các dự án tuyên truyền về BVMT điển hình nhà trường đang triển khai. Trong 5 năm thực hiện dự án, mặc dù nguồn kinh phí có hạn, song với sự nhiệt tình, đam mê của các thầy, cô giáo và sự hưởng ứng tích cực của sinh viên, dự án đã đạt được sự lan tỏa rộng lớn đến cộng đồng, đặc biệt là những người đang sử dụng phương tiện tham gia giao thông.

Câu hỏi dành cho bà Nguyễn Thị Thu Hằng. Trong lĩnh vực hàng hải và hàng không, hiện nay Việt Nam đang triển khai công tác bảo vệ môi trường theo quy định của tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) và tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Bà có thể cho biết cụ thể hơn về các quy định này?

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng: Đúng vậy, trong lĩnh vực hàng hải và hàng không, Việt Nam có nhiều tuyến quốc tế nên chúng ta phải tuân thủ quy định của khu vực và trên thế giới.

Với hàng hải, chúng ta đang phải tuân thủ theo Công ước MARPOL để giảm phát thải do tàu. Trong quá trình vận hành lênh đênh trên biển hàng tháng, tàu sẽ phát sinh rất nhiều chất/khí thải. Với chất thải sinh hoạt, chúng ta sẽ có thiết bị trên để xử lý nước thải.

Với rác thải, các tàu phải thu gom. Sau đó, các loại rác sẽ được nghiền ra, xả thải tại vị trí đã được quy định. Thậm chí, một số tàu phải có lò đốt rác ngay trên tàu.

Với nước thải lẫn dầu, các tàu phải thu gom, ghi lại vào nhật ký. Các loại dầu sẽ được xả tại cảng hoặc một số vị trí được quy định. Nếu không tuân thủ, tàu chắc chắn không thể vào cảng của nước khác.

Về hàng không, có 2 vấn đề lớn nhất, đó là tiếng ồn và khí thải. Trước khi đưa vào sử dụng, máy bay phải có chứng chỉ về tiếng ồn đạt chuẩn. Theo quy định của ICAO, các cảng hàng không phải có giải pháp để giảm bớt tiếng ồn đối với sân bay sát khu vực dân cư lân cận. Một số biện pháp đã và đang được thực hiện như hạn chế giờ bay đêm.

Về khí/chất thải, hàng không đã thực hiện nhiều biện pháp như: không còn phát nhiều báo/tạp chí giấy trên máy bay, lượng xăng dự trữ trong máy bay cũng phải giảm.

img

Hệ thống cảng biển Việt Nam được phát triển theo hướng xanh để bảo vệ môi trường

Còn nhiều thách thức lớn

Thưa PGS Vũ Ngọc Khiêm, theo ông, công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực GTVT đang gặp thách thức nào?

PGS, TS. Vũ Ngọc Khiêm: Ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng, để thực hiện được các nhiệm vụ quản lý, giám sát BVMT, việc đầu tiên là hệ thống chính sách pháp luật phải thât sự đầy đủ và phù hợp.

Đặc biệt, đối với vấn đề BVMT trong lĩnh vực GTVT phải có hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật. Song, hiện nay, công tác này còn gặp khó khăn do chúng ta chưa đảm bảo được nguồn kinh phí phù hợp để huy động được đội ngũ chuyên gia có trình độ nghiên cứu xây dựng.

Khó khăn thứ hai là ý thức của người tham gia giao thông. Thứ ba, hiện nay, công nghệ, vật liệu, trang thiết bị, quy trình, phương thức làm việc trong các lĩnh vực xây dựng công trình giao thông, công nghiệp giao thông còn chưa theo kịp các nước tiên tiến, còn sử dụng nhiều máy móc hiệu năng thấp. Thách thức thứ tư là thời điểm hiện tại, tham gia giao thông còn nhiều phương tiện cá nhân trong khi số lượng phương tiện giao thông công cộng lại rất ít.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa cân đối thị phần vận tải, đặc biệt vận tải hành khách. Phương tiện giao thông tại Việt Nam hiện nay cũng chưa thực sự hiện đại. Nhiều ô tô trên đường không được trang bị thiết bị kiểm soát khí thải. Người sử dụng phương tiện cũng chưa thực sự tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Cuối cùng, công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân nói chung về pháp luật về BVMT, kiến thức kỹ năng về BVMT, sự đầu tư vào công tác nghiên cứu, triển khai hoạt động nghiên cứu bảo vệ môi trường, các hoạt động tuyên truyền cũng là thách thức lớn cần quan tâm trong thời gian tới.

Giải pháp nào để đưa pháp luật bảo vệ môi trường GTVT vào cuộc sống?

Chúng ta đang dễ dàng cảm nhận được mức độ ô nhiễm không khí tại giờ cao điểm đi lại, hay những con đường đang được xây dựng bụi mù mịt, hoặc chất thải từ hoạt động giao thông không được thu gom, xử lý là tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, những quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đã khá đầy đủ. Vậy chúng ta cần giải pháp gì để tạo ra những chuyển biến rõ nét hơn trong thực tế? Câu hỏi này xin được dành cho bà Nguyễn Thị Thu Hằng?

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng: Hiện tại, chúng ta có rất nhiều luật, quy định về bảo vệ môi trường, ví dụ như luật bảo vệ môi trường, luật tài nguyên nước, tài nguyên biển… Nhưng làm sao để luật đi vào đời sống thì đây là vấn đề rất nan giải.

Theo tôi, để đưa pháp luật bảo vệ môi trường lĩnh vực giao thông vận tải đi vào cuộc sống, đầu tiên quy định phải dễ thực hiện, làm sao để người dân hiểu đây là vấn đề thiết thực không phải chỉ làm để đối phó, hình thức.

Do đó, khi xây dựng quy định pháp luật, chúng ta cần nghiên cứu kỹ thực tế đời sống, chia thành từng giai đoạn phù hợp và không thể bê nguyên hình mẫu của các nước khác vào áp dụng. Đơn cử, việc lập báo cáo tác động môi trường, đây không chỉ là việc cần thiết và phải được thực hiện đúng thời điểm.

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, việc lập báo cáo tác động môi trường phải được thực hiện cùng lúc với thời điểm lập báo cáo tiền khả thi. Nhưng thời điểm lập như vậy không phù hợp vì khi đó nội dung về dự án chưa đầy đủ (chẳng hạn như đơn vị sẽ lập bao nhiêu công trường, sử dụng bao nhiêu máy móc thiết bị…).

Do đó, Luật Đầu tư công năm 2019 đã sửa lại và yêu cầu lập báo cáo tác động môi trường cùng lúc lập báo cáo khả thi.

Về vấn đề tuyên truyền, chúng ta cần phải tuyên truyền để các đối tượng cùng nắm bắt với luật mới để dễ dàng tuân thủ. Đối tượng tuyên truyền phải sâu và rộng: từ đối tượng trực tiếp làm dự án xây dựng, đến từng người dân, từ già tới trẻ để mọi người cùng hình thành thói quen tốt góp phần bảo vệ môi trường.

Biện pháp cuối cùng là tăng cường kiểm tra giám sát. Theo tôi, nguyên tắc khi thực hiện không phải là chăm chăm để xử phạt mà là hướng dẫn để đơn vị, doanh nghiệp, người dân cùng làm đúng. Vì có thể, ở một số điểm, ý tưởng, các doanh nghiệp chưa hiểu hết dẫn đến làm chưa đúng, chưa đủ.

Bên cạnh đó, qua việc trực tiếp xuống hiện trường giám sát, ta có thể phát hiện ra những quy định còn chưa phù hợp để sớm điều chỉnh kịp thời và bám sát đời sống.

Ứng dụng công nghệ vào bảo vệ môi trường

Thưa ông Khương Kim Tạo, có ý kiến cho rằng, công tác kiểm soát khí thải các phương tiện giao thông, nhất là đường bộ, đường sắt và đường thủy ở Việt Nam cần được triển khai nhanh hơn, để hạn chế ảnh hưởng môi trường. Là chuyên gia giao thông công tác nhiều năm trong lĩnh vực giao thông vận tải và an toàn giao thông, ông có đề xuất gì để thực hiện hiệu quả công tác này?

TS. Khương Kim Tạo: Các lĩnh vực như hàng không, hàng hải chúng ta đã tuân theo công ước quốc tế và tuân thủ chặt chẽ. Chỉ còn 3 lĩnh vực là giao thông đường bộ, đường sắt và thủy nội địa, do hoạt động trong nội địa nên còn nhiều bất cập.

Trong 3 lĩnh vực trên, giao thông đường bộ có ưu thế nhất, nhưng cũng phức tạp nhất và chiếm tỷ trọng lớn về phát thải gây ô nhiễm không khí. Hiện ô tô sản xuất mới chúng ta đã quy định tiêu chuẩn khí thải Euro 4 và lộ trình năm sau sẽ lên Euro 5. Vấn đề hiện nay là giảm phát thải ô nhiễm đối với ô tô, xe máy tham gia giao thông, đặc biệt là xe máy cũ nát.

Công tác bảo vệ môi trường là công cuộc của toàn dân, toàn diện, vì vậy phải có sự đổi mới giáo dục, tuyên truyền. Không thể mãi dùng pa nô, áp phích để tuyên truyền bảo vệ môi trường.

img

PGS, TS Vũ Ngọc Khiêm, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học công nghệ GTVT

Thưa PGS, TS. Vũ Ngọc Khiêm, để công tác môi trường lĩnh vực giao thông vận tải thực sự có hiệu quả, công tác giảng dạy, lồng ghép việc giáo dục, tuyên truyền ngay từ trong các trường học rất quan trọng. Vậy việc này đang được thực hiện như thế nào?

PGS, TS Vũ Ngọc Khiêm: Đây là câu hỏi rất hay. Trước tiên cần khẳng định, tôi hoàn toàn đồng thuận với bà Hằng, để công tác tuyên truyền đạt được hiệu quả, giải pháp tuyên truyền phải được xây dựng, đi ngay sau ban hành chính sách.

Tôi cũng rất đồng thuận với ý kiến của TS. Khương Kim Tạo về tầm quan trọng của ý thức người dân trong việc thực thi quy định pháp luật nói chung và thực thi pháp luật về BVMT nói riêng. Bản chất những quy định pháp luật đều có sự khô khan. Nếu chúng ta tìm được biện pháp để đa dạng hóa hình thức tuyên truyền thì chất lượng mới được đảm bảo.

Loại bỏ những quy định không cần thiết

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, để bảo vệ môi trường tốt hơn trong lĩnh vực giao thông vận tải? Bộ GTVT có đề xuất gì về việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan?

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng: Bộ GTVT đã tham gia rất tích cực trong quá trình soạn thảo Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực vào tháng 1/2022.

Trong đó, chúng tôi đã quan tâm để làm thế nào không gây khó khăn và hạn chế chi phí không cần thiết trong quá trình thực hiện cho người dân và doanh nghiệp.

Chẳng hạn với quy định về xử lý chất thải nguy hại (bóng đèn, …), việc quản lý chặt hơn với chất thải thông thường (giấy, nhựa…) là đúng. Chúng ta cần đổ chất thải nguy hại vào đúng nơi quy định, có dán nhãn, có kho để đảm bảo che mưa nắng.

Tuy nhiên, với yêu cầu phải trang bị thêm thiết bị phòng cháy chữa cháy, trang thiết bị xếp dỡ… tại các kho chất thải sẽ tốn thêm chi phí.

Một số đơn vị trong Bộ GTVT không có quá nhiều chất thải nguy hại đến mức phải có thêm trang thiết bị xếp dỡ, phòng cháy chữa cháy. Do đó, chúng tôi đã góp ý để điều chỉnh quy định cho phù hợp với từng đối tượng, quy mô doanh nghiệp… để tránh lãng phí, dễ thực hiện.

Theo PGS, TS. Vũ Ngọc Khiêm, còn điều gì cần thay đổi để nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường trong lĩnh vực GTVT?

Chúng ta đã và đang chú trọng các quy định của pháp luật. Riêng trong lĩnh vực GTVT, vấn đề BVMT đang được quyết liệt triển khai và gắn với thực tế, điển hình là chủ trương chuyển dần từ vận tải đường bộ sang các phương thức khác như: đường thủy, đường sắt, đường thủy,… Đó là một giải pháp lớn để giảm ô nhiễm.

Mặc dù vậy, hiện vẫn có những quy định chưa theo được thực tế. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn cần phải có sự chú trọng nhất định. Để giảm phát thải trong ngành GTVT không chỉ chuyển phương thức mà còn cần chuyển hình thức, loại phương tiện.

Tại sao chúng ta cứ phải tập trung nâng cao tiêu chuẩn của khí thải đối với phương tiện giao thông mà không nghĩ đến việc chuyển giao thông đường bộ từ nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện? Nhưng rồi cũng phải đặt ra vấn đề, nếu định hướng đó được triển khai, tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đã có chưa, đã rõ ràng, phù hợp chưa?

Hay với đường sắt, hiện chúng ta đã và đang có những tuyến đường sắt trên cao bên cạnh các tuyến đường sắt thông thường nhưng quy chuẩn, tiêu chuẩn đã phù hợp chưa? Tất cả những vấn đề này đều cần được quan tâm trong thời gian tới.

Một vấn đề khác là ngân sách xây dựng các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn cần phải được chú trọng hơn. Nếu không sẽ rất khó khích lệ các cơ quan, cán bộ nghiên cứu tham gia xây dựng, đưa ra những bộ quy chuẩn chất lượng, sát với thực tiễn, có thể đi cuộc sống một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

img

Hiện phương tiện thủy, tàu hỏa được áp dụng niên hạn sử dụng để góp phần bảo vệ môi trường

Ông có cùng quan điểm với phần trao đổi của PGS Khiêm và bà Hằng không, thưa TS. Khương Kim Tạo?

TS. Khương Kim Tạo: Bộ GTVT ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp rất tốt để bảo vệ môi trường lĩnh vực GTVT. Ví dụ, ô tô sản xuất mới sắp phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 5 nên các doanh nghiệp phải đưa ra thị trường có chất lượng khí thải cao, yêu cầu đối với xe máy mới cũng cao.

Vấn đề giảm thiểu khí thải như ô tô, xe máy nhanh nhất trong điều kiện có thể. Về mặt kỹ thuật, chúng ta đã nâng cấp tiêu chuẩn kiểm định đối với xe ô tô tham gia giao thông, như vậy là ổn.

Còn về xe máy, chúng ta bàn rất nhiều về kiển soát khí thải đối với xe máy, nhưng chưa giải quyết được. Chúng ta đặt vấn đề kiểm định xe máy, nhưng rất khó khăn.

Tôi đồng cảm với bà Hằng, ông Khiêm về giải pháp cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để nâng nhận thức về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực GTVT. Trong vấn đề này, tôi đề xuất ngành GTVT nên xây dựng chương trình bảo vệ môi trường trong tình hình mới để trong thời gian ngắn thay đổi nhận thức của nhân dân về bảo vệ môi trường, nhận thức về văn hóa giao thông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.