Ứng dụng

Ứng dụng công nghệ hiện đại, quản chặt các khâu thu phí

27/06/2016, 09:38

Việc ứng dụng công nghệ thu phí hiện đại là không để xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông.

4

 Ứng dụng công nghệ hiện đại, quản chặt các khâu thu phí

Ngoài bộ phận thu phí trực tiếp, hoạt động TTP Cam Thịnh (Cam Ranh, Khánh Hòa) hoàn vốn dự án BOT QL1 của nhà đầu tư Công ty CP ĐTXD 194 được giám sát chặt chẽ bởi hệ thống phần mềm hậu kiểm, camera lưu trữ dữ liệu các phương tiện lưu thông qua trạm, để đối sánh.

Anh Nguyễn Tất Đạt, Trưởng phòng Hậu kiểm cho hay: Người ngoài ít khi để ý nhưng quy trình vận hành TTP hết sức chặt chẽ. Đơn vị hiện tích hợp 99% dữ liệu đăng kiểm về chủng loại của các phương tiện. Do đó, khi các xe lưu thông vào trạm đều được hệ thống nhận diện ngay. Chỉ cần nhân viên bán vé không nhập mã vé hoặc xuất vé không đúng theo loại xe, hệ thống này sẽ lập tức báo lỗi. Quy định TTP nêu rõ: Trường hợp nhân viên không khắc phục kịp (yêu cầu lái xe bổ sung) sai sót thì bản thân người thu phí sẽ phải tự bỏ tiền túi để đền đúng giá vé theo loại xe, đảm bảo không bị thất thu ở bất cứ khâu, đoạn nào.

Dự án công trình mở rộng QL1 của nhà đầu tư BOT 194 có chiều dài toàn tuyến hơn 36km (đoạn Km1488 - Km1525, qua huyện Cam Lâm, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa), được triển khai theo Quyết định số 1245/QĐ-BGTVT ngày 10/5/2013 của Bộ GTVT sau khi được các cấp có thẩm quyền rà soát, thẩm định. Dự án hoàn thành, đưa vào khai thác từ tháng 10/2015, gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, dải phân cách và hệ thống đảm bảo ATGT. Theo Ban ATGT Khánh Hòa: Dự án đưa vào khai thác đảm bảo ATGT, xóa điểm đen TNGT, kéo giảm nguy cơ mất ATGT trên tuyến. Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đánh giá: Dự án góp phần phát triển KT-XH địa phương, tăng lượng lưu thông hàng hóa trên địa bàn, khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên…

“Mỗi ca, mỗi ngày trên cơ sở lượt xe và số thu thực tế, trạm sẽ đối chiếu với dữ liệu ở Phòng Kế toán và Phòng Hậu kiểm. Số lượng thu có khớp hay không đều sẽ được hệ thống dễ dàng phát hiện. Quy trình khép kín nên không cho phép sự can thiệp của bất kỳ cá nhân nào vào kết quả doanh thu”, ông Phạm Văn Thưởng, Phó giám đốc Công ty CP ĐTXD 194 kiêm Trạm trưởng TTP Cam Thịnh nhấn mạnh.

Ghi nhận PV Báo Giao thông, TTP Cam Thịnh cũng như nhiều TTP hoàn vốn BOT QL1 khác tổ chức thành 3 ca thu phí: 0-8h, 8-16h và 16-24h. 8h sáng mỗi ngày, các ca làm nhiệm vụ quyết toán. Toàn bộ số tiền sau khi được Phòng Kế toán, Phòng Hậu kiểm đối soát sẽ được phía ngân hàng thu nhận, hoàn vốn cho dự án theo đúng phương án tài chính được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo ông Thưởng, việc ứng dụng công nghệ thu phí hiện đại không chỉ giảm tối đa thao tác thủ công của nhân viên, giảm thời gian thu phí, không để xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông mà đặc biệt đem lại sự minh bạch trong công tác thu phí.

“Bất cứ lúc nào, khi nào, các đoàn kiểm tra đến đều có thể trích xuất, đối sánh giữa báo cáo và dữ liệu lưu trữ để kiểm tra. Do đó, hoàn toàn không có tình trạng gian lận, hoặc đơn vị thu phí tự ý báo cáo sai số liệu. Nỗ lực của chúng tôi là để TTP hoạt động ổn định, đảm bảo các phương án tài chính, rút ngắn thời gian thu phí trên cơ sở nguồn thu thực tiễn”, ông Thưởng nói và cho biết, định kỳ hàng tháng, đơn vị đều phải báo cáo tổng hợp số lượt xe, tổng mức thu phí cho Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN. Đồng thời trích xuất dữ liệu theo các yêu cầu kiểm tra đột xuất của cơ quan chức năng.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Nam Trung, Giám đốc Công ty CP ĐTXD 194 cho hay: Đơn vị vận hành TTP minh bạch, văn minh và thân thiện. Việc thu phí hoàn vốn được triển khai theo đúng các quy định của pháp luật và sự chấp thuận của cơ quan chức năng. Đơn vị đang phối hợp để sớm ứng dụng công nghệ thu phí không dừng. Theo đó, khi tích hợp hệ thống này, các phương tiện lưu thông qua trạm mà không phải thực hiện bất kỳ thao tác thu phí nào. Bộ GTVT cũng đang theo dõi, giám sát chặt chẽ dữ liệu của các TTP. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.