Vận tải

Ứng dụng công nghệ tạo hiệu quả lớn cho vận tải khách

03/12/2016, 07:00

Việc sử dụng dữ liệu điện tử trong giao dịch thay cho hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh...

1

Nhờ ứng dụng công nghệ với khả năng kết nối nhanh, thời gian chờ xe đến đón của hành khách đi Grab Car chỉ dưới 5 phút/lần - Ảnh: K.Linh

Việc sử dụng dữ liệu điện tử trong giao dịch thay cho hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh và người thuê dịch vụ vận tải sau một năm thí điểm mang lại nhiều lợi ích cho cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và hành khách.

Nhiều lợi ích

Tháng 10/2015, Thủ tướng Chính phủ đồng ý triển khai Đề án thí điểm ứng dụng KHCN hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, trong đó có việc sử dụng dữ liệu điện tử trong giao dịch thay cho hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh và người thuê dịch vụ vận tải tại 5 địa phương: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa. Thời gian qua, 3 ứng dụng kết nối hành khách với lái xe được triển khai gồm: Công ty TNHH GrabTaxi (Đề án thí điểm GrabCar), Công ty CP Ánh Dương (Đề án thí điểm V-Car) và gần đây nhất là ứng dụng Taxi 57 (App Taxi 157) của Công ty CP Vận tải 57 Hà Nội với thương hiệu Thành Công Car hoạt động kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng trên địa bàn Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM, Khánh Hoà.

Chia sẻ về kết quả sau một năm thực hiện, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH GrabTaxi cho biết, số lượng xe GrabCar tại Hà Nội và TP.HCM góp phần đáp ứng nhu cầu di chuyển của hành khách. Thời gian chờ xe đến đón của hành khách chỉ dưới 5 phút, thay vì nhiều chục phút. Các xe đạt tỷ lệ số km xe chạy có khách đạt gần 90%.

"Để tiếp tục thí điểm hiệu quả, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch, tránh độc quyền, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ hướng dẫn các địa phương khác có nhu cầu thực hiện thí điểm. Đồng thời, chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Tài chính tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, đặc biệt là dịch vụ xuyên biên giới và lĩnh vực thuế."

Thứ trưởng Bộ GTVT
Lê Đình Thọ

Ông Tạ Long Hỷ, Giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam cho biết, V-Car cung cấp dịch vụ kết nối cho các xe vận tải hành khách theo hợp đồng tại Khánh Hòa và TP.HCM. Việc ứng dụng công nghệ giúp giảm thời gian hành khách chờ xe đến đón là dưới 3 phút, hệ số sử dụng quãng đường đạt 62,3%.

“Công ty CP Ánh Dương đã tổ chức quy trình nội bộ giải quyết khiếu nại của hành khách và lái xe, quy định rõ trách nhiệm của từng nhân viên, bộ phận và thời hạn giải quyết khiếu nại. Bên cạnh đó, đơn vị cũng áp dụng nhiều hình thức thanh toán linh hoạt cho khách hàng”, ông Hỷ nói.

Ông Hoàng Văn Kỳ, đại diện Công ty CP Vận tải 57 Hà Nội cho biết, App Taxi 57 được công ty bắt tay vào thực hiện từ tháng 9/2015 và chính thức triển khai thí điểm từ tháng 4/2016. Đặt xe qua App giúp khách hàng tiết kiệm chi phí, giảm thời gian chờ đợi cùng với những tiện ích như ước lượng được cước phí, xem được lịch sử di chuyển. Trong thời gian thí điểm triển khai, 97% lái xe đều đánh giá tốt những hiệu quả mà việc điều hành qua App mang lại và đề xuất công ty duy trì điều hành qua phần mềm App Taxi 57. Riêng với công ty, áp dụng công nghệ điều hành mới, đã tiết kiệm được 32% chi phí nhân sự và điều hành, 15% chi phí viễn thông; Việc quản lý lái xe, phương tiện thuận lợi hơn.

Đánh giá kết quả thí điểm, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, mục tiêu của đề án thí điểm là nâng cao chất lượng phục vụ, tạo sự hài lòng cho hành khách, hạ giá vé, thời gian và nhiên liệu sẽ tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch, tránh độc quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Đây cũng là căn cứ để hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến các dịch vụ công nghệ thông tin hỗ trợ kinh doanh vận tải ôtô, đặc biệt là quản lý hoạt động kinh doanh vận tải theo hợp đồng và vận tải khách du lịch.

“Với ứng dụng này, những thông tin về hợp đồng vận tải sẽ được cung cấp đủ cho các cơ quan quản lý nhà nước, bảo đảm khả năng giám sát, phân biệt rõ giữa hoạt động vận tải hợp đồng, xe du lịch và xe khách, khắc phục triệt để xe hợp đồng trá hình”, Thứ trưởng Thọ nói.

2

Nhờ ứng dụng công nghệ với khả năng kết nối nhanh, thời gian chờ xe đến đón của hành khách đi Grab Car chỉ dưới 5 phút - Ảnh: K.Linh

Uber vẫn phớt lờ quy định

Theo Bộ GTVT, bên cạnh kết quả đạt được, hiện vẫn còn một số hộ kinh doanh, đơn vị vận tải không chấp hành các quy định như: Không có phù hiệu xe hợp đồng; Ký hợp đồng với đơn vị cung cấp phần mềm không phù hợp với quy định; Không thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, gây bức xúc trong dư luận.

Uber là ví dụ điển hình, hai năm qua, Uber vẫn hoạt động tự do, dù Bộ GTVT đã nhiều lần yêu cầu xây dựng đề án trình Bộ GTVT xem xét cho phép hoạt động thí điểm theo đúng các quy định. Uber hiện cũng không chịu sự quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước về ứng dụng thương mại điện tử. Lý do là Nghị định 52 và Thông tư 59 chỉ áp dụng đối với các website, ứng dụng thương mại điện tử của các doanh nghiệp được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Vì vậy, Bộ GTVT không có cơ sở pháp lý để kiểm tra các quy định về kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách đối với các dịch vụ vận tải được cung cấp qua sàn giao dịch thương mại điện tử của Uber.

Đánh giá của Bộ GTVT sau một năm thí điểm cũng cho thấy, một số vấn đề chưa được làm rõ trong hướng dẫn thu thuế giá trị gia tăng theo Luật GTĐB, dịch vụ phần mềm kết nối giữa lái xe và hành khách không được coi là dịch vụ hỗ trợ vận tải, cũng như dịch vụ vận tải. Đơn cử với Công ty TNHH Grabtaxi, việc kinh doanh phần mềm của đơn vị này hiện đang được xếp loại là dịch vụ KHCN và chịu mức thuế GTGT 5%. Tuy nhiên, công văn hướng dẫn thu thuế Uber của Bộ Tài chính lại xác định dịch vụ phần mềm kết nối giữa lái xe và hành khách sẽ phải nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 3%, như đối với dịch vụ vận tải. Điều này gây khó cho những đơn vị đơn vị tham gia thí điểm trong việc kê khai và nộp thuế, không biết thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan trực tiếp thu thuế hay theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, khi tham gia thí điểm phải tuân thủ những điều kiện, tiêu chuẩn rất cao và ngặt nghèo về chất lượng dịch vụ cũng như tư cách nhà cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, hiện nay có công ty cung cấp phần mềm kết nối chưa được phép thí điểm vẫn bất chấp hoạt động, gây rối loạn thị trường, khó khăn cho công tác quản lý và ảnh hưởng tiêu cực đến những doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành pháp luật.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, tới đây, Bộ GTVT sẽ tập trung chỉ đạo Thanh tra Bộ và Sở GTVT các tỉnh, thành phố tham gia thí điểm phối hợp với lực lượng công an, cơ quan thuế, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, nhất là với các đơn vị sử dụng các phần mềm không đúng quy định để điều hành vận tải, không chấp hành các quy định về thuế. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.