Quản lý

Ứng dụng công nghệ thông minh để quản đường cao tốc

15/12/2016, 13:19

Ứng dụng hệ thống giao thông thông minh (ITS) góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành giao thông...

9

Camera giám sát giao thông trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai - Ảnh: Tạ Tôn

“Mắt thần” giám sát toàn tuyến cao tốc

Các tuyến đường cao tốc của Việt Nam hiện cho phép chạy với tốc độ lên tới 120km/h, mang lại nhiều thuận lợi nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Vì thế, việc đầu tư hệ thống ITS có thể phát hiện sớm tai nạn, giúp công tác cứu hộ trên đường cao tốc được kịp thời, làm giảm tỉ lệ tử vong. Ông Vũ Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, việc ứng dụng công nghệ giao thông thông minh để quản lý là giải pháp tối ưu.

Từ tháng 3/2015, Trung tâm Điều hành giao thông thông minh (ITS) cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã được đưa vào hoạt động, giúp điều tiết giao thông, đảm bảo an toàn cho người và xe khi đi trên đường cao tốc. Ông Tuấn cho biết, hệ thống giao thông thông minh gồm 48 màn hình, 38 camera theo dõi giúp quản lý hình ảnh, nhận dạng xe, quan sát điều khiển làn xe. Ngoài ra, hệ thống đường dẫn vào cao tốc cũng được gắn camera để theo dõi lưu lượng phương tiện trước khi vào cao tốc. Về cơ bản có thể theo dõi được tổng thể giao thông toàn tuyến đường dài 40km này.

Từ năm 2009, Bộ GTVT đã công bố chiến lược đảm bảo ATGT đường bộ quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó lộ trình ứng dụng ITS ở Việt Nam được chia làm ba giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2009 - 2015 thực hiện các ứng dụng về thống nhất tiêu chuẩn hóa hệ thống ITS trên toàn quốc; Quy hoạch và xây dựng các trung tâm điều hành và kiểm soát giao thông tại 3 khu vực Bắc - Trung - Nam; Kiểm soát thông tin trên đường tập trung vào các điểm xung yếu; Thông tin tắc nghẽn giao thông do sự cố.

“Trước đây, khi có thông tin về sự cố trên đường cao tốc thì nhân viên không hình dung được vị trí đó chính xác ở đoạn nào cũng như mức độ nghiêm trọng của sự vụ. Nhưng hiện nay, khi có sự cố, nhân viên tại phòng điều hành Trung tâm ITS sẽ hướng camera tập trung vào khu vực đó để quan sát, đánh giá tình hình và điều các lực lượng cứu hộ đến kịp thời, phù hợp. Đồng thời, cũng đưa những thông tin cảnh báo lên hệ thống bảng điện tử đặt dọc tuyến để tài xế lưu thông trên đường biết”, ông Tuấn nói.

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã đưa hệ thống ITS vào hoạt động với việc thu phí kín và kiểm soát giao thông thông minh trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thông qua hệ thống camera. Ông Bùi Đình Tuấn, Giám đốc Trung tâm Giám sát giao thông (Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam) cho biết, với việc triển khai hình thức thu phí kín sử dụng thẻ RFID, phương tiện qua trạm sẽ bỏ qua được giai đoạn kiểm tra và soát vé do đó sẽ giảm thời gian lưu thông qua trạm. Hơn nữa, hệ thống thu phí kín dùng máy tính tự động tính toán mức phí trên cơ sở số kilômét đường cao tốc mà phương tiện sử dụng nên đảm bảo tính minh bạch và công bằng cho người sử dụng đường cao tốc, thuận lợi trong quá trình giám sát, hậu kiểm, hạn chế tối đa các tiêu cực trong công tác thu phí.

“Toàn tuyến cao tốc được giám sát giao thông 24/24h đảm bảo không xảy ra ùn tắc giao thông, hạn chế tối đa các sự cố có thể xảy ra trên đường, đảm bảo ATGT ở mức độ cao, đảm bảo công tác cứu hộ, cứu nạn được triển khai kịp thời khi có sự cố xảy ra cũng như công tác bảo vệ các tài sản trên đường cao tốc. Hệ thống kiểm soát giao thông thông minh cũng phát hiện tức thời các lỗi vi phạm như vượt quá tốc độ, đi sai làn đường, dừng đỗ trên đường cao tốc để cảnh báo và xử lý kịp thời”, ông Tuấn cho biết thêm.

Cần chuẩn kết nối tổng thể hệ thống ITS

Ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc cho biết, Trung tâm ITS đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương là hệ thống ITS đầu tiên ở khu vực phía Nam được đưa vào sử dụng sẽ trở thành trung tâm điều hành toàn bộ các tuyến cao tốc của khu vực. Trung tâm này có chức năng thu thập, xử lý và quản lý thông tin giao thông từ các trung tâm quản lý điều hành giao thông để giám sát, điều hành công tác đảm bảo ATGT các tuyến đường cao tốc; Chỉ đạo các đơn vị khai thác, bảo trì tuyến đường cao tốc trong khu vực tham gia hỗ trợ giải quyết tai nạn, sự cố, sự kiện nghiêm trọng.

Tuy nhiên, theo ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ (Tổng cục Đường bộ VN), hiện các tuyến cao tốc cũng như trung tâm ITS chưa thống nhất một chuẩn công nghệ. Trong khi Trung tâm ITS đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương sử dụng công nghệ của Hàn Quốc thì Trung tâm Điều hành giao thông cao tốc khu vực phía Bắc xây dựng theo công nghệ Nhật Bản. Điều này khiến mỗi tuyến cao tốc được đầu tư hệ thống ITS lại phải ban hành một khung tiêu chuẩn riêng, một quyết định riêng về tiêu chuẩn kỹ thuật gây khó khăn trong việc kết nối.

Lý giải điều này, ông Nguyễn Xuân Hưng cho biết, hiện Nhật Bản đang hỗ trợ Việt Nam đầu tư Trung tâm Điều hành giao thông cao tốc khu vực phía Bắc. Theo đó, sẽ nghiên cứu riêng một dự án nhỏ chỉ để tích hợp các công nghệ ITS ở Việt Nam và dự kiến sẽ được Bộ GTVT phê duyệt trong tháng 2/2016. “Trung tâm điều hành giao thông cao tốc khu vực phía Bắc sẽ quản lý tất cả các tuyến trong phạm vi 1.000 km, trung tâm khu vực này sẽ mở ra một “cổng” hay “bộ chuyển đổi dữ liệu” cho các trung tâm điều hành giao thông tuyến kết nối”, ông Hưng cho biết thêm.

Theo KS. La Văn Ngọ, Viện Khoa học - Công nghệ GTVT, bài học kinh nghiệm lớn nhất trên thế giới là ITS cần phát triển theo một kiến trúc kết nối tổng thể chung. Vì đó chính là nền tảng để đảm bảo khả năng tương hợp và khả năng tương thích của hệ thống ở cấp quốc gia. Đồng thời, hỗ trợ việc lập kế hoạch và thiết kế, ngăn chặn khả năng chồng chéo dịch vụ. Vì vậy, công nghệ của hệ thống ITS ở các tuyến đường cao tốc có kết nối được với nhau để phối hợp xử lý, giám sát chung hoạt động giao thông liên vùng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.