Giao thông

Ứng dụng khoa học công nghệ là giải pháp đột phá giao thông

01/02/2018, 19:23

Bộ GTVT tìm giải pháp đẩy mạnh ứng dụng KHCN lĩnh vực GTVT, đặc biệt trong xây dựng kết cấu hạ tầng.

Bo-truong-The-hop-ưng-dung-KHCN

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị khẩn trương có giải pháp đẩy mạnh ứng dụng KHCN

Chiều nay (1/2), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp về công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và ứng dụng vào thực tiễn của ngành GTVT.

Báo cáo tại cuộc họp, PGS. TS Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (KHCN) cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT, các đơn vị trong ngành đã tích cực triển khai các nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, lựa chọn phát triển các công nghệ tiên tiến phù hợp điều kiện Việt Nam áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, đảm bảo chất lượng, hạ giá thành, đủ sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, góp phần quyết định vào tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững của ngành GTVT.

Giai đoạn từ năm 2012-2017, công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và ứng dụng vào thực tiễn của ngành GTVT đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, công tác chuyển giao, tiếp nhận công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam bằng nhiều phương thức: chuyển giao công nghệ chủ yếu được tiến hành thông qua các dự án ODA từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài; chuyển giao tiếp nhận công nghệ thông qua giới thiệu của các hãng nước ngoài (liên danh trong và ngoài nước) theo phương thức xã hội hóa.

Việc định hướng tiếp nhận chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới giai đoạn từ năm 2010 đến nay tập trung nhiều vào hoàn thiện các công nghệ xây dựng KCHTGT theo hướng phù hợp với đặc điểm địa hình, địa chất, khí hậu các vùng miền ở Việt Nam; Cùng đó, chú trọng triển khai áp dụng các công nghệ phục vụ công tác vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đã xây dựng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành của Bộ, quản lý chất lượng công trình, sản phẩm ngành GTVT.

“Tuy nhiên, việc triển khai ứng dụng kết cấu mới, công nghệ mới, vật liệu mới phù hợp chưa được các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn quan tâm đúng mức. Hiện chưa có chính sách rõ ràng để khuyến khích áp dụng những công nghệ mới, vật liệu mới có chất lượng và hiệu quả tốt vào thực tế sản xuất”, ông Hà nêu.

cau Rong

Những năm gần đây, Việt Nam áp dụng nhiều công nghệ hiện đại trong thi công cầu, tiệm cận với thế giới - Ảnh cầu Rồng

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, rào cản lớn trong ứng dụng công nghệ mới trong giao thôngp là việc Việt Nam vẫn áp dụng những quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kĩ thuật lạc hậu. Ngoài ra, ứng dụng KHCN chưa đồng đều ở các lĩnh vực. “Cần xây dựng lại định mức kĩ thuật, đơn giá theo hướng năng suất để tạo điều kiện thông thoáng cho các đơn vị ứng dụng KHKT vào công trình, dự án”, Thứ trưởng Đông nói.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cơ quan, đơn vị quán triệt đến toàn thể cơ quan, đơn vị rà soát, đề xuất những nội dung có thể ứng dụng KHCN mới, các giải pháp và cơ chế, chính sách triển khai. Cùng đó, các cơ quan, đơn vị phải đăng ký ngay trong năm 2018 những nội dung có thể triển khai trong công tác ứng dụng KHCN một cách cụ thể, nhất là xây dựng lại đơn giá, định mức kĩ thuật… Các trường, viện nghiên cứu thực hiện việc đề xuất nghiên cứu ứng dụng vật liệu mới trong làm mặt đường để giảm kết cấu nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, tuổi thọ cao, từ đó giảm kinh phí đầu tư; nghiên cứu lại tiêu chuẩn thiết kế cầu.

Đối với các dự án có vốn nước ngoài, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị nghiên cứu phương án thuê tư vấn nước ngoài theo hình thức chi phí xây dựng dự án, khuyến khích tư vấn có phương án công nghệ, quy trình mới...

“KHCN là giải pháp đột phá quan trọng đối với sự phát triển của ngành GTVT. Vì vậy, tôi yêu cầu các cục, tổng cục phải rà soát ngay định mức, đơn giá lĩnh vực quản lý, đẩy mạnh ứng dụng KHCN. Đơn vị nào không thực hiện tốt, lãnh đạo đơn vị đó sẽ bị đánh giá là không hoàn thành tốt nhiệm vụ lãnh đạo”, Bộ trưởng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.