Quản lý

Ứng dụng radar quản lý sân bay và đường cao tốc

22/12/2020, 06:41

Việc đầu tư tích hợp radar, công nghệ cao trong quản lý, điều hành giao thông, nhất là với sân bay và đường cao tốc đang là vấn đề cấp thiết.

img

Tích hợp công nghệ radar tại các CHK đang được rất nhiều nước trên thế giới triển khai hiệu quả

Việc đầu tư tích hợp radar, công nghệ cao trong quản lý, điều hành giao thông, nhất là với các cảng hàng không, sân bay và mạng lưới đường cao tốc đang là vấn đề cấp thiết, nhất là khi Việt Nam đang triển khai hàng loạt tuyến cao tốc lớn và chuẩn bị khởi công Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Kỳ 1: Cấp thiết kiểm soát an ninh, an toàn hàng không bằng công nghệ cao

Việc đầu tư hệ thống đảm bảo an ninh, an toàn tại các cảng hàng không, sân bay đáp ứng các quy định quốc tế, quốc gia được các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia chuyên ngành hàng không khẳng định là vấn đề cấp thiết, cần phải ưu tiên hàng đầu.

Không thể mãi phát hiện vật thể lạ chỉ bằng mắt thường

Chuyện lắp đặt hệ thống phát hiện vật thể lạ hiện đại trong khu bay, đặc biệt là trên đường băng được đề cập từ nhiều năm nay, tuy nhiên, tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện tại tất cả các cảng hàng không trên cả nước vẫn chưa có một hệ thống nào thực sự hiện đại được đầu tư, lắp đặt.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phan Xuân Đức, một cơ trưởng Boeing kỳ cựu cho biết, quá trình tàu bay cất, hạ cánh phải chuyển động với vận tốc cao, lực ma sát lớn. Quá trình này, tàu bay va vào các vật thể lạ dù rất nhỏ như ốc vít, thanh sắt, mảnh vỡ, chim trời… (gọi chung là FOD - Foreign Object Debris) đều rất nguy hiểm, có thể gây tai nạn thảm khốc.

Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó tổng giám đốc TCT Cảng hàng không VN (ACV), kiêm Giám đốc Cảng HKQT Nội Bài - một trong hai cảng hàng không lớn nhất cả nước cho biết: Để phát hiện FOD, ngoài việc bố trí nhân sự trực tiếp kiểm tra dọc đường băng 4 lần/ngày, Nội Bài đã đầu tư lắp đặt hệ thống camera lắp dọc đường băng để theo dõi bề mặt của đường cất hạ cánh. Ban ngày, việc quan sát qua hệ thống camera tương đối tốt nhưng ban đêm thời tiết xấu, quan sát cũng có phần bị hạn chế.

Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh cho hay, hiện Việt Nam chưa có sân bay nào lắp một hệ thống đặc chủng thực sự hiện đại để phát hiện FOD trên đường băng.

“Chúng tôi đang nghiên cứu hệ thống này. Tuy nhiên, có một số khó khăn, trong đó có việc lắp đặt hệ thống nào, vị trí lắp ở đâu…”, ông Thanh nói và lý giải thêm: Nếu đầu tư vào một sân bay mới hoàn toàn rất dễ dàng vì mọi thứ sẽ được thiết kế đồng bộ ngay từ ban đầu. Tuy nhiên, với những sân bay đang hoạt động, có rất nhiều việc phải làm rõ khi lắp đặt bất kỳ hệ thống nào vào khu bay, trong đó có việc nghiên cứu cả tĩnh không, có ảnh hưởng đến an toàn bay hay không?...

Mặc dù vậy, ông Thanh cũng khẳng định sự cần thiết phải đầu tư một hệ thống phát hiện FOD hiện đại tại các sân bay.

“Chúng tôi đã dùng camera để kiểm soát FOD, hiệu quả tăng rất nhiều so với chỉ kiểm soát thủ công trước kia. Do đó, thực sự cần thiết phải có một hệ thống chuyên dụng, hiện đại để phát hiện FOD để tự động hóa việc phát hiện vật thể lạ với tọa độ cảnh báo chính xác, không cảnh báo nhầm, không tắc nghẽn, không can nhiễu với các hệ thống kỹ thuật của khu bay và tàu bay”, ông Thanh nói và cho biết thêm: Nội Bài, Tân Sơn Nhất sẽ là 2 sân bay được ưu tiên lắp đặt hệ thống này.

Với Long Thành - sân bay dự kiến được ACV khởi công xây dựng vào cuối năm năy, ông Thanh cũng cho biết, chắc chắn sẽ áp dụng những công nghệ hiện đại bậc nhất hiện nay.

Trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia cho biết, hiện nay trong lĩnh vực công nghệ phát hiện FOD sân bay, trên thế giới có 4 hệ thống chính gồm: Trex FOD Finder của Mỹ, Moog Tarsier của Anh, Xsight FODetect của Israel và Stratech iFerret của Singapore. Các hệ thống này đều được sử dụng trên thị trường, đã đưa vào lắp đặt và sử dụng tại nhiều sân bay trên thế giới.

Năm 2017 đánh dấu bước ngoặt trong việc cải tiến công nghệ radar hệ thống phát hiện FOD của TREX với sự ra đời của thế hệ thứ 2. Khi đưa vào sử dụng, về cơ bản hệ thống FOD được vận hành liên tục, cảm biến radar quay quét liên tục nhờ các hệ thống cơ khí. Chính đặc điểm này cũng dẫn đến hạn chế về độ bền của các hệ thống cơ khí đòi hỏi phải bảo trì, bảo dưỡng. Ngoài ra, phụ tải điện tiêu tốn cũng dẫn đến quan ngại về chi phí vận hành cao.

Năm 2019, hệ thống phát hiện FOD loại cố định thế hệ thứ 2 (Trex FOD Finder™ XFV2) được thử nghiệm lần đầu tại sân bay quốc tế Changi, Singapore với kết quả hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Phía Singapore đã quyết định đầu tư hệ thống này và quá trình lắp đặt sẽ hoàn tất vào tháng 3/2021. Đây là sân bay tốt nhất thế giới và là sân bay đầu tiên trên thế giới đạt được danh hiệu này 8 năm liên tiếp của Skytrax.

Giám sát an ninh cũng cần sớm hiện đại hóa

Cùng với việc phát hiện FOD trên khu bay, một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay là việc phải theo dõi, giám sát an ninh hàng không nói chung và giám sát các hành vi xâm nhập bất hợp pháp tại các cảng hàng không, sân bay.

Hàng năm việc xảy ra các vụ việc liên quan đến xâm nhập trái phép khu bay nói chung và khu vực cấm, khu vực hạn chế vẫn xảy ra dẫn đến hậu quả là nguy cơ uy hiếp an toàn trong hoạt động hàng không luôn tiềm ẩn.

Ông Tô Tử Hùng, Trưởng phòng An ninh (Cục Hàng không VN) cho hay: Đa số các cảng hàng không, sân bay ở Việt Nam hiện nay vẫn đang thực hiện việc kiểm tra, giám sát, thực hiện công tác an ninh an toàn bằng lực lượng nhân viên an ninh hàng không nằm tại các điểm bất chốt chặn, các cổng gác, chòi canh...

Tại một vài cảng hàng không quốc tế lớn có áp dụng thử nghiệm hệ thống theo dõi giám sát bằng hệ thống camera kết nối hình ảnh từ rất nhiều camera đặt trên các cột ăng-ten cao của các thiết bị khí tượng, thiết bị dẫn đường có sẵn nằm dọc trên dải bảo hiểm của đường cất hạ cánh.

Các hệ thống kiểu này không có khả năng cảnh báo và xử lý hình ảnh tự động do con người trực tiếp nhìn bằng mắt thông qua hình ảnh đưa về và không thể bao quát được hết các tình huống có thể xảy ra trong 24/24h làm việc với mọi điều kiện thời tiết do số lượng màn hình nhiều, chất lượng hình ảnh không phải lúc nào cũng tốt và việc phát hiện ra mục tiêu thường phụ thuộc vào khả năng tập trung quan sát, kinh nghiệm cũng như phụ thuộc vào mức độ mệt mỏi, tinh thần trách nhiệm và thái độ của con người.

Vì vậy, các hệ thống sử dụng công nghệ camera chỉ mang tính bổ trợ cho con người mà không đảm bảo được việc phát hiện tức thời bất cứ mục tiêu nào ngay từ khi kẻ gian bắt đầu tiếp cận tới gần khu vực hạn chế với số lượng lớn từ các góc độ, vị trí khác nhau.

Đồng quan điểm, Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh cho biết: Trong định hướng của ACV, cũng như theo chỉ đạo chung của nhà nước, sẽ phải xây dựng chiến dịch chuyển đổi số, trong đó có việc đưa công nghệ hiện đại vào kiểm soát an ninh.

“Lắp đặt radar giám sát an ninh tại các khu công cộng của cảng hàng không, sân bay đang được chúng tôi nghiên cứu. Thực tế, nếu sử dụng giám sát bằng radar với công nghệ tiên tiến có thể giám sát diện rộng, làm việc trong mọi điều kiện thời tiết và ánh sáng. Có thể thiết lập được khu vực giám sát ở bất kỳ vị trí nào, có diện tích, hình dạng to nhỏ khác nhau. Người giám sát có thể quan sát và theo dõi, bám sát nhiều mục tiêu là những kẻ xâm nhập đồng thời cùng một lúc từ một hoặc nhiều địa điểm”, ông Thanh nói phân tích: Nếu lắp đặt radar giám sát an ninh, phương thức kiểm soát sẽ thay đổi. Sẽ không còn cảnh phải đi tuần tra rầm rập nữa, mà chỉ cần xây dựng đội phản ứng nhanh và kiểm soát tại trung tâm điều hành.

Sớm nghiên cứu triển khai thiết bị radar giám sát an ninh, an toàn sân bay

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Cục Hàng không VN, TCT Cảng hàng không VN (ACV) về việc nghiên cứu và triển khai thiết bị radar giám sát an ninh, an toàn sân bay và hệ thống phát hiện vật ngoại lai.

Khẳng định thời gian tới, việc triển khai đầu tư hệ thống này là cần thiết, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không VN chủ trì, phối hợp với ACV và các cơ quan liên quan hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn cơ sở.

ACV được giao nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực để triển khai hệ thống phát hiện vật ngoại lai và radar giám sát an ninh mặt đất nhằm tăng cường công tác an ninh, an toàn tại các cảng hàng không, đặc biệt là các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng.

Sử dụng radar đảm bảo an ninh tại sân bay

Tại một số phi trường lớn như: Sân bay quốc tế Bangkok Suvarnabhumi; Sân bay quốc tế Boston Logan; Sân bay quốc tế Tel-Aviv Ben Gurion; Sân bay quốc tế Seattle-Tacoma; Căn cứ Không quân Israel; Sân bay quốc tế Bắc Kinh; Sân bay quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh... hiện đang sử dụng hệ thống radar kiểm soát an ninh RunWize của hãng Xsight Systems và coi chúng như một thành phần của một hệ thống bảo vệ an ninh sân bay đa lớp.

Hệ thống RunWize và nhiều hệ thống tương tự cung cấp cho các nhà quản lý sân bay giải pháp phát hiện mối đe dọa đường băng toàn diện tự động để giảm thiểu những mối nguy hiểm này.

Công nghệ RunWize là giải pháp độc đáo kết hợp giữa hệ thống quét tín hiệu với đèn viền đường băng. Được hỗ trợ bởi Trí tuệ nhân tạo (AI), nó cung cấp hiệu suất phát hiện vượt trội đối với nhiều mối đe dọa liên quan đến đường băng sân bay. Hệ thống này cũng có các tùy chọn để phù hợp với vị trí địa lý, đặc điểm thời tiết, địa hình cụ thể của từng sân bay.

Q. Hợi

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.