Xã hội

Ứng phó bão Côn Sơn “không làm quá” khi dịch Covid-19 phức tạp

08/09/2021, 12:58

Sáng 8/9, Ban chỉ đạo TƯ về PCTT đã họp trực tuyến ứng phó với bão Côn Sơn (Conson) và tình hình mưa lũ.

Nhiều kịch bản dự báo bão Côn Sơn

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, hiện bão Côn Sơn (tên quốc tế Conson) đang ở ngay trên khu vực miền Trung Philippines, cường độ cấp 8-9.

Ngoài ra có 1 cơn bão khác, tên quốc tế là Chanthu, cách bão Côn Sơn khoảng 1100km về phía Đông.

img

Ban chỉ đạo TƯ về PCTT họp ứng phó với bão Côn Sơn và tình hình mưa lũ sáng 8/9

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự Báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, các phương án tính toán dự báo mới nhất của Việt Nam và thế giới đều cho thấy quỹ đạo và cường độ của bão Côn Sơn sẽ còn rất phức tạp.

Dự báo về cường độ và quỹ đạo của bão sau khi đi qua Philippines còn thay đổi nhiều. “Hiện tại, khả năng cao nhất sẽ là bão Côn Sơn sau khi suy yếu khi đi qua Philippines, vào Biển Đông sẽ được tổ chức lại, mạnh dần lên và di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc với tốc độ khoảng 15-20km/h. Bão Côn Sơn có khả năng mạnh nhất khi tới khu vực quần đảo Hoàng Sa, dự báo có thể đạt tới cấp 11, giật cấp 13”, ông Khiêm cho biết.

Ngoài ra, vẫn còn khả năng bão Côn Sơn suy yếu và đi lên phía Trung Quốc và cũng có những dự báo cho bão đi chúc xuống phía nam; Có phương án bão vào vịnh Bắc Bộ và suy yếu.

“Nguy cơ và tác động lớn nhất của bão Côn Sơn sẽ là gió rất mạnh trên toàn bộ vùng biển Bắc Biển Đông trong các ngày từ 9-11/9. Trong đó khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 11 trong khoảng ngày 10/9, toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên khu vực này cần phải được tránh trú an toàn.

Đối với khu vực đất liền, hiện chưa chịu ảnh hưởng của bão Côn Sơn, nhưng khu vực Bắc và Trung Trung Bộ cần hết sức lưu ý về đợt mưa lớn trên diện rộng đang diễn ra và còn kéo dài tới hết ngày 9/9; sau đó mưa giảm và có thể tăng trở lại từ ngày Chủ nhật, 12/9”, ông Khiêm khuyến cáo.

Sơ tán dân vẫn phải đảm bảo phòng dịch Covid-19

Theo báo cáo nhanh về công tác PCTT, tính tới nay, trên hệ thống đê biển, đê cửa sông các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh còn tồn tại 33 vị trí đê điều xung yếu.

Hiện có 477.631 ha lúa mùa các tỉnh Đồng bằng sông Hồng vào kỳ làm đòng (nhiều nhất tại: Thái Bình 76.500ha; Nam Định 72.721ha); 149.571ha lúa mùa (nhiều nhất tại Thanh Hóa 115.300ha) và 23.486ha lúa Hè Thu các tỉnh Bắc Trung Bộ đến kỳ thu hoạch, trong đó Nghệ An đã thu hoạch được 70%.

img

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống Thiên tai chỉ đạo tại cuộc họp sáng 8/9

Theo thông tin cập nhật nhanh ban đầu, một số địa phương đã rà soát phương án sơ tán dân trong trường hợp bão mạnh và mưa lớn diện rộng trong điều kiện diễn biến Covid-19 phức tạp.

Cụ thể dự kiến sơ tán gần 74 nghìn dân khu vực ven biển từ Quảng tới Hà Tĩnh; sơ tán hơn 114 nghìn dân khu vực ven sông và ngoài đê tại Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Điện Biên, Hà Giang, Bắc Cạn, Thái Nguyên; sơ tán 70.770 dân khu vực nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất.

Các tỉnh khác đang tiếp tục tổng hợp rà soát phương án sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm theo từng kịch bản về diễn biến thiên tai có khả năng xảy ra trong đợt này.

Trước tình hình trên, ông Lê Thành Công, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế cho biết đã ban hành công văn về việc chủ động ứng phó với thiên tai, mưa lũ bão lớn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

"Cần theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến bão Côn Sơn, tình hình mưa lũ trên phương tiện, rà soát kế hoạch đã xây dựng theo điều kiện thực tế để ứng phó, để đảm bảo cấp cứu, thu dung. Sẵn sàng phương án cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng do mưa bão, cùng xây dựng các phương án bảo đảm an toàn cho các bệnh viện dã chiến, cơ sở cách ly", ông Công nói.

Bộ Y tế cũng yêu cầu, các địa phương cần phương án sơ tán dân trong tình huống khẩn cấp song vẫn phải đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

"Theo chỉ đạo thì vẫn phải đảm bảo giãn cách, ai ở đâu ở đó, nhất là khu vực cách ly, bệnh viện dã chiến, cơ sở phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong điều kiện bão lũ, công tác đảm bảo an toàn cho người dân là trên hết, nên những khu vực nào chịu ảnh hưởng bởi thiên tai khi cần thiết thì vẫn phải sơ tán dân, đồng thời các địa phương chủ động lên phương án để ứng phó kịp thời với các tình huống", ông Công nói.

Kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai nhấn mạnh: “Bão Côn Sơn có diễn biến hết sức phức tạp, đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia cần cung cấp thông tin kịp thời chính xác để Ban chỉ đạo và các bộ ngành địa phương ứng phó phù hợp, không làm quá cũng không làm thấp hơn, tránh gây hiệu ứng xã hội không tốt, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng”.

Bên cạnh đó, ông Hoài cũng lưu ý công tác quản lý, vận hành hồ chứa và hồ thuỷ điện khi những ngày qua, nhiều địa phương đã xuất hiện mưa lớn kéo dài.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.