Y tế

Ứng phó với biến chủng Covid-19 Omicron mới, chuyên gia lưu ý gì?

29/11/2021, 10:07

Bộ Y tế thông tin Việt Nam chưa ghi nhận biến chủng Covid-19 Omicron mới, tuy nhiên WHO phân loại đây là “biến thể đáng quan ngại”.

Nhận diện biến thể mới Omicron

Theo TS. Phạm Quang Thái (Viện Vệ sinh dịch tễ), mới đây Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phân loại biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vừa được phát hiện tại Nam Phi có tên gọi Omicron là “biến thể đáng quan ngại”.

Biến thể Omicron được xác nhận đầu tiên từ một mẫu bệnh phẩm được thu thập vào ngày 9/11/2021 tại Nam Phi. Kết quả này được báo cáo lên WHO ngày 24/11/2021. Liên tiếp sau đó có khoảng 100 trường hợp được xác định với giải trình tự cho kết quả tương tự và phần lớn đến từ Nam Phi hoặc liên quan các trường hợp đi về từ Nam Phi.

img

Biến chủng Omicron được WHO phân loại là "biến chủng đáng quan ngại"

Thông qua đánh giá so sánh, Omicron đã được chứng minh là có khả năng liên quan một hoặc nhiều thay đổi như tăng khả năng lây truyền hoặc thay đổi bất lợi trong dịch tễ học Covid-19; tăng độc lực hoặc thay đổi biểu hiện bệnh lâm sàng; tăng mức độ nghiêm trọng (nhập viện hoặc tử vong); giảm hiệu quả của các biện pháp xã hội, sức khỏe cộng đồng và các phương pháp chẩn đoán, điều trị và vaccine có sẵn.

Liên quan đến vaccine hiện đã có bằng chứng về việc nhiễm trên những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine, tuy nhiên, theo ông Thái liệu có khả năng tăng tỷ lệ nặng trên những người đã tiêm đủ mũi vaccine hay chưa thì còn cần phải theo dõi trong thời gian tới. Hiện tại, các hãng sản xuất vaccine cũng đang ráo riết thực hiện những giám sát tác động cùng với chính phủ các nước.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho rằng, hiệu quả của vaccine Covid-19 hiện nay với biến chủng Omicron vẫn cần được nghiên cứu, nhưng việc tiêm vaccine Covid-19 như hiện nay cần khẩn trương bao phủ càng rộng càng tốt để đảm bảo phòng dịch cho cộng đồng. Vì không chỉ với chủng mới Omicron mà hiện nay, Việt Nam vẫn đang đối phó, ngăn chặn lây nhiễm biến chủng Delta. Việc tiêm chủng đầy đủ giúp giảm nguy cơ tăng nặng dẫn đến tử vong với người nhiễm Covid-19.

Ứng phó ra sao với biến chủng mới?

Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết, WHO đưa biến chủng Omicron vào "biến thể đáng quan ngại" với dự báo lây lan nhanh hơn nhiều lần biến thể Delta.

“Biến thể mới nếu vô hiệu hóa các vaccine phòng Covid-19 hiện nay và mức độ lây lan nhanh thì sẽ rất nguy hiểm. Tuy nhiên, việc khẳng định mức độ lây lan, mức độ vô hiệu hóa vaccine còn tiếp tục nghiên cứu”, PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay.

“Để phòng sự xâm nhập của chủng mới, nên dừng các chuyến bay đi tới các nước châu Phi đang có dịch, tăng cường kiểm dịch biên giới, cửa khẩu, cần lưu ý có những người ở châu Phi nhưng đi qua nước thứ 2 rồi mới về Việt Nam.

Tăng cường xét nghiệm các trường hợp đi từ nước ngoài về, đồng thời, làm các xét nghiệm trong nước, điều tra dịch tễ, giải trình tự gien. Luôn phải nâng cao cảnh giác, hạn chế tụ tập đông người, hoạt động đông người không cần thiết.

Đặc biệt, thực hiện tốt 5K, việc này giúp hạn chế được nguy cơ lây lan dịch”, ông Phu nhấn mạnh.

Còn theo TS. Phạm Quang Thái, đối với Việt Nam, từ kinh nghiệm với chủng Delta trong thời gian qua cho thấy, chỉ cần lọt một trường hợp đã có thể để lại những hậu quả rất lớn.

Việc dự phòng và kiểm soát đối với chủng mới là vấn đề mang tính sống còn. Do đó, trong giai đoạn biến chủng mới chưa xuất hiện, công tác chuẩn bị và phòng ngừa lại phải tăng cường thêm một bậc...

Cần định kỳ giải trình tự gien theo tỷ lệ các bệnh nhân nhiễm Covid-19 mới ghi nhận, nhất là các ổ dịch mới phát sinh, ổ dịch có yếu tố lây về từ nước ngoài để không bỏ lọt những chủng virus nguy hiểm.

Để chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhập của biến chủng mới Omicron, Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch Covid-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch;

Yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gien các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.

Bộ Y tế cũng đã báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên....

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.