Hỏi:
Tôi nghe thông tin tỷ lệ ung thư cổ tử cung hiện rất cao, vậy có thể tầm soát sớm ung thư cổ tử cung không, thưa bác sĩ?
Nguyễn Hoài (Hà Nội)
Ảnh minh họa.
BSCKI Dương Ngọc Vân, Khoa sản, Bệnh viện Đa khoa Medlatec trả lời:
Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính do tế bào biểu mô vảy hoặc tế bào biểu mô tuyến cổ tử cung phát triển bất thường, dẫn đến hình thành các khối u trong cổ tử cung. Khi các khối u này nhân lên một cách mất kiểm soát, chúng xâm lấn, di căn đến các cơ quan xung quanh như phổi, gan, bàng quang, âm đạo, trực tràng.
Theo WHO, 99,7% trường hợp ung thư cổ tử cung có liên quan đến virus HPV - loại virus có khoảng gần 200 type, với 14 type được xếp vào nhóm nguy cơ cao dẫn đến khối u ác tính ở cổ tử cung. Trong đó, phổ biến nhất là type 16 và 18 - nguyên nhân của hơn 70% trường hợp gây ung thư cổ tử cung ở nữ giới.
Virus HPV chủ yếu lây nhiễm qua đường tình dục do không sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ. Những trường hợp nhiễm type virus HPV nguy cơ cao thường có tỷ lệ đào thải virus thấp, tồn lưu dai dẳng ở phụ nữ có tổn thương tế bào cổ tử cung và có thể tiếp tục tiến triển thành ung thư.
Khác với nhiều bệnh lý ung thư khác, ung thư cổ tử cung trải qua thời gian tiến triển tiền ung thư âm ỉ, kéo dài, ước tính từ 10-15 năm và thường không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng.
Đây chính là cơ sở khoa học để y học hiện đại tìm ra các phương pháp sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung. Hiện nay, xét nghiệm tế bào học và xét nghiệm HPV Genotype PCR là hai phương pháp phổ biến, hiệu quả, được áp dụng thường quy tại các đơn vị y tế giúp chị em tầm soát các tổn thương ung thư cổ tử cung từ khi mới manh nha.
Theo khuyến nghị của các chuyên gia Ung bướu và Sản phụ khoa đầu ngành, để an tâm sức khỏe và kịp thời xử trí trong trường hợp phát hiện các bất thường ở cổ tử cung, từ sau 21 tuổi, chị em nên chủ động thăm khám và sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận