Chuyện dọc đường

Ứng viên giáo sư gian dối, sao không xử lý?

10/04/2018, 09:35

Việc để lọt hồ sơ ứng viên GS, PGS không đạt chuẩn, không thể không nói đến trách nhiệm của người nộp hồ sơ...

ho-so-gs-gian-doi

Ảnh minh họa

Vậy mà có 41 ứng viên không đạt chuẩn đã lọt qua 2 hội đồng dù kết quả rà soát của Thanh tra Bộ GD&ĐT cho thấy, một số người gian dối khi kê khai, bất kể tiêu chuẩn “trung thực, khách quan” được xếp vị trí thứ hai trong bộ tiêu chuẩn chung của chức danh này.

Rõ ràng, việc để lọt hồ sơ ứng viên giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) không đạt chuẩn lên cấp Nhà nước, bên cạnh trách nhiệm của hội đồng cấp cơ sở, không thể không nói đến trách nhiệm của người nộp hồ sơ. Trong đó, có những gian dối không khó để phát hiện kiểu như: Hợp đồng dạy môn này nhưng lại thanh lý môn khác; khai dạy 72 tiết cho môn học này, nhưng khi kiểm tra môn đó sinh viên chỉ phải học 30 tiết; hay báo cáo đề tài nhưng không có quyết định được giao. Có trường hợp làm mới hồ sơ, dựng lại hợp đồng giảng dạy từ năm 2012-2014 để tính vào cuối năm 2017. Theo quy định, thâm niên của GS, PGS phải tính bằng giờ giảng đối với trình độ đại học, tức là phải dạy các lớp đại học, thạc sĩ hoặc tiến sĩ, nhưng có người lại khai dạy chương trình bồi dưỡng hoặc cao đẳng…

Tại cuộc họp với Chính phủ ngày 2/4 vừa qua, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã tuyên bố “sẽ tiếp tục xử lý các cơ sở giáo dục công nhận số giờ giảng cho các ứng viên không chính xác và công bố cho công luận”.

Câu hỏi đặt ra: Sao không xử lý và công bố cho công luận cả người kê khai không chính xác, không trung thực? Bởi lỗi đầu chính là của các ứng viên, rồi mới tới hội đồng khi dễ dãi, xuê xoa, nể nang trong quá trình xem xét. Chưa kể, trong số các ứng viên chưa đủ tiêu chuẩn nói trên, một số đang giữ vị trí quản lý cấp cao, thậm chí có thể đứng đầu ngành, lĩnh vực, cơ sở đào tạo sẽ ký bổ nhiệm họ - nếu “qua” được hội đồng thẩm định. Khi đó, sự nể nang là điều không khó lý giải.

Để việc công nhận, phê duyệt chức danh GS, PGS đảm bảo khách quan, chất lượng, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, cần thay đổi quy chế theo hướng, GS, PGS phải trực tiếp, thường xuyên tham gia công tác đào tạo; Hội đồng làm việc cũng phải công tâm, được phân công, phân nhiệm rõ ràng để tránh trùng lặp, chồng chéo. Đồng thời, cần đề cao trách nhiệm của mọi khâu, từ người kê khai đến hội đồng xét duyệt, khâu nào sai cũng phải xử lý đúng mức.

Mặt khác, GS. Thuyết cho rằng, chúng ta cũng cần thay đổi tâm lý, góc nhìn về vấn đề này. Trên thực tế, có nhiều nhà khoa học không có chức danh GS, TS, nhưng có đóng góp thực sự vẫn được ghi nhận. Và với không ít người, thường phải dựa vào “danh” khi “thực” của họ mong manh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.