Xã hội

Ứng xử thế nào với thông tin: Một câu hỏi cho hai dự luật

28/02/2016, 19:15

Tiếp cận thông tin là quyền hiến định để công dân thực hiện quyền làm chủ, vì vậy, cần phải tôn trọng quyền này.

Ngoài thông tin từ các cơ quan công quyền, người d
Ngoài thông tin từ các cơ quan công quyền, người dân cũng rất cần sự công khai về hoạt động của bệnh viện, trường học. (Ảnh minh họa: Dương Linh)

Đó là quan điểm được GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội nêu ra tại Hội thảo “Quyền tiếp cận thông tinQuyền tự do báo chí của công dân”, do Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC) tổ chức sáng 25/2.

Đề xuất mở rộng chủ thể cung cấp thông tin

Dẫn ra một khoản chưa hợp lý trong Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin quy định người yêu cầu cung cấp thông tin phải trình bày lý do yêu cầu cung cấp thông tin. Nhưng theo ông Thuyết, tiếp cận thông tin là quyền hiến định để công dân thực hiện quyền làm chủ của mình.

Quyền này chỉ bị giới hạn trong trường hợp ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. “Quy định như Dự thảo vừa không thể hiện sự tôn trọng đối với quyền tiếp cận thông tin của người dân, vừa không có ý nghĩa thực tiễn”, ông Thuyết nói và cho rằng, người dân hoàn toàn có thể trình bày lý do tiếp cận thông tin là “để biết” và mục đích sử dụng là “để nghiên cứu” hoặc bất kỳ lý do, mục đích nào đó mà cơ quan Nhà nước không thể từ chối cung cấp thông tin. Trong số các nước có luật về tiếp cận thông tin, rất ít nước đòi hỏi người yêu cầu cung cấp phải trình bày lý do.

Về chủ thể cung cấp thông tin cho người dân, theo ông Thuyết, người dân không chỉ cần thông tin từ các cơ quan công quyền mà còn rất cần những thông tin từ các đơn vị sự nghiệp như trường học, bệnh viện… “Việc công khai thông tin và cung cấp thông tin theo yêu cầu người dân của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng ngân sách Nhà nước và thực thi dịch vụ công là một giải pháp then chốt thực hiện nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Vì thế, Luật cần mở rộng chủ thể cung cấp thông tin là toàn bộ các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách Nhà nước, tài nguyên quốc gia và các đơn vị cung cấp dịch vụ công.

Luật Báo chí ít đề cập đến tự do báo chí

GS.TS. Nguyễn Đăng Dung, Giảng viên Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đã nói như vậy khi đề cập đến Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) sẽ được kỳ họp tới đây của Quốc hội thông qua.

Theo ông Dung, Luật Báo chí của chúng ta không viết theo kiểu đề cao tự do báo chí mà viết theo kiểu quản lý báo chí. “Báo chí gắn liền với tự do thông tin. Không có một nền báo chí nào thành công khi khả năng tiếp cận thông tin bị hạn chế. Nếu nhà báo không có khả năng tiếp cận các tài liệu của các tổ chức Nhà nước, tổ chức xã hội thì tính hữu dụng của báo chí sẽ bị giảm đi rất nhiều”, ông Dung nêu quan điểm.

Về cơ chế cung cấp thông tin cho báo chí, cũng là đảm bảo quyền tự do báo chí, ông Nguyễn Văn Hùng, hàm Vụ trưởng Vụ Báo chí xuất bản, Ban Tuyên giáo T.Ư nhận định, khi có sự việc diễn ra, các loại hình, các kênh thông tin sẽ lập tức khai thác, đưa tin để khẳng định, xác lập vai trò của mình bằng việc cung cấp cho bạn đọc thông tin sớm nhất. Bởi cạnh tranh thông tin cũng là cạnh tranh thương hiệu, không chỉ vì uy tín của báo chí chuyên nghiệp mà còn là yêu cầu sống còn của báo chí khi muốn tự nuôi sống mình. Tuy nhiên, không phải thông tin nhanh và sớm lúc nào cũng là thông tin chính xác.

“Nhưng, có khi thông tin sớm nhất mà không chính xác ấy lại vẫn được xã hội thừa nhận và tin cậy, bởi không có nguồn thông tin nào khác. Nghĩa là nếu các cơ quan Nhà nước “chậm chân”, không chủ động cung cấp thông tin thì việc định hướng tư tưởng, nhận thức cho đối tượng tiếp cận thông tin đã bị lực lượng truyền thông đi trước chi phối. Thực tế có trường hợp, do không chủ động cung cấp thông tin cho báo chí còn dẫn đến khủng hoảng thông tin, hệ luỵ khó lường”, ông Hùng nói.

Dù đã có quy chế, nhưng ông Hùng lại tỏ ra băn khoăn vì đến nay chưa có trường hợp nào hay người nào bị xử phạt vì từ chối cung cấp thông tin. “Lúc nào nói xử phạt được ai không cung cấp thông tin cho báo chí thì lúc ấy mới bắt đầu thành công, không thì tôi thấy vẫn chưa tin lắm”, ông Hùng nói.

Khoảng trống trong bảo vệ nhà báo tác nghiệp

Trước thực trạng nhiều phóng viên, nhà báo bị cản trở, hành hung khi tác nghiệp, nhà báo Hà Đức Nam, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hòa Bình cho biết, theo nghiên cứu của Trung tâm Truyền thông và Phát triển năm 2011, có đến 80% số nhà báo (trong tổng số 384 nhà báo trả lời khảo sát) cho hay từng gặp cản trở với các mức từ thấp đến cao, từ né tránh cung cấp thông tin đến đe doạ, trả thù…

Tuy nhiên, Luật Báo chí hiện hành đang có những khoảng trống trong bảo vệ nhà báo tác nghiệp, còn Dự thảo vẫn chưa thể hiện cơ chế nào mới hơn. “Tuyệt đại đa số các vụ cản trở, tấn công nhà báo thời gian qua đều “chìm xuồng” khiến cho các vụ mới tiếp tục xảy ra, điển hình là vụ hành hung phóng viên Báo Giao thông và báo Dân trí vào tháng 6/2015 vừa qua”, ông Nam dẫn chứng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.