Đời sống

Ước mong lấy công việc làm quà 8/3 của những nữ "cửu vạn" chợ Long Biên

08/03/2021, 07:13

Mong ước lớn nhất của họ trong ngày 8/3 không phải hoa, quà mà là... có nhiều công việc hơn để tăng thu nhập, vơi đi nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền.

img

22h ngày 7/3, chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) tấp nập người mua kẻ bán. Đây cũng là thời điểm những lao động làm thuê, bốc vác từ các nơi đổ về.

img

Không ở đâu, "cửu vạn" nữ lại đông như chợ Long Biên. Họ có độ tuổi khác nhau, nhưng đều chung một công việc "bán sức" lao động để kiếm sống.

img

Lên Hà Nội mưu sinh ngót nghét chục năm, nhưng chưa khi nào chị Nguyễn Thị Luyến (quê Hà Nam) nghĩ tới ngày đặc biệt dành cho mình. Chị tâm sự, ở quê vất vả, quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vẫn không đủ ăn, chồng lại thường xuyên đau ốm, hai con đang tuổi ăn học nên một mình phải lên thành phố mưu sinh.

img

“Bươn chải ở nơi đất khách vất vả lắm, không ai thân quen, chỉ muốn về quê nhưng nghĩ về gia đình còn cơ cực tôi chẳng dám ngơi nghỉ. Cố gắng cả tối cũng được 200.000 - 300.000 đồng, trừ chi phí nhà trọ, ăn, uống cũng dư ra đôi triệu gửi về quê. Ngày lễ thấy chị em phụ nữ hạnh phúc bên chồng, con cũng chạnh lòng, lắm lúc quay mặt đi khóc thầm rồi nén vội giọt nước mắt tủi thân để lại còng lưng làm việc tiếp”, chị Luyến bày tỏ.

img

Khác với chị Luyến, chị Điêu Thị Loan (quê Phú Thọ) không có điều kiện để mua một chiếc xe kéo cho mình, thay vào đó là chiếc đòn gánh được nẹp bằng hai thanh tre để tạo thêm độ bền chắc. Trước khi trở thành “cửu vạn” tại chợ Long Biên, chị Loan từng làm công nhân tại địa phương với mức lương 6.000.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty cắt giảm nhân sự, thu nhập chỉ còn một nửa, không đủ trang trải cuộc sống, chị đành phải chuyển nghề.

img

“Thay vì mong chờ nhận hoa, quà thì tôi mong có nhiều sức khỏe và công việc hơn. Ai chẳng muốn được hưởng thụ, an nhàn nhưng vì cuộc sống mưu sinh, vì gia đình mà phải cố gắng”, chị Loan chia sẻ.

img

Hình ảnh "thân cò" kéo xe hàng nặng đến cả tấn khiến "cánh mày râu" cũng phải kinh ngạc.

img

Con dốc trước cổng chợ vẫn là thử thách lớn nhất. Họ phải gồng mình, lấy hết sức bình sinh mới có thể vượt qua.

img

Phía sau đôi vai gầy mỏng manh kia là nỗi lo toan về cơm, áo, gạo, tiền...

img

Dường như, những người phụ nữ tảo tần này không còn để ý tới cảnh vật xung quanh, ai cũng tập trung để hoàn thành công việc của mình.

img

Đồng hồ điểm qua 0h ngày 8/3, khu chợ đầu mối càng trở nên nhộn nhịp. Những tấm lưng nữ "cửu vạn" đã thấm đẫm mồ hôi nhưng bước chân của họ vẫn thoăn thoắt, lao thật nhanh ra nơi tập kết để kịp chuyến hàng tiếp theo...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.