Y tế

Uống bia, rượu mức nào, sau bao lâu thì nồng độ cồn dưới ngưỡng bị phạt?

03/01/2020, 14:46

Nồng độ cồn sau khi uống rượu bia "hóa giải" ra sao phụ thuộc lượng rượu, bia, đặc điểm sinh học và thể trạng của từng cá nhân.

img
Không có con số chính xác tuyệt đối cho mỗi cá nhân sau thời gian bao lâu uống rượu bia thì hết nồng độ cồn trong cơ thể (ảnh minh họa)

Theo bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), không có con số chính xác tuyệt đối cho mỗi cá nhân sau bao lâu uống rượu bia thì hết nồng độ cồn trong cơ thể. Thực tế, quá trình này phụ thuộc vào lượng rượu, bia người đó uống và đặc điểm sinh học, thể trạng của từng cá nhân.

Đối với người có cơ chế chuyển hóa bình thường thì sau 1 giờ, gan sẽ dung nạp và chuyển hóa 1 đơn vị cồn. Tuy nhiên, để hết hoàn toàn 1 đơn vị cồn, cơ thể còn phải mất từ 1-2 giờ nữa. Với những người có chức năng gan suy yếu hay có cơ thể chuyển hóa chậm hơn thì sẽ mất thời gian lâu hơn.

Một đơn vị cồn tương đương với 2/3 chai, lon bia 330 ml (5%); một ly rượu vang 100 ml (13,5%); một cốc bia hơi 330 ml hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).

Theo khuyến cáo của bà Trang, tốt nhất là không nên uống rượu bia. Nếu có uống, nên hạn chế ở mức nguy cơ thấp. Cụ thể, nam giới khỏe mạnh không nên uống quá hai đơn vị cồn, nữ giới khỏe mạnh không quá một đơn vị cồn mỗi ngày và uống dưới 5 ngày/tuần. Và với mức uống như vậy phải mất ít nhất 4 giờ mới có thể lái được xe.

Cùng quan điểm, Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, thời gian từ lúc uống rượu đến khi có xét nghiệm âm tính (không còn nồng độ cồn trong máu, hơi thở) khi kiểm tra sẽ phụ thuộc rất nhiều yếu tố như lượng rượu, nồng độ rượu, thời gian uống kéo dài, uống lúc đói... ngoài ra, còn phụ thuộc vào cơ thể, tình trạng bệnh lý của mỗi người...

Theo Nghị định số 100/2019/CP-NĐ ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ 1/1/2020 (thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP), các hành vi vi phạm về nồng độ cồn sẽ bị phạt rất nặng. Cụ thể, với người điều khiển xe ôtô vi phạm nồng độ cồn sẽ phạt tiền tối đa từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22-24 tháng nếu nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở.

Người điều khiển xe môtô bị phạt tối đa tới 8 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Riêng với người điều khiển xe đạp, xe thô sơ nếu vi phạm về nồng độ cồn sẽ bị phạt tiền cao nhất là 600.000đ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.