Hỏi - Đáp

Uống rượu bia rồi đi bộ có bị xử phạt nồng độ cồn không?

02/05/2023, 10:46

Luật sư cho biết, lực lượng chức năng không xử phạt nồng độ cồn với người đi bộ, nhưng người đi bộ vi phạm pháp luật trật tự ATGT sẽ bị xử lý.

Bạn đọc Phùng Phú Dũng (trú tại Hiệp Hòa, Bắc Giang) hỏi: "Hôm qua tôi ngồi ăn cơm với anh em trong họ, nhiều người thắc mắc việc uống rượu bia xong đi bộ, không điều khiển phương tiện giao thông thì có bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn không? Nếu người sử dụng rượu bia đi bộ nhưng vi phạm giao thông gây TNGT thì bị xử lý thế nào?".

img

Người đi bộ sẽ không bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn

Về nội dung này, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP không quy định xử phạt người đi bộ tham gia giao thông mà có nồng độ cồn trong cơ thể.

Tuy nhiên, nếu người uống rượu, bia và đi bộ trên đường rồi gây ra lỗi như vượt đèn đỏ, đi sai phần đường… thì người đi bộ vẫn bị xử phạt với hành vi vi phạm đó.

Ở trường hợp người đi bộ sử dụng rượu bia vi phạm giao thông gây tai nạn, ảnh hưởng đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác có thể bị xử lý hình sự.

Cụ thể, nếu người đi bộ có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, có hành vi vi phạm giao thông dẫn đến tai nạn làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người và có tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên có tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61 - 121%; gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ".

Khung hình phạt với tội danh này là từ 3 - 10 năm tù, gây hậu quả lớn hơn có thể bị phạt tù từ 7 - 15 năm.

img

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường

Tại Điều 32 Luật Giao thông đường bộ 2008 đã có quy định rất rõ về vấn đề người đi bộ tham gia giao thông phải thực hiện để đảm bảo an toàn. Nếu không tuân thủ quy định sẽ bị xử phạt theo pháp luật.

Cụ thể, người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường.

Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn.

Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.

Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Về mức xử phạt, căn cứ Điều 9 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) về xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 60 - 100 nghìn đồng đối với các hành vi vi phạm: Không đi đúng phần đường quy định, vượt qua dải phân cách, đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn.

Ngoài ra, đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc (trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc) sẽ bị phạt tiền từ 100 - 200 nghìn đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.