Chuyện dọc đường

Uống rượu đi xe đạp bị phạt có gì mà lạ?!

31/03/2023, 06:00

Ai dám nói người đi xe đạp say rượu thì không gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác?

Suốt mấy ngày qua, câu chuyện một người phụ nữ 47 tuổi đi xe đạp có nồng độ cồn 0,073mg/lít khí thở nên bị xử phạt 80.000 đồng, tạm giữ xe 7 ngày được bàn tán xôn xao trên khắp các diễn đàn mạng xã hội.

img

Cảnh sát xử phạt với người đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn ở Sơn La

Cụ thể, hôm 29/3, Công an huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La khi lập chốt kiểm tra nồng độ cồn trên đường qua thị trấn đã phát hiện 3 trường hợp vi phạm, trong đó người phụ nữ 47 tuổi trú tại bản Huổi Hẹ, xã Viêng Lán.

Người này trình bày, gia đình làm nghề nấu rượu nên thường uống để kiểm tra nồng độ. Bản thân bà nghĩ “đi xe đạp không bị xử phạt nên cứ đi”.

Công an huyện Yên Châu cho hay, đây là trường hợp đầu tiên đi xe đạp bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn, đồng thời khuyến cáo người dân “đã uống rượu bia thì không lái xe”, kể cả với xe đạp.

So với mức phạt người điều khiển ô tô, xe máy vi phạm nồng độ cồn lên tới vài triệu cho đến hàng chục triệu đồng, mức phạt 80.000 đồng đối với người đi xe đạp kể trên là quá nhỏ. Tuy nhiên, vì sao nhiều người lại cảm thấy lạ lẫm, bàn tán nhiều đến vậy?

Người thì nói rằng, đây là lần đầu tiên họ thấy người đi xe đạp bị phạt lỗi nồng độ cồn. Người thì… phì cười dù biết là phạt đúng luật nhưng lại bày tỏ nên nhắc nhở vì mức vi phạm nhỏ, người lại cho rằng “chuyện chỉ có ở Việt Nam!”, thậm chí còn đề nghị “đã thế phạt luôn người đi bộ uống rượu” (?)

Có thể thấy, sở dĩ nhiều người cảm thấy lạ là vì lâu nay, khi nhắc đến xử phạt nồng độ cồn thì thường người ta nghĩ ngay đến những người điều khiển ô tô hay xe máy. Và chắc hẳn nhiều người cũng không nắm được quy định.

Theo Nghị định 100 đã ban hành được vài năm nay, người đi xe đạp, xe đạp điện có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50mg/100ml máu, hoặc chưa vượt quá 0,25mg/lít khí thở sẽ bị xử phạt từ 80.000 - 100.000 đồng; tương ứng các lỗi nặng hơn, mức phạt sẽ lần lượt là 200.000 - 300.000 đồng và 400.000 - 600.000 đồng.

Như vậy, theo quy định, đã điều khiển phương tiện ra đường mà trong máu hay hơi thở có nồng độ cồn thì đều bị phạt, chỉ là mức phạt khác nhau mà thôi.

Ai dám nói người đi xe đạp say rượu thì không gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác?

Thậm chí, mức phạt với người đi xe đạp hiện nay là còn quá nhẹ. Có thể vì quá nhẹ nên nhiều người mới không để ý, không sợ phạt mà chỉ thấy buồn cười.

Trên thế giới, rất nhiều quốc gia coi việc uống rượu bia khi lái xe là tội phạm, nếu nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự kể cả khi chưa gây hậu quả.

Trong số này, điển hình là Nhật Bản. Tại quốc gia này, người đi xe đạp phải chịu những chế tài nghiêm khắc về rượu bia như người lái ô tô. Tương tự là Hà Lan, người đi xe đạp nếu bị phát hiện sử dụng rượu bia cũng bị xử phạt như các phương tiện tham gia giao thông khác…

Chúng ta đều biết, uống rượu bia lái xe là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến TNGT. Với tình trạng lạm dụng rượu bia như ở Việt Nam, với văn hóa uống hiện nay, nếu giảm được hành vi điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia thì tất yếu tai nạn sẽ giảm.

Việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn tạo ra chỉ giới rõ ràng để người dân thực hiện, tạo nên hiệu quả thực sự trong việc kéo giảm TNGT.

Hiện nay, các quy định đã tương đối đầy đủ, chế tài cũng đã tương đối đủ răn đe. Vấn đề đặt ra là làm sao đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý nghiêm để nâng cao ý thức người dân, giúp họ thấy được tác hại của hành vi uống rượu bia lái xe. Để nếu thêm những lần người đi xe đạp say rượu bị phạt, không ai còn cảm thấy lạ lùng!

Th.s Trần Thị Thương Huyền

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.