Thị trường

Ưu tiên hải quan cho số đông sẽ mất ý nghĩa

10/03/2016, 18:31

Đây là kiến nghị về việc thực hiện cơ chế ưu tiên thông quan hải quan cho các doanh nghiệp.

uu-tien-hai-quan-cho-so-dong-se-mat-y-nghia
Các quy định pháp luật Việt Nam chưa đáp ứng hết được yêu cầu của EVFTA. Ảnh minh hoạ

Theo Báo cáo rà soát pháp luật Việt Nam với cam kết về hải quan trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), do Trung tâm WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) công bố sáng nay (10/3), pháp luật Việt Nam về hải quan gần như đã tương thích với cam kết EVFTA.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO, còn hai yêu cầu “rất nhỏ” chưa tương thích là yêu cầu không phân biệt đối xử với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chế độ doanh nghiệp ưu tiên và yêu cầu mỗi giấy tờ hành chính chỉ phải nộp một lần.

Bà Trang cho hay, hầu như các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có thể tiếp cận tiêu chí về kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm để được hưởng chế độ ưu tiên, trừ các doanh nghiệp làm thủ tục hải quan thông qua đại lý hải quan.

Từ đó, Nhóm đề xuất điều chỉnh lại các quy định tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP về tiêu chí kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm theo hướng giảm mức kim ngạch xuống cho phù hợp với năng lực xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Thanh Bình - chuyên gia hải quan, việc quy định kim ngạch hoặc số lượng dịch vụ thực hiện mỗi năm là cách làm của nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và cả Đài Loan… Còn Việt Nam đã có cách làm riêng là quy định các mức kim ngạch khác nhau, nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

"Chính sách ưu tiên mà áp dụng cho số đông thì không có nhiều ý nghĩa. Vì vậy, tôi đồng tình với kiến nghị cần từng bước sửa đổi pháp luật Việt Nam theo hướng giảm mức kim ngạch nhưng không đến mức số lượng doanh nghiệp đáp ứng đủ tiêu chí nhiều đến tràn lan”, ông Bình nói.

Ông Bình cho biết thêm, để thực hiện tốt quy định này cần rà soát hệ thống pháp luật quản lý chuyên ngành bởi hiện nay thủ tục hải quan còn liên quan nhiều đến kiểm tra chuyên ngành của nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây là cũng chính nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ lô hàng kiểm tra chuyên ngành cao và thời gian thông quan hàng hóa dài như hiện nay.

Về yêu cầu mỗi giấy tờ hành chính chỉ phải nộp một lần, bà Trang cho biết, nếu cam kết được hiểu là chỉ một giấy tờ hành chính duy nhất cho các thủ tục hải quan thì pháp luật hải quan hoàn toàn không đáp ứng yêu cầu của cam kết.

Còn nếu cam kết được hiểu là đối với mỗi loại giấy tờ hành chính chỉ cần một bản được sử dụng cho toàn bộ quá trình thực hiện thủ tục hải quan, thì pháp luật Việt Nam cũng chỉ đáp ứng được một phần khi thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia.

Do đó, Nhóm rà soát cho rằng, trong cả hai trường hợp, pháp luật Việt Nam đều chưa đáp ứng được yêu cầu và vì vậy cần được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.