Vận tải

Ưu tiên hỗ trợ hành khách khuyết tật đi máy bay

24/12/2015, 07:19

Đây là quan điểm thống nhất được các hãng hàng không trong nước như: Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific Airlines khẳng định...

11

CHK quốc tế Nội Bài hiện đã trang bị hệ thống xe phục vụ nối chuyến thân thiện với người khuyết tật - Ảnh: Thanh Bình

Được hưởng dịch vụ tốt và ưu đãi nhất

Trong văn bản mới nhất gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không VN cho biết, hiện tại các hãng hàng không đều có quy định cụ thể về việc phục vụ các đối tượng hành khách yêu cầu dịch vụ đặc biệt, trong đó có quy trình phục vụ, hỗ trợ người khuyết tật khi tham gia giao thông bằng đường hàng không tại Điều lệ vận chuyển cũng như Quy trình phục vụ hành khách. “Các quy định này bao gồm, thời gian thông báo sử dụng dịch vụ với hãng hàng không, thời gian làm thủ tục hàng không, đăng ký mẫu Thông tin y tế”, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN cho biết.

"Trong thời gian chưa có đủ xe nâng hỗ trợ khách khuyết tật, ACV sẽ bố trí nhân viên tại cảng hàng không phối hợp cùng với hãng hàng không hỗ trợ đưa khách khuyết tật lên, xuống máy bay”.

Ông Lê Mạnh Hùng
Tổng giám đốc ACV

Thực tế, không chỉ riêng các hãng hàng không trong nước mà điều lệ vận chuyển, quy trình phục vụ của các hãng hàng không nước ngoài như: China Airlines, Qantas Airways, Emirates Airways, Air France, Singapore Airlines, United Airlines, Asiana Airlines… đều nêu rõ hành khách là người khuyết tật cần thông báo cho hãng chuyên chở về tình trạng sức khỏe, yêu cầu trợ giúp tối thiểu 48h trước thời gian khởi hành chuyến bay. Các hãng này cũng yêu cầu hành khách phải có người đi cùng trong trường hợp sử dụng dịch vụ cáng hoặc hành khách bị khuyết tật nặng, là người khiếm thính, khiếm thị nặng.

Theo tìm hiểu của PV, các hãng hàng không Việt Nam thậm chí không bắt buộc phải có người đi cùng hành khách yêu cầu dịch vụ đặc biệt (khách khiếm thính, khiếm thị, đi lại khó khăn…). Trưởng ban Dịch vụ thị trường của Vietnam Airlines Đặng Anh Tuấn cho biết, các hành khách yêu cầu dịch vụ đặc biệt của Vietnam Airlines chỉ cần hoàn thành mẫu Thông tin y tế để hãng biết rõ hơn về hành khách, qua đó chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị để phục vụ tốt nhất cho hành khách từ dưới mặt đất cho đến trên chuyến bay. “Đây là mẫu mà Vietnam Airlines tham khảo từ Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA)”, ông Tuấn cho biết thêm.

Đến 2020 sẽ hoàn thiện hạ tầng

Trên thực tế, đến thời điểm hiện tại, hạ tầng phục vụ người khuyết tật tại một số cảng hàng không vẫn chưa thực sự được hoàn thiện. Theo Tổng giám đốc Tổng công ty cảng hàng không VN Lê Mạnh Hùng, hiện tại, tất cả các cảng hàng không đều đã bố trí chỗ ngồi riêng cho người già yếu, phụ nữ có thai, người khuyết tật. Song, ông Hùng cũng thừa nhận, về hệ thống giao thông và khu vực vệ sinh cho người khuyết tật, mới chỉ có các cảng được xây dựng và sửa chữa trong khoảng 5 năm trở lại đây như: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Pleiku, Phú Bài, Phù Cát, Thọ Xuân, Cát Bi, Vinh… là có đầy đủ.

“Tại hầu hết các cảng đều có bố trí ram dốc cho người khuyết tật tại điểm tiếp cận, bố trí ghế chờ với số lượng không nhỏ hơn 5% tổng số ghế. Tương tự, nhà vệ sinh cho người khuyết tật cũng đảm bảo chiếm ít nhất là 5% tổng số phòng vệ sinh”, ông Hùng nói và cho biết, những CHK chưa đáp ứng yêu cầu trên sẽ được lên kế hoạch sửa chữa trước năm 2020, đảm bảo phục vụ tốt người khuyết tật”.

Liên quan đến trang thiết bị, ông Hùng cho biết, hiện chỉ  5/21 sân bay tại Việt Nam gồm: Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Liên Khương có xe nâng phục vụ người khuyết tật. Giai đoạn 2016 - 2017, sẽ tập trung đầu tư xe nâng cho các cảng hàng không: Vinh, Cát Bi, Phú Bài, Cần Thơ, Thọ Xuân, Pleiku, Đồng Hới, Buôn Mê Thuột, Phù Cát.

“Các cảng hàng không: Điện Biên, Chu Lai, Cà Mau, Rạch Giá, Côn Đảo sẽ chỉ xem xét đầu tư khi có kế hoạch khai thác loại tàu bay lớn và sản lượng hành khách tăng cao”, ông Hùng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.