Xã hội

Ưu tiên phân bổ ngân sách T.Ư để phát triển hạ tầng đường sắt

12/07/2017, 13:21

Luật đường sắt (sửa đổi) quy định việc ưu tiên phân bổ ngân sách T.Ư để phát triển hạ tầng đường sắt quốc gia.

phat-trien-duong-sat

Ảnh minh hoạ

Sáng 12/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố Luật đường sắt 2017. Toàn bộ dự án Luật nhằm hướng tới sự phát triển của ngành đường sắt Việt Nam.

Luật đường sắt (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018, gồm 10 chương, 87 điều (tăng 2 chương, giảm 27 điều so với Luật Đường sắt 2005).

Dự án Luật này bao gồm đầy đủ các quy định điều chỉnh mọi hoạt động trong lĩnh vực đường sắt, có vai trò quan trọng và tác động rất lớn tới sự phát triển của ngành đường sắt nói riêng và kinh tế xã hội của Việt Nam nói chung.

Đáng lưu ý, nhiều chính sách phát triển đường sắt đã được Luật bổ sung, quy định đầy đủ, chi tiết trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh đường sắt, công nghiệp đường sắt, phát triển đường sắt chuyên dùng. Đặc biệt, đối với chính sách ưu tiên phân bổ ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công để bảo đảm phát triển hạ tầng đường sắt quốc gia.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, Luật đường sắt 2017 có 9 điểm mới nổi bật.

Đầu tiên, chính sách phát triển đường sắt quy định tại Điều 5 đã được Luật bổ sung quy định đầy đủ, chi tiết trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh đường sắt, công nghiệp đường sắt, phát triển đường sắt chuyên dùng. Đặc biệt, đối với chính sách ưu tiên phân bổ ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công để bảo đảm phát triển hạ tầng đường sắt quốc gia. Với những chính sách này nhằm định hướng và làm căn cứ cho Chính phủ ban hành các chính sách cụ thể trong từng giai đoạn phù hợp với thực tế phát triển trong hoạt động đường sắt.

nguyen-van-cong

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết Luật đường sắt sửa đổi có 9 điểm mới

Điểm mới thứ 2 là về kết cấu hạ tẩng đường sắt được quy định tại chương II. Cụ thể luật quy định chủ thể trong quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt, trong đó bổ sung quy định cụ thể các chủ thể trong công tác quản lý nhà nước về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt, chủ thể có trách nhiệm trong quản lý tài sản hạ tằng đường là của cơ quan quản lý nhà nước.

Điểm nổi bật thứ 3 là về phát triển công nghiệp đường sắt tại mục 1 chương III. Đây là quy định mới được bổ sung trong luật, bao gồm các quy định về yêu cầu phát triển công nghiệp đường sắt, đầu tư phát triển công nghiệp đường sắt, nghiên cứu, ứng dụng KHCN đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ…

Về phương tiện giao thông đường sắt quy định tại mục 2 chương III, luật bổ sung quy định đối với niên hạn sử dụng phương tiện GT đường sắt. Tuy nhiên sẽ được thực hiện có lộ trình để đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động của DN kinh doanh vận tải đường sắt. Nội dung này đã giao CP quy định cụ thể để đảm bảo yêu cầu của các phương tiện giao thông đường sắt dần dần được thay thế nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng và đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.

Điểm mới thứ 5 là về phí, giá sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quy định tại Điều 66, luật lần này bổ sung cơ chế giá sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt. Theo đó, phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt trực tiếp liên quan đến chạy tàu áp dụng đối với phương thức giao sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư. Đối với giá sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt trực tiếp liên quan đến chạy tàu áp dụng đối với phương thức cho thuê hoặc chuyển nhượng có thời hạn quyền sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư.

Về hỗ trợ đối với DN kinh doanh đường sắt trong việc thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, an sinh xã hội tại điều 68, luật đã bổ sung quy định về việc nhà nước hỗ trợ cho DN kinh doanh đường sắt trong trường hợp vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt, an ninh xã hội theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp đủ chi phí hợp lý của DN. Đáng chú ý,Luật đường sắt lần này dành hẳn chương VII quy định về đường sắt đô thị, bổ sung cụ thể các quy định về yêu cầu chung đối với đường sắt đô thị, quyền, nghĩa vụ của DN kinh doanh đường sắt đô thị, hệ thống kiểm soát vé, quản lý an toàn đường sắt đô thị, yêu cầu đối với kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc đầu tư xây dựng, quản lý đường sắt đô thị.

Điểm mới cuối cùng dành 1 chương (chương VIII) để quy định các nội dung về đường sắt trên cao. Đây cũng là điểm hoàn toàn mới của luật lần này. Trong đó, yêu cầu chung đối với đường sắt tốc độ cao, chính sách phát triển đường sắt tốc độ cao, yêu cầu về kết cấu hạ tầng đường sắt tốc độ cao, quản lý, khai thác, bảo trì, quản lý an toàn đường sắt tốc độ cao. Các nội dung này là cơ sở pháp lý đầu tiên cho hoạt động đầu tư đường sắt tốc độ cao của nước ta trong thời gian tới.

Cũng trong sáng nay, Văn phòng Chủ tịch nước công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố 5 Luật khác gồm: Luật Quản lý ngoại thương; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Du lịch; Luật Thủy lợi. Đây là các Luật vừa được kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV thông qua.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.